Tin tức - Sự kiện

Nghiên cứu kịch bản tuồng Nam bộ trước 1945 - NCS. Nguyễn Thị Huyền Trang

  • 20/04/2023
  • Tên đề tài: Nghiên cứu kịch bản tuồng Nam bộ trước 1945
    Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
    Mã số: 9220121
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Huyền Trang
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lê Giang
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    + Tóm tắt nội dung luận án
    Với đề tài Nghiên cứu kịch bản tuồng Nam Bộ trước 1945, luận án tập trung vào các khía cạnh chính sau: Tìm hiểu vị trí của kịch bản tuồng Nam Bộ trong dòng văn học Việt Nam nói chung và văn học Nam Bộ nói riêng, đồng thời hệ thống hoá những đóng góp của kịch bản tuồng Nam Bộ về mặt tác giả và văn bản, đặc biệt là vấn đề dị bản của kịch bản văn học tuồng.
    Qua việc vận dụng kết hợp các hướng tiếp cận nghiên cứu chuyên ngành lẫn liên ngành và các phương pháp nghiên cứu như Phương pháp thống kê – phân loại, Phương pháp tiếp cận hệ thống, Phương pháp so sánh – đối chiếu, Phương pháp phân tích – tổng hợp, Phương pháp tiếp cận thi pháp học, chúng tôi đã thống kê các kịch bản tuồng cổ, phân loại và phân tích các đặc điểm đặc trưng, thú vị về nội dung và nghệ thuật của kịch bản tuồng cổ ở Nam Bộ trước 1945. Qua đó, nhằm góp phần khẳng định những đóng góp lớn lao của kịch bản văn học tuồng cổ ở Nam Bộ trong quá trình phát triển nghệ thuật tuồng ở Nam Bộ nói riêng và nghệ thuật tuồng Việt Nam nói chung.
    + Những kết quả của luận án
    1. Thứ nhất, luận án góp phần nhìn nhận một cách bao quát về vai trò, vị trí của kịch bản văn học tuồng ở Nam Bộ trong sự vận động và phát triển của nghệ thuật tuồng truyền thống ở nước ta trước năm 1945.
    2. Thứ hai, luận án đã đưa ra những tiêu chí để nhận diện nguồn gốc các kịch bản tuồng một cách rõ ràng, khoa học hơn. Từ việc nhận diện nguồn gốc các kịch bản tuồng, người viết đã giới thiệu các giai đoạn phát triển, các tác giả và văn bản văn học tuồng ở Nam Bộ. Thông qua các văn bản văn học tuồng ở Nam Bộ, luận án đã phân chia thành các tiểu thể loại và so sánh những điểm giống và khác nhau một số bản tuồng Nam Bộ và tuồng ở các miền khác.
    3. Thứ ba, luận án đã có những kiến giải về các đặc điểm nội dung đặc trưng như đề cao các giá trị trung, hiếu, tiết, nghĩa; tái hiện những bi kịch của con người và phê phán sự suy thoái đạo đức trong xã hội; Ca ngợi tình yêu thuỷ chung và những bài học về khuyến thiện trừng ác. Từ những đặc điểm nội dung đó, người đọc, người xem có thể hiểu một số giá trị cốt lõi của xã hội phong kiến Việt Nam  thông qua các bản văn học tuồng. Do đó, luận án có những đóng góp nhất định ở cả hai khía cạnh lý thuyết và thực tiễn.
    4. Cuối cùng, luận án đã có những phân tích, lý giải về kết cấu của một văn bản văn học tuồng trên các phương diện như mở đầu và kết thúc, bố cục, các mô típ, các xung đột; về nghệ thuật xây dựng nhân vật như hệ thống nhân vật và nhân vật trung tâm; về các điểm đặc biệt trong ngôn ngữ kịch bản tuồng như ngôn ngữ kết hợp giữa nói và viết, ngôn ngữ mang tính ước lệ, tình hành động và tính biểu cảm.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn của luận án
    Với những kết quả khoa học trên đây, luận án có khả năng ứng dụng thực tiễn như sau:
    (1) Tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy các học phần liên quan đến Văn học Việt Nam giai đoạn trước 1945, nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam thuộc chuyên ngành văn học, chuyên ngành nghệ thuật học.
    (2) Tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên cao học chuyên ngành văn học Việt Nam, chuyên ngành nghệ thuật học.
    (3) Tài liệu giúp cho người đọc, người xem hiểu được các quy ước, quy tắc điển hình trong nghệ thuật biểu diễn tuồng hát bội trên sân khấu.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên