Tin tổng hợp

Mức độ tự chủ đại học cho thấy trình độ phát triển của đất nước

  • 19/11/2019
  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định như vậy trước hơn 1.000 sinh viên, giảng viên ĐHQG-HCM trong Lễ Khai khóa 2019 với chủ đề: “Tự chủ đại học, đổi mới và sáng tạo”. Buổi lễ được ĐHQG-HCM tổ chức tại Hội trường Trần Chí Đáo - Nhà Điều hành ĐHQG, sáng 5/10.

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thực hiện nghi thức đánh trống Khai khóa 2019. ẢnhĐức Lộc

    Đây là điểm kết chuỗi ngày hội chào năm học mới của các trường thành viên ĐHQG-HCM đã diễn ra trong tháng 9. Đặc biệt, buổi lễ còn có sự hiện diện của sinh viên Trường ĐH An Giang, một trường thành viên mới của hệ thống ĐH này trong năm nay.

    “Tự chủ càng cao, trách nhiệm giải trình với xã hội càng lớn. Các hoạt động của trường đại học cũng vì thế mà phải công khai và minh bạch”.

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

    Tự chủ phải gắn liền trách nhiệm giải trình

    Phát biểu tại Lễ Khai khóa, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM chúc mừng toàn thể cán bộ, công chức, giảng viên và sinh viên ĐHQG-HCM nhân năm học mới 2019-2020. 

    Giới thiệu về diễn giả của Lễ Khai khóa, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Với hơn 23 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học, và hơn 15 năm đảm đương các vị trí lãnh đạo về tài chính như Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng, GS.TS Vương Đình Huệ là một nhà khoa học và nhà quản lý giàu kinh nghiệm, có tầm nhìn chiến lược. Bài nói chuyện với chủ đề ‘Tự chủ đại học, đổi mới và sáng tạo’ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ truyền thông điệp cùng những kỳ vọng của đất nước đến sinh viên ĐHQG-HCM nói riêng, và sinh viên cả nước nói chung”.

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tự chủ đại học trên thế giới đang thay đổi theo hướng phát huy vai trò tự do học thuật, giảm dần sự kiểm soát trực tiếp của cơ quan quản lý đối với đại học. Trên thế giới, khái niệm tự chủ đại học gắn liền với sự thay đổi mối quan hệ giữa nhà nước và trường đại học theo xu hướng phát huy truyền thống đại học, tự do học thuật, tự chủ tổ chức, tự chủ tài chính. Theo đó, mô hình tự chủ đại học được xếp theo bốn loại: mô hình nhà nước kiểm soát hoàn toàn, bán tự chủ, bán độc lập và hoàn toàn độc lập.

    “Thực tế cho thấy, ở những nước có nền tự chủ đại học càng cao thì trình độ phát triển của đất nước cũng ngày càng được nâng lên. Những quốc gia có chất lượng đại học tốt nhất cũng chính là những nước phát triển nhất trên thế giới. Trong một quốc gia, mức độ tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học không giống nhau, điều này phụ thuộc vào chất lượng của cơ sở giáo dục đó như thế nào” - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

    Theo Phó Thủ tướng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018 có 3 điểm đáng chú ý về đổi mới, nâng cao tự chủ đại học gồm trao quyền hạn rất lớn cho đại học, trường đại học tự chủ học thuật, tự chủ tổ chức nhân sự và tự chủ tài chính. Luật cũng quy định nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học.

    “Chúng ta phải hiểu rằng tự chủ đại học không có nghĩa các trường đại học phải 'tự bơi' hay tự túc. Nó chỉ đơn thuần là sự chủ động hơn về mọi mặt của nhà trường dưới sự hỗ trợ từ Nhà nước. Tự chủ càng cao, trách nhiệm giải trình với xã hội càng lớn. Các hoạt động của trường đại học cũng vì thế mà phải công khai và minh bạch” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý.

    ĐHQG đại diện cho hình ảnh giáo dục bậc cao

    Đánh giá vai trò của ĐHQG-HCM với sự nghiệp phát triển đất nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết ĐHQG-HCM đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước xây dựng các chính sách quốc gia về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, là đại học tiên phong triển khai các mô hình mới trong giáo dục, đào tạo.

    “Tôi tin tưởng rằng ĐHQG-HCM tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới. Phải tiến đến mục tiêu đứng vào top 500 đại học hàng đầu thế giới và top 100 đại học châu Á” - Phó Thủ tướng khẳng định.

    Phân tích về vai trò của mô hình ĐHQG trong xu thế tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, mô hình này đã có lịch sử lâu đời trên thế giới, đại diện hình ảnh quốc gia về giáo dục ở trình độ cao, do đó, các ĐHQG được nhà nước trao cơ chế tự chủ cao. “Mô hình ĐHQG tại Việt Nam đã và đang là mô hình tự chủ ở một mức độ nhất định. Điều này thể hiện từ lúc thành lập các ĐHQG và trong các nghị định, quy chế tổ chức hoạt động” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

    Để hoạt động tự chủ đi vào thực chất, Phó Thủ tướng lưu ý các ĐHQG phải thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng yếu như tạo điều kiện về cơ chế để các đơn vị thành viên, trực thuộc phát huy thế mạnh của mình; khai thác lợi thế được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển để tăng cường nguồn vốn đầu tư chiều sâu, hoàn thành các dự án xây dựng cơ bản; tận dụng sức mạnh hệ thống để gia tăng uy tín thương hiệu nhằm cạnh tranh với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới.

    “Các ĐHQG cần thực hiện từng bước tự chủ thích hợp với đặc thù của mô hình ĐHQG và các trường đại học thành viên, đảm bảo tính thống nhất, tính hệ thống và thế mạnh của từng trường thành viên” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý.

    Mở rộng tự chủ, sinh viên có thêm cơ hội học tập

    Trả lời câu hỏi của sinh viên về lợi ích của người học khi thực hiện tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết việc thực hiện tự chủ đại học trong thời gian qua đã giúp nhiều cơ sở giáo dục đại học có sự chuyển biến mạnh mẽ, cả về học thuật, bộ máy nhân sự lẫn quản lý tài chính. Các chương trình tiên tiến, chất lượng cao được xây dựng nhiều hơn, nhiều ngành học mới được mở ra, tạo điều kiện cho người học tiếp cận.

    “Khi sinh viên trèo lên đỉnh núi cao không phải để đất nước nhìn thấy các em mà để các em nhìn thấy rõ hơn thế giới cũng như quê hương của mình”.

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

    “Trước mắt, không chỉ những trường được trao quyền tự chủ mà tất cả cơ sở đại học đều phải thực hiện lộ trình tăng học phí, theo 4 bước, gồm tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao vào học phí. Riêng sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, và các đối tượng chính sách khác, Nhà nước sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ. Hiện Chính phủ đang đề xuất tăng mức cho vay tín dụng sinh viên từ 1,5 triệu đồng/tháng lên 2,5 triệu đồng/tháng để giảm bớt khó khăn cho người học” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

    Phó Thủ tướng cho biết việc mở rộng quyền tự chủ đại học sẽ giúp sinh viên có thêm cơ hội chủ động trong kế hoạch học tập, rút ngắn thời gian để học thêm ngành mới hoặc nâng cao trình độ.

     Nhắn nhủ với hơn 1.000 tân sinh viên của ĐHQG-HCM, Phó Thủ tướng kỳ vọng sinh viên phải tận dụng cơ hội và sử dụng thời gian hợp lý để đem lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình, xã hội: “Khi sinh viên trèo lên đỉnh núi cao không phải để đất nước nhìn thấy các em mà để các em nhìn thấy rõ hơn thế giới cũng như quê hương của mình. Tôi mong các em sinh viên tận dụng hết cơ hội khi đang ngồi trên ghế nhà trường, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và trách nhiệm với đất nước”.

    Dịp này, ĐHQG-HCM đã trao tặng Bằng khen của Giám đốc ĐHQG-HCM cho thủ khoa tốt nghiệp các trường thành viên và giao lưu với các sinh viên điển hình.

    Sau buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với lãnh đạo ĐHQG-HCM. Phó Thủ tướng đã viết sổ lưu niệm và trồng cây tại khuôn viên Nhà Điều hành ĐHQG-HCM.

    PHIÊN AN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên