Tin tổng hợp

Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa: Sự lựa chọn tất yếu

  • 07/10/2019
  • Trung tuần tháng 6, Quốc hội thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó vấn đề biên soạn sách giáo khoa được quy định theo một chương trình thống nhất với nhiều bộ sách khác nhau. Điều này được giới chuyên gia đánh là bước cải tiến quan trọng cho nền giáo dục nước nhà.

    Nhìn lại lịch sử giáo dục Việt Nam, việc áp dụng “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đã ghi nhận những thành quả thiết thực mà nó mang lại. Để làm sáng tỏ hơn điều này, Bản tin ĐHQG-HCM đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia là những thế hệ từng giảng dạy, thụ lãnh trong môi trường giáo dục đa dạng nguồn tri thức.

    * Nhà giáo Lê Tử Thành - Giảng viên Trường ĐH Văn Khoa Sài Gòn

    Để người học tự chọn sách cho mình

    Cách biên soạn sách giáo khoa của nền giáo dục miền Nam trước 1975 rất khác với chúng ta hiện nay. Nhà nước không chỉ định tác giả tham gia soạn sách mà chỉ ban hành khung chương trình chung. Các tác giả muốn viết sách giáo khoa sẽ dựa vào đó để biên soạn. Do đó, ai cũng có thể biên soạn sách, hoàn toàn độc lập và tự do.

    Nhưng làm sao để biết sách giáo khoa nào có giá trị? Cứ nhìn vào đồng nghiệp và học sinh dùng sách sẽ biết. Những quyển sách được viết sáng sủa, ví dụ hay, cập nhật cái mới, đồng nghiệp sẽ dùng và giới thiệu cho học trò. Học trò tự do lắm, họ mua không chỉ một cuốn mà có thể mua nhiều cuốn, và so sánh chúng với nhau. Thầy dạy cũng không phụ thuộc vào một cuốn sách nào ngoài giáo án. Tác giả nào viết khi in ra mà dở quá, đồng nghiệp và học sinh không dùng, tất sách sẽ không bán được và tự nhiên sẽ bị đào thải.

    Một bộ sách giáo khoa hay được thể hiện qua việc tác giả trình bày và đề cập đủ, đúng kiến thức theo chương trình khung của bộ giáo dục. Thứ đến, văn phong phải sáng rõ, diễn đạt lôi cuốn hấp dẫn và cập nhật được những cái mới. Về tiêu chí đúng, tức phải đảm bảo tính khoa học (chân xác, khách quan, vô tư). Sách đề cập đủ, tức đủ những điều mà bộ giáo dục xác định cần trang bị cho học sinh từng lớp ở các bậc học chứ không phải nhồi nhét những kiến thức xa vời, phức tạp, không sát với đối tượng mình đang viết sách. Nhiều sách giáo khoa hiện nay truyền tải quá nhiều kiến thức, tuy không sai nhưng không cần dùng đến. Do vậy sẽ khiến người học làm việc quá sức, quan trọng hơn, những kiến thức này chẳng lợi gì với các em. Một người biên soạn sách giáo khoa giỏi là người biết học trò cần học đến đâu mà cung cấp đến đó, vừa tốt và vừa đủ.

    Bên cạnh đó văn phong trình bày phải sáng sủa, nếu tạo được lối viết hấp dẫn sẽ làm học sinh thích thú hơn. Một điều quan trọng nữa, những quyển sách giáo khoa luôn có tính cập nhật sẽ được người dạy và người học đón nhận nhiều nhất. Môi trường học thuật sôi động và luôn tiếp cận những trào lưu, khuynh hướng nghiên cứu mới nhất của thế giới tại Sài Gòn trước 1975 đã tạo điều kiện cho việc cập nhật tri thức không ngừng ở các bậc học. Một trào lưu hay ý kiến độc đáo của triết học vừa xuất hiện ở Pháp hôm trước, khoảng một tuần sau ở Sài Gòn đã có người giới thiệu và viết bài. Do đó, các tác giả biên soạn sách còn hơn nhau ở chỗ sách của ai giàu tính cập nhật hơn sẽ thuyết phục người dùng hơn.

    Tôi thiển nghĩ để việc biên soạn sách giáo khoa vừa đúng vừa đủ và phù hợp với bậc học trung học phổ thông, tác giả biên soạn sách trước hết phải là những thầy cô thuộc bậc học này. Như vậy vừa đảm bảo sát chương trình khung của bộ đề ra, vừa sở hữu kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp để hiểu rõ điều gì là hữu ích nhất với các em học sinh. Nếu tác giả biên soạn là những người không trực tiếp tham gia giảng dạy, dù có theo sát chương trình khung, khi biên soạn sách giáo khoa, họ rất dễ rơi vào tình trạng biên soạn thiếu hoặc thừa, nhất là thừa,vì không ít người luôn muốn chứng tỏ rằng mình là người “hiểu rộng biết nhiều”.

    * GS.TS Dương Minh Đức - Trường ĐH KHTN, Chủ tịch Hội Toán học TP.HCM

    Giáo viên phổ thông nên biên soạn SGK

    Tôi nhớ, có lần con tôi loay hoay với một bài tập hóa học ở bậc phổ thông. Tôi đọc kỹ lại, hóa ra bài tập này dùng một khái niệm mà không có trong sách, muốn giải được phải mua một cuốn sách tham khảo khác. Phải chăng, sách giáo khoa đã không còn đủ sức truyền tải kiến thức cho người học như thế hệ của chúng tôi trước đây?

    Nhìn lại sách giáo khoa toán của bậc trung học phổ thông, tôi cho rằng vấn đề nổi bật nhất của chúng là thiếu lý luận toán học. Người viết nhiều khi cũng không hiểu toán khiến cho người học sau khi học toán chẳng biết để làm gì. Vài lần tôi hỏi sinh viên ở lớp cử nhân tài năng Khoa Toán - Tin, Trường ĐH KHTN, theo các em hình thoi ngoài việc trang hoàng còn được dùng vào những chuyện gì? Không sinh viên nào trả lời được câu hỏi ấy. Trong khi ở Mỹ, học sinh của họ đã học điều đó từ năm lớp 3, lớp 4, tức học để dùng trong thực tế chứ không phải để đáp ứng thi cử. Điều này để lại những hệ lụy vô cùng lớn. Khi bước tiếp vào các chuyên ngành ở đại học, sự thiếu vắng nền tảng kiến thức mà lý ra đã được giải quyết ở bậc trung học, mới thực sự bộc lộ. Chỉ với một câu hỏi đơn giản là tại sao từ dòng thứ nhất trong lời giải lại viết ra được lời giải của dòng thứ hai, đa số sinh viên của tôi đều trả lời là nhớ ở đâu đó và chép lại. Các em không hiểu được bản chất của toán học cũng như cách giải quyết các vấn đề, mà chỉ dùng trí nhớ để lắp ráp các kiến thức.

    Thêm nữa, trên thế giới, hiện nay người ta đã bỏ hình học phẳng từ cả thế kỷ trước nhưng ở mình vẫn phải hì hục dạy và học. Do vậy, chúng ta vừa thiếu lý luận lại vừa dạy những điều đã trở nên lạc hậu.

    Tôi cho rằng bộ sách giáo khoa lý tưởng là nằm ở chỗ cái gì không cần thì không dạy. Đây là tiêu chí chủ yếu. Tiếp theo, người biên soạn nên chú trọng việc dạy tư duy cho người học. Tôi rất kỳ vọng với điều luật mới về biên soạn sách giáo khoa. Theo đó, người soạn sách không cần soạn cả bộ, mà chỉ cần thấy trình độ lớp nào thích hợp với mình, họ sẽ biên soạn cho trình độ lớp đó, chứ không phải biên soạn bộ sách cho cả bậc học. Bởi, tập hợp nhóm tác giả soạn cả bộ sẽ khó và phức tạp hơn nếu chỉ dành tâm huyết soạn cho một lớp nhất định.

    Thiết nghĩ, việc biên soạn sách giáo khoa phổ thông nên để cho các thầy cô của bậc học này làm hơn là để chuyên gia biên soạn. Bởi họ đủ sức soạn sách cũng như giàu kinh nghiệm giảng dạy, nắm bắt rõ tâm lý của các em học sinh. Họ biết cần phải làm gì tốt nhất và phù hợp nhất cho học sinh của mình. Những người biên soạn sách, nếu không phải là các thầy cô trực tiếp giảng dạy đối tượng này, sẽ không thể thấu hiểu được. Bên cạnh đó, sự tham gia của các thầy cô ở bậc đại học với tính chất cố vấn sẽ giúp chương trình học được nhất quán và sâu sắc hơn. Ngày trước, đa số sách toán đại số và hình học cấp trung học ở miền Nam được biên dịch từ bộ sách viết bằng tiếng Pháp của hai ông Camille Lebossé và Corentin Hémery. Theo tôi biết, cả hai ông đều không có bài báo nghiên cứu toán học nào nhưng các ông viết cả bộ sách để cho người Pháp học. Người ta học không phải vì bắt buộc mà vì tác giả soạn hay. Đây là một ví dụ điển hình cho những người thường viết sách hay ở phổ thông đa số là giáo viên của bậc học này.

    * Nhà báo Lê Văn Nghĩa - Cựu học sinh Trường Pétrus Ký

    Đa dạng SGK, người dạy và học đều có lợi

    Thời còn là học sinh trung học, tôi thường ra khu chợ sách cũ ở khoảng đường từ Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) đến Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) để tìm mua sách giáo khoa của các môn học như quốc văn, hình học, đại số, Việt sử, triết học… Ở đây, có thể tìm thấy sách của các tác giả thời danh như Bùi Hữu Đột, Nguyễn Thanh Khiết, Nguyễn Đức Dương, Nguyễn Đức Kim, Huỳnh Bá Huệ Dương (toán, lý, hóa), Trần Bích Lan, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Xuân Hoàng (văn, triết)... Họ đều là giáo sư đang dạy tại các trường trung học lớn tại Sài Gòn và luôn được các nhà xuất bản tư nhân săn đón để viết sách. Tuy nhiên, các thầy không bao giờ bắt ép học sinh phải mua sách của mình mà luôn khuyến khích chúng tôi có thể mua sách của bất kỳ ai, đọc càng nhiều sẽ phục vụ việc học càng tốt. Do đó, chuyện học môn của người này nhưng lại dùng sách của người khác viết là điều rất thường tình. Như khi học triết với thầy Trần Bích Lan, chúng tôi có thể dùng sách của thầy Nguyễn Xuân Hoàng hay Bùi Giáng tiên sinh.

    Sách giáo khoa ngày ấy, các tác giả đều soạn thảo theo chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành. Tuyệt nhiên, bộ không xuất bản hay in ấn bất cứ quyển sách giáo khoa nào mà chỉ có một Trung tâm Học liệu in sách tham khảo nhưng không bán. Đa dạng sách nhưng không có chuyện trái ngược quan điểm trong một môn học giữa các soạn giả. Khác nhau giữa họ là ở cách diễn giải, lập luận, trích dẫn hay ví dụ để học sinh dễ hiểu hơn. Sách giáo khoa căn bản giải quyết được khối lượng kiến thức cần và đủ mà mỗi học sinh phải lĩnh hội. Do đó, sách tham khảo thường rất ít hoặc không có.

    Tiêu chí chọn một bộ sách để học của tôi rất đơn giản. Thứ nhất, nó phải hợp túi tiền. Thứ hai là in đẹp, cách trình bày dễ tiếp thu và đặc biệt phải phù hợp với trình độ của mình. Đa số học sinh sẽ chọn sách của thầy mình đầu tiên. Tôi thích những cuốn sách cũ có nhiều ghi chú. Ngoài những gì học được từ thầy cô, mình có thể học từ những ghi chú ấy. Đó có thể là những cách giải khác của những đàn anh đàn chị, rất bổ ích. Ngoài ra, nó rẻ.

    Tôi cho rằng chính việc không thay đổi chương trình là yếu tố quyết định sự sống còn của sách giáo khoa thời trước, không đoản mệnh như những bản in hiện tại. Bộ Giáo Dục không nên in sách giáo khoa vì nếu làm như vậy sẽ sinh ra sự độc quyền. Rõ ràng chúng ta thấy không có nhiều bộ sách giáo khoa cho mọi người tham khảo. Do đó, Bộ Giáo Dục có thể in sách song song với đề án một chương trình nhiều bộ sách. Suốt một thời gian dài, việc Bộ Giáo Dục độc quyền in sách giáo khoa là sự tiếp nối việc in sách để phát cho học sinh thời bao cấp. Dần dần, nó trở thành một nguồn lợi lớn của bộ. Nhà xuất bản là nồi cơm của Bộ Giáo Dục là cách nói từ chuyện ấy mà ra.

    PHIÊN AN - TẤN ĐỒNG - NGUYỄN NHUNG (Bản tin ĐHQG-HCM số 196)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên