Tin tổng hợp

Nữ giảng viên đam mê lan tỏa nghệ thuật

  • 03/05/2019
  • Thành lập Câu lạc bộ Sân khấu - Điện ảnh của Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, tổ chức Liên hoan phim FY Film dành cho các nhà làm phim trẻ, sáng lập dự án sáng tạo nghệ thuật Yume… đó là những hoạt động nổi bật khiến TS Đào Lê Na trở thành một trong những tên tuổi uy tín trong giới điện ảnh Việt Nam những năm gần đây.

    TS Đào Lê Na say sưa giảng bài.

    Tôi gặp TS Đào Lê Na vào một buổi chiều cuối tháng 11, khi cô vừa được tuyên dương danh hiệu Cán bộ trẻ tiêu biểu cấp trường, năm học 2017-2018. Tại góc quán nhỏ, cô nở nụ cười tươi tắn, gương mặt rạng rỡ và ăn mặc giản dị, lịch sự. Trong mùi cà phê rang thơm lừng, cuộc trò chuyện ngắn của chúng tôi dần hé lộ nhiều điều thú vị về người phụ nữ trẻ này.

    Cô giáo tận tâm cùng viên phấn trắng

    Phải lòng điện ảnh trong một dịp tình cờ, Đào Lê Na say mê tìm hiểu, nghiên cứu sâu về lĩnh vực này. Năm 2011, cô lên đường sang Đài Loan học chuyên ngành quản lý nghệ thuật ở Trường đại học Nguyên Trí. Tại đây, được tiếp xúc với một trong những nền giáo dục hàng đầu châu Á, tinh thần tự giác, tận tâm của người Đài Loan, Lê Na càng trăn trở nỗi niềm về vẻ đẹp tinh tế của điện ảnh chân chính. Về nước với học vị tiến sĩ, cô giảng dạy tại Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV. Cô dồn hết tâm huyết và khát vọng vào việc xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp và bồi đắp tình yêu điện ảnh cho học trò của mình.

    Để khơi gợi hứng thú cho sinh viên, trong mỗi giờ giảng, Đào Lê Na kết hợp nhiều phương pháp như: đặt câu hỏi gợi mở, tổ chức thuyết trình, đố vui, trò chơi trắc nghiệm, giải ô chữ… Bạn Nguyễn Huỳnh Như, sinh viên năm IV, Khoa Văn học, chia sẻ: “Cô Lê Na là một giảng viên tâm huyết và luôn đầu tư nghiêm túc cho mỗi tiết học. Cách dạy của cô không sôi nổi, hào hứng mà luôn từ tốn sẻ chia, lắng nghe thấu hiểu. Đó chính là ‘chất riêng’ của cô”.

    Tự nhận mình là người không giỏi công nghệ, đồng thời thấy được những hạn chế nhất định của việc trình chiếu powerpoint, Lê Na chọn viên phấn trắng làm “bảo bối” của mình trong mỗi giờ lên lớp. Với người bạn trung thành này, cô dễ dàng biến hóa kiến thức khô khan thành những sơ đồ tư duy sinh động, dễ hiểu và mang thêm một chút hơi hướng nghệ thuật.

    Chưa bằng lòng với kiểu dạy học truyền thống, Lê Na tiếp tục tìm tòi cách thức mới để vừa giúp sinh viên tiếp thu bài học hiệu quả vừa làm lan tỏa tình yêu văn chương - điện ảnh trong giới trẻ. Đó cũng là lý do năm 2016, cô thành lập Câu lạc bộ Sân khấu - Điện ảnh của Khoa Văn học.

    Gầy dựng một câu lạc bộ học thuật từ con số 0 tròn trĩnh, Lê Na và các cộng sự sinh viên của mình gặp rất nhiều khó khăn. Đó là những ngày đầu tiên sinh viên tham gia quá ít ỏi, hoặc khi một số thành viên cốt cán tự ý bỏ ngang công việc vì áp lực học hành, hoặc lúc câu lạc bộ thiếu hụt kinh phí vận hành các sự kiện… Rồi những đêm suy tư không ngủ, những giọt mồ hôi mệt nhoài lăn dài trên má, những tranh luận “nội bộ” gay gắt cho một ý tưởng…

    Sau hai năm hoạt động, câu lạc bộ đi vào ổn định. Dần dần những buổi giao lưu, tọa đàm bổ ích về nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng được tổ chức thường xuyên và chuyên nghiệp hơn. Sinh viên có cơ hội tiếp cận điện ảnh trong Liên hoan nghệ thuật Hòa bình Trong nhà ngoài ngõ, qua phim ngắn của Kurosawa Akira, qua kịch Medea của Euripide hay vở diễn Chim hải âu của Anton Chekhov, đặc biệt là cuộc thi làm phim ngắn dành cho các bạn trẻ đam mê điện ảnh mang tên FY Film… Lê Na và Câu lạc bộ Sân khấu - Điện ảnh đã thổi một làn gió tươi mới vào những bài học mang nặng tính lý luận hàn lâm. Vì thế, sinh viên ngày càng học tập hăng say hơn.

    Lê Na tâm sự: “Điều hạnh phúc nhất khi mình đồng hành cùng câu lạc bộ là được chứng kiến sự trưởng thành của mỗi sinh viên. Chỉ trong một thời gian ngắn, các em đã nỗ lực hết sức để vun vén mọi công việc một cách vẹn tròn. Như vậy, câu lạc bộ không chỉ giúp các em nắm vững kiến thức chuyên ngành mà còn trang bị thêm vốn sống, kỹ năng và trải nghiệm tuổi trẻ. Mình rất tự hào về các em”.

    “May mà có Yume, đời còn dễ thương!”

    Thế nhưng, đến đây, duyên phận của Lê Na với nghệ thuật chỉ mới thực sự bắt đầu…

    Hiện đại, mới mẻ, phong phú, đa văn hóa và đầy màu sắc, “nghệ thuật tràn ngập mọi nẻo đường, từ nhà trường ra đường phố”… Đó là những ấn tượng sâu sắc của cô về Đài Loan. Chứng kiến tầm vóc kiêu hãnh của nền nghệ thuật nước bạn, lòng cô lại càng đau đáu về tiềm năng phát triển của nền nghệ thuật nước nhà. Thêm vào đó, thực trạng nhiều bạn trẻ Việt Nam thiếu tư duy phản biện, thường a dua miệt thị, công kích người khác trên mạng xã hội cũng khiến cô suy nghĩ. Lê Na quan niệm nghệ thuật đích thực là liều thuốc có thể chữa lành tâm hồn, là giải pháp gắn kết xã hội. Trong đầu cô xuất hiện một giấc mơ to lớn: Phải làm ngay điều gì đó để nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật và trình độ thẩm mỹ của người dân nước mình. Dù khó khăn, vất vả nhưng tại sao không?

    Thế là vừa miệt mài nghiên cứu, giảng dạy tại trường đại học, cô vừa âm thầm vận động, kêu gọi tài trợ khắp nơi và sáng lập dự án phát triển nghệ thuật sáng tạo Yume. Yume tập trung vào hai mục đích chính là Yume Courses (khóa học ngắn hạn từ các chuyên gia) và Yume Fund (quỹ hỗ trợ phát triển nghệ thuật và sáng tạo để phục vụ cộng đồng).

    Yume Courses là những khóa học chia sẻ kiến thức nghệ thuật chuyên sâu từ các chuyên gia (mỹ học, triết học, nghiên cứu văn hóa…) và cung cấp những kỹ năng sáng tạo (sáng tác văn học, viết kịch bản, viết nhạc phim...). Từ đó, học viên được truyền cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, thêm mến yêu và khao khát bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

    Tâm sự về khóa học Cải lương: Thưởng thức và trải nghiệm (thuộc Yume Courses) do mình giảng dạy, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết cho biết: “Khi tới đây, tôi không nghĩ mình đi dạy, mà tôi nghĩ đây là buổi nói chuyện của những người trẻ bởi các học viên của tôi toàn là trí thức trẻ thôi. Đây cũng là một dịp hạnh ngộ để chúng tôi cùng ngồi nói với nhau những câu chuyện văn hóa - nghệ thuật của đất nước nói chung và nghệ thuật cải lương nói riêng”.

    TS Đào Lê Na cùng một bệnh nhi ung thư tô tượng. Ảnh: NVCC

    Sau khi trừ đi chi phí giảng viên, thuê địa điểm, quản lý lớp học, phần tiền còn lại của các khóa học sẽ được đưa vào Yume Fund để hỗ trợ dự án Yume Kids - À ơi (dự án dạy nghệ thuật cho bệnh nhi ung thư và trẻ em khuyết tật), tổ chức các tuần lễ phim miễn phí cho cộng đồng, chia sẻ một phần kinh phí cho những dự án phim ngắn hoặc kịch xuất sắc, hỗ trợ dịch thuật, in ấn sách về nghệ thuật hoặc tổ chức các buổi tọa đàm nghệ thuật miễn phí,...

    Thực hiện dự án Yume Kids - À ơi, Đào Lê Na cùng các tình nguyện viên hướng dẫn các bé bệnh nhi vẽ tranh acrylic và poster. Khi nói về “đứa con tinh thần” này, ánh mắt cô lấp lánh nụ cười: “May mà có Yume, đời còn dễ thương!”. Cô kể, nhiều bé vẽ rất nhanh, rất khéo, có nét vẽ hồn nhiên, nhiều nét vẽ chững chạc. Các bức tranh sẽ được bán gây quỹ cho Ngày hội Hoa hướng dương sắp tới. Toàn bộ số tiền thu được sẽ trao lại cho các “họa sĩ nhí”.

    Suốt hành trình ý nghĩa này, những niềm vui nho nhỏ cứ mỗi ngày đều đặn nở hoa. Đó là khi sau vài buổi học, một cậu bé chừng 11, 12 tuổi có thể tự tay làm một tấm thiệp xinh xắn dành tặng sinh nhật mẹ. Hay khoảnh khắc một cô bạn nhỏ quê ở Sóc Trăng tự vẽ được hình chibi tặng cả gia đình... Lê Na hay nói vui rằng duyên phận của cô với nghệ thuật và cộng đồng chắc sẽ còn tiếp tục dài lâu lắm đây.

    Ở người phụ nữ nhỏ nhắn này, dễ dàng nhận thấy cái tâm, cái tầm của một nhà giáo, một con người nhân hậu và đam mê nghệ thuật hòa quyện vào nhau, để rồi cứ thế, cô thong thả viết tiếp những trang đời đẹp đẽ cho chính mình và cho cuộc đời.

    Tiến sĩ Đào Lê Na hiện là Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM.

    Năm 2017, cô có bài phát biểu về điện ảnh Việt Nam tại AAS, Hội nghị nghiên cứu châu Á lớn nhất thế giới, tổ chức tại Toronto, Canada.

    Năm 2018, cô trở thành trưởng tiểu ban “Cải biên văn chương điện ảnh như là đối thoại xuyên quốc gia ở châu Á” tại Hội nghị nghiên cứu châu Á AAS tổ chức ở Washington, Mỹ. Cũng trong năm 2018, cô là 1 trong 24 học giả trẻ được lựa chọn từ các nước và khu vực: Mỹ, Nhật Bản, Đông Nam Á để tham gia khoá học nghiên cứu mùa hè tại Nhật Bản.

    Cô cũng là người sáng lập và điều hành Liên hoan phim ngắn FY dành cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam, Sân khấu kịch Văn khoa dành cho các bạn sinh viên yêu thích các tác phẩm văn học kinh điển và đặc biệt là dự án Yume, dự án phát triển nghệ thuật và sáng tạo dành cho cộng đồng.

    Ngoài ra, cô còn là giảng viên thỉnh giảng của các trường: Đại học Văn hoá TP.HCM, Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội (cơ sở 2), Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Viện Truyện tranh và Phim hoạt hình Việt Nam.

     

    XUÂN MAI (Bản tin ĐHQG-HCM số 193)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên