Tin tức - Sự kiện

Nghiên cứu hành vi băng qua đường của xe hai bánh trong dòng xe hỗn hợp dựa trên lý thuyết hoạch định hành vi – trường hợp tỉnh Hậu Giang - NCS. Dương Ngọc Hải

  • 20/03/2024
  • Đề tài nghiên cứu: Nghiên cứu hành vi băng qua đường của xe hai bánh trong dòng xe hỗn hợp dựa trên lý thuyết hoạch định hành vi – trường hợp tỉnh Hậu Giang
    Họ và tên NCS: Dương Ngọc Hải
    Ngành:    Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông
    Mã số ngành: 9580205
    Cán bộ hướng dẫn: PGS. TS Chu Công Minh
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. HCM
    Tóm tắt luận án
    Luận án tiến hành nghiên cứu hành vi băng qua đường của xe hai bánh với mục tiêu đề xuất các giải pháp hiệu quả kéo giảm tai nạn giao thông hàng đầu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Luận án thực hiện hai nghiên cứu, trong đó Nghiên cứu 1 xác định năng lực dự báo của mô hình tiêu chuẩn Lý thuyết Hoạch định hành vi (TPB) và các biến bổ sung trong lĩnh vực hành vi lái xe, Nghiên cứu 2 xây dựng mô hình hành vi băng qua đường.
    Nghiên cứu 1 tiến hành rà soát tổng quan 42 bài báo TPB trên thế giới về hành vi lái xe, áp dụng phân tích tổng hợp thống kê và phương trình cấu trúc để đánh giá sự đóng góp của các biến TPB, các biến bổ sung đối với việc dự báo hành vi lái. Nghiên cứu đã xem xét 20 hành vi lái xe riêng biệt (ví dụ lái xe có sử dụng bia rượu, vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động, lái xe hung hãn…) và 43 biến bổ sung được sử dụng trong các mô hình TPB. Trong tổng số 43 biến bổ sung, xác định sáu biến bổ sung thường được sử dụng nhất, bao gồm hành vi quá khứ, nhận diện cá nhân, chuẩn mực mô tả, chuẩn mực đạo đức, hối tiếc đoán trước, nhận thức rủi ro. Với phương pháp ma trận gộp hiệp phương sai ước lượng kết quả của phương trình cấu trúc, Nghiên cứu đã khẳng định mô hình tiêu chuẩn TPB giải thích được 32% sự biến thiên của ý định lái xe và 34% sự biến thiên của hành vi lái xe. Mức độ tác động của các biến TPB và các biến bổ sung đối với ý định lái xe được xác định cụ thể ở từng cặp mối quan hệ. Ngoài ra, Nghiên cứu cũng chỉ ra khả năng giải thích của từng biến bổ sung đối với sự biến thiên của ý định lái xe. Sự tác động của các biến TPB lên ý định lái xe bị điều tiết bởi loại hành vi lái và loại điều kiện dòng xe lưu thông.
    Nghiên cứu 2 thực hiện hai mẫu nghiên cứu độc lập trên địa bàn Hậu Giang để phân tích hành vi băng qua đường của xe hai bánh trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa. Mẫu nghiên cứu 1 với kịch bản băng qua đường theo luật giao thông đã sử dụng mô hình TPB đo theo niềm tin với các biến bổ sung chuẩn mực mô tả, nhận thức rủi ro, nhận biết tình huống giao thông. Mẫu nghiên cứu 2 với kịch bản băng qua đường vi phạm luật giao thông lựa chọn lại mô hình nghiên cứu của Mẫu nghiên cứu 1 để phân tích, tuy nhiên có sự điều chỉnh về thiết kế thang đo của các biến, loại biến đầu ra của mô hình (khả năng suýt xảy ra tai nạn). Kết quả phát hiện mô hình đề xuất đã giải thích được 21% sự biến thiên của ý định và 41% sự biến thiên của hành vi lái băng qua đường theo luật. Trường hợp thuận lợi, chuẩn mực chủ quan, chuẩn mực mô tả là các chỉ báo của ý định, trong khi ý định và nhận thức rủi ro là các chỉ báo của hành vi băng qua đường theo luật. Đối với hành vi băng qua đường vi phạm luật, mô hình nghiên cứu đã giải thích được 49% sự biến thiên của ý định băng qua đường vi phạm luật và 23% sự biến thiên của khả năng suýt xảy ra tai nạn. Niềm tin về lợi ích của hành vi, chuẩn mực mô tả, chuẩn mực chủ quan, trường hợp thuận lợi, nhận biết tình huống giao thông đều có tác động trực tiếp đến ý định vi phạm băng qua đường. Khả năng suýt xảy ra tai nạn bị chi phối ảnh hưởng trực tiếp bởi ý định, trường hợp thuận lợi và nhận thức rủi ro. Đáng lưu ý, nhận biết tình huống giao thông được khẳng định là chỉ báo của nhận thức rủi ro. Ngoài ra, người lái xe nhận thức không có sự khác biệt về rủi ro giao thông giữa làn xe cùng chiều và làn ngược chiều. 17 nhóm giải pháp và các giải pháp cụ thể được khuyến nghị dựa trên kết quả phát hiện các chỉ báo của ý định và hành vi băng qua đường.    
    Những đóng góp mới của luận án
    - Việc nghiên cứu tổng quan TPB đối với hành vi lái xe hình thành “công cụ tra cứu” nắm bắt nhanh về tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, phát hiện hướng nghiên cứu trong lĩnh vực lái xe.
    - Sự áp dụng hiệu quả của phương pháp phân tích tổng hợp và mô hình phương trình cấu trúc để nghiên cứu trong ngành giao thông vận tải.  
    - Xem xét vai trò điều tiết của một vài nhân tố mới tác động lên mối quan hệ giữa các biến TPB và ý định lái xe.
    - Hành vi băng qua đường lần đầu tiên được nghiên cứu khoa học, được xây dựng mô hình lý thuyết TPB để xác định các nhân tố tâm lý ảnh hưởng đến hành vi.
    - Nhận biết tình huống lái là yếu tố quan trọng trong môi trường giao thông động, tuy nhiên yếu tố này chưa được xem xét trong các mô hình nghiên cứu TPB trước đây. Cả nhận biết tình huống lái và nhận thức rủi ro được xem xét sự ảnh hưởng trong mô hình nghiên cứu đề xuất.
    - Luận án có sự điều chỉnh đầu ra của hành vi so với lý thuyết TPB. Việc điều chỉnh này để xây dựng mô hình nghiên cứu xem xét sự suýt xảy ra tai nạn do hành vi vi phạm băng qua đường gây ra.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên