Tin tức - Sự kiện

Ngữ âm thổ ngữ Cao Lao Hạ góp phần nghiên cứu sự biến đổi phụ âm đầu của Tiếng Việt - NCS. Nguyễn Thị Thủy

  • 01/01/2022
  • Tên luận án: Ngữ âm thổ ngữ Cao Lao Hạ góp phần nghiên cứu sự biến đổi phụ âm đầu của Tiếng Việt
    Chuyên ngành: Ngôn ngữ học                   
    Mã số: 9229020  
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thủy
    Người hướng dẫn khoa học: GS.TS.Trần Trí Dõi (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội)
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh
    1. Tóm tắt luận án 
    Thổ ngữ Cao Lao Hạ là một trong những biểu hiện của tính đa dạng ngôn ngữ trong cộng đồng người nói tiếng Việt. Tuy vậy, cho đến nay, việc nghiên cứu ngữ âm của thổ ngữ này còn rất hạn chế. Chính vì thế, việc làm rõ những đặc điểm ngữ âm của thổ ngữ chắc chắn sẽ góp thêm những cứ liệu quan trọng trong việc tìm hiểu ngữ âm lịch sử tiếng Việt, nghiên cứu phương ngữ học và sau đó là nghiên cứu văn hóa khu vực.
    Đề tài “Ngữ âm thổ ngữ Cao Lao Hạ góp phần nghiên cứu sự biến đổi phụ âm đầu của tiếng Việt”, trên cơ sở lý thuyết nhận diện ngữ âm của một thổ ngữ, đã miêu tả và sau đó là cung cấp những cơ sở xã hội học ngôn ngữ để góp phần giải thích những đặc điểm ngữ âm của thổ ngữ. Thông qua việc miêu tả hệ thống ngữ âm những đơn vị đoạn tính của thổ ngữ Cao Lao Hạ, nhất là hệ thống phụ âm đầu của thổ ngữ, đề tài xác lập những tương ứng giữa hệ thống phụ âm đầu của tiếng Việt toàn dân với thổ ngữ Cao Lao Hạ. Trên cơ sở đó, luận án góp thêm  chứng cứ ngôn ngữ để giải thích trạng thái ngữ âm hiện nay của thổ ngữ Cao Lao Hạ phản ánh đặc điểm biến đổi lịch sử các phụ âm đầu trong tiếng Việt.
    2. Những kết quả mới của luận án 
    Về mặt lý thuyết, luận án xác định việc nhận diện bức tranh ngữ âm thổ ngữ Cao Lao Hạ thông qua mô tả hệ thống âm vị bằng tri nhận thính giác theo cách thức xác lập hệ thống âm vị một thổ ngữ mà giới Việt ngữ học đã làm. Xác định thổ ngữ Cao Lao Hạ về mặt không gian thuộc phương ngữ Trung của tiếng Việt. Luận án cũng lựa chọn 4 quy luật biến đổi âm đầu (vô thanh hóa, xát hóa, mũi hóa, tắc hóa) tiêu biểu mà những nhà Việt ngữ học nghiên cứu về ngữ âm lịch sử tiếng Việt đã xác định để làm cơ sở lý giải về khả năng phát triển nội tại của những âm đầu có trong thổ ngữ tiếng Việt ở Cao Lao Hạ hiện nay. 
    Luận án đã giới thiệu về địa bàn Cao Lao Hạ trong khu vực rộng lớn hơn là Quảng Bình, trình bày những biến động lịch sử liên quan đến làng Cao Lao Hạ. Luận án đã cho biết một khả năng về một Cao Lao Hạ là địa điểm tụ cư của cả người dân nói ngôn ngữ thuộc nhóm tiếng Việt và cả người dân nói một ngôn ngữ Nam Đảo trước năm 1470. Sau đó nơi đây đã đón nhận những cư dân nói tiếng Việt ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và có thể là những vùng khác thuộc phía bắc di cư đến.
    Qua quá trình nghiên cứu, luận án xác định thổ ngữ Cao Lao Hạ có 4 đơn vị thanh điệu, 23 đơn vị phụ âm đầu, 1 bán nguyên âm làm âm đệm và 17 nguyên âm, 8 đơn vị âm cuối. Số lượng các thành phần này (trừ âm đệm) nếu so sánh với tiếng Việt toàn dân thì rất đáng chú ý, điều này khi được kiểm chứng lại sẽ là một thực tế thú vị trong việc giải thích quá trình biến đổi ngữ âm lịch sử của tiếng Việt.
    Khi xác lập những tương ứng về âm đầu giữa tiếng Việt toàn dân và thổ ngữ Cao Lao Hạ, luận án cho thấy có một tình trạng tương quan hết sức đa dạng. Tình trạng tương ứng đa chiều này cho thấy tiếng Việt ở thổ ngữ Cao Lao Hạ đã có những biến đổi phức tạp. Đây rất có thể là trường hợp thổ ngữ tiếng Việt cung cấp thêm tư liệu quý giá để chúng ta có điều kiện phân tích chi tiết hơn về các quy luật biến đổi ngữ âm thông thường cũng như tiếp xúc ngôn ngữ của tiếng Việt ở địa phương Quảng Bình.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu 
    Qua bảng từ vựng mà chúng tôi sử dụng để nghiên cứu hệ thống âm vị của thổ ngữ Cao Lao Hạ, có những vấn đề đặt ra cần được tiếp tục nghiên cứu để làm sáng rõ hơn trạng thái ngữ âm của thổ ngữ Cao Lao Hạ. Thứ nhất là tiếp tục thu thập thêm vốn từ của thổ ngữ, nhất là lớp từ ít được sử dụng, để qua đó kiểm chứng lại bằng thực nghiệm hệ thống âm vị của thổ ngữ. Đồng thời, trên cơ sở những tương ứng về âm đầu giữa tiếng Việt toàn dân và thổ ngữ Cao Lao Hạ, tiếp tục phân tích chi tiết hơn về các quy luật biến đổi ngữ âm của tiếng Việt đã được xác lập. Và đặc biệt, nếu có thể, khảo sát vốn từ của thổ ngữ để xây dựng cuốn từ điển về thổ ngữ Cao Lao Hạ trong tương lai.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên