Tên luận án: Quản lý hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh các trường tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh
Chuyên ngành: Quản lý Giáo dục
Mã số: 9140114
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thanh Hương
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Thị Thúy Dung
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
I. Tóm tắt nội dung luận án
Hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh ở trường tiểu học có vai trò quan trọng trong hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp cho học sinh, góp phần giảm thiểu bạo lực học đường, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để nâng cao thành tích học tập, ảnh hưởng đến văn hóa nhà trường, hình ảnh nhà trường trước xã hội. Chương trình giáo dục phổ thông ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018) quy định rõ mục tiêu của chương trình giáo dục tiểu học: “Giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt” (mục II). Để thực hiện mục tiêu này, giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh càng trở nên quan trọng trong trường tiểu học, hình thành cho học sinh những thói quen, hành vi ứng xử văn hóa với tự nhiên, xã hội và bản thân. Nhận thức rõ vấn đề này, Nhà nước và ngành GD cũng đã ban hành một số văn bản pháp lí liên quan, cụ thể là ngày 3 tháng 10 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Thông tư số 06/ TT- BGDĐT về Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Thực tế cho thấy, quản lí hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh ở các trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được quan tâm, nhưng công tác kế hoạch hóa, tổ chức bộ máy thực hiện, lãnh đạo và kiểm tra đối với giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh khi lồng ghép trong hoạt động dạy học và các hoạt động giáo dục ở trường tiểu học còn chưa cụ thể.
Từ những yêu cầu trên, luận án đã tập trung nghiên cứu về quản lí hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh tại trường tiểu học công lập của chủ thể quản lí là hiệu trưởng nhà trường. Trên cơ sở nghiên cứu lí luận về quản lí hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh ở trường tiểu học và khảo sát, phân tích thực trạng quản lí hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh các trường tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh, luận án đề xuất các biện pháp quản lí hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh các trường tiểu học công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Luận án dựa trên các hướng tiếp cận: tiếp cận hệ thống, tiếp cận giáo dục học theo cấu trúc thành tố của hoạt động giáo dục, tiếp cận quản lí giáo dục theo chức năng quản lí; đồng thời sử dụng phối hợp các phương pháp: nghiên cứu lí luận, nghiên cứu thực tiễn (khảo sát bằng bảng hỏi, phỏng vấn, nghiên cứu sản phẩm hoạt động và thực nghiệm) và xử lý dữ liệu. Nghiên cứu được thực hiện tại 27 trường tiểu học công lập thuộc 06 quận nội thành và 03 huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh.
Dựa trên kết quả thu được từ các phương pháp nghiên cứu, luận án đã đánh giá thực trạng hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh ở trường tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh, thực trạng quản lí hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh các trường tiểu học tại TPHCM và thực trạng ảnh hưởng của các yếu tố đến quản lí hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh các trường tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh; từ đó, luận án đã đề xuất 2 nhóm biện pháp quản lí, bao gồm 8 biện pháp với 25 nội dung cụ thể để quản lí hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh các trường tiểu học công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các biện pháp được đề xuất tiếp cận theo chức năng quản lí của hiệu trưởng trường tiểu học, bao gồm các biện pháp liên quan đến tăng cường chức năng kế hoạch hóa, chú trọng chức năng tổ chức, chú trọng chức năng lãnh đạo, đẩy mạnh chức năng kiểm tra. Ngoài ra, kết quả khảo sát ý kiến của các đối tượng là cán bộ quản lí (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng chuyên môn), giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tại 9 quận, huyện nội và ngoại thành TPHCM cho thấy các biện pháp được đề xuất có tính cấp thiết và khả thi cao. Kết quả thực nghiệm nội dung “bồi dưỡng năng lực cho các lực lượng giáo dục trong nhà trường về việc thực hiện lồng ghép giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động giáo dục” (thuộc biện pháp“Chú trọng công tác bồi dưỡng nhận thức và năng lực, chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động giáo dục”) đã khẳng định tính khả thi và hiệu quả của nội dung biện pháp này. Hiệu trưởng các trường tiểu học công lập tại TPHCM có thể triển khai các biện pháp quản lí hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử trong hoạt động dạy học và trong các hoạt động giáo dục ngoài môn học mà luận án đã đề xuất.
II. Những kết quả của luận án
1. Về mặt lí luận
Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các tác giả trên thế giới và trong nước, các nguồn tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu, luận án đã phát triển và xây dựng được cơ sở lí luận của quản lí hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh ở trường tiểu học, cụ thể là:
- Phân tích được các khái niệm cơ bản, vai trò của của hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh ở trường tiểu học; phân tích các thành tố và nguồn lực thực hiện giáo dục văn hóa ứng xử trong hoạt động dạy học; các thành tố và nguồn lực thực hiện giáo dục văn hóa ứng xử trong hoạt động giáo dục.
- Phân tích các tác động quản lí của chủ thể quản lí (hiệu trưởng trường tiểu học) đến giáo dục văn hóa ứng xử trong hoạt động dạy học và giáo dục văn hóa ứng xử trong hoạt động giáo dục thông qua các chức năng quản lí (lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra); đồng thời, phân tích một cách toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh ở trường tiểu học.
2. Về mặt thực tiễn
- Mô tả và phân tích được thực trạng giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong hoạt động dạy học và trong các hoạt động giáo dục tại các trường tiểu học công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phân tích được những ưu điểm và hạn chế trong thực hiện các chức năng quản lí của hiệu trưởng trường tiểu học công lập ở TPHCM đối với giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong hoạt động dạy học và trong các hoạt động giáo dục; đồng thời, cũng phân tích kết quả khảo sát ý kiến của các đối tượng về ảnh hưởng của các yếu tố đến quản lí hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh các trường tiểu học công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ việc phân tích thực trạng, luận án đã đề xuất được hệ thống các biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong thực hiện chức năng quản lí của hiệu trưởng trường tiểu học công lập ở TPHCM đối với giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong hoạt động dạy học và trong các hoạt động giáo dục.
- Trong quá trình thực nghiệm biện pháp, luận án cũng xây dựng được kế hoạch và nội dung bồi dưỡng các lực lượng giáo dục trong trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh để nâng cao kiến thức về giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong các hoạt động giáo dục.
III. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
1. Ứng dụng của đề tài trong thực tiễn
1.1. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách liên quan đến công tác tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử trong hoạt động dạy học và các hoạt động giáo dục cho học sinh trường tiểu học nói riêng, học sinh phổ thông nói chung.
1.2. Đối với các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh
Kết quả nghiên cứu giúp xác định nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh các trường tiểu học trên địa bàn của các phòng giáo dục và đào tạo quận/huyện với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo (theo phân cấp); từ đó có cơ sở thực tiễn để đề xuất, tham mưu với cấp trên về cơ chế phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (các trường đại học, viện nghiên cứu...) để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho các lực lượng giáo dục của các trường tiểu học trên địa bàn về lồng ghép giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong các môn học và các hoạt động giáo dục ngoài môn học.
1.3. Đối với các trường tiểu học công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh
Nghiên cứu cho thấy để hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử diễn ra hiệu quả, hiệu trưởng trường tiểu học cần chú trọng thực hiện đồng bộ các chức năng quản lí trong quá trình quản lí hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong các môn học và các hoạt động học. Đồng thời, các biện pháp được đề xuất cũng là nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà quản lí trường tiểu học cải thiện các mặt hạn chế trong từng chức năng quản lí theo kết quả nghiên cứu thực tiễn của đề tài.
Bên cạnh đó, để đáp ứng được mục tiêu giáo dục văn hóa ứng xử, các lực lượng giáo dục trong trường tiểu học cần chủ động, tích cực tham gia các hình thức bồi dưỡng do nhà trường tổ chức; tích cực tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực giáo dục nói chung, năng lực giáo dục văn hóa ứng xử nói riêng trong các môn học và các hoạt động giáo dục.
1.4. Đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (các trường đại học, các trung tâm, viện...) ở Thành phố Hồ Chí Minh
Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học giúp xây dựng các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu về giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong các môn học và các hoạt động giáo dục ở trường phổ thông nói chung và trường tiểu học nói riêng.
1.5. Ứng dụng trong các nghiên cứu khác
Kết quả nghiên cứu của luận án làm cơ sở khoa học cho các nghiên cứu tiếp theo về quản lý giáo dục, giáo dục văn hóa ứng xử cho người học; nguồn tài liệu tham khảo cho nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên chuyên ngành quản lý giáo dục.
2. Hướng phát triển của đề tài
Nghiên cứu sâu hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử: xem xét khía cạnh đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh tiểu học như một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự tiếp nhận và thực hiện văn hóa ứng xử của học sinh trong quá trình dạy học và giáo dục trong trường tiểu học.
Nghiên cứu đánh giá tác động của các biện pháp đã đề xuất trong thực hiện chức năng quản lí của hiệu trưởng trường tiểu học đối với giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong hoạt động dạy học và trong các hoạt động giáo dục để điều chỉnh cho phù hợp.
Kết quả nghiên cứu có giá trị về mặt khoa học, để tiến hành các nghiên cứu tiếp theo về quản lý giáo dục.
Hãy là người bình luận đầu tiên