Tin tức - Sự kiện

Sự biến đổi cấu trúc gia đình người Chăm BÀLAMÔN ở Việt Nam hiện nay - NCS. Trịnh Thị Nhài

  • 25/02/2022
  • Tên đề tài luận án: Sự biến đổi cấu trúc gia đình người Chăm BÀLAMÔN ở Việt Nam hiện nay
    Chuyên ngành: Triết học    
    Mã số: 9229001    
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Trịnh Thị Nhài    
    Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Trọng Nghĩa và TS. Phú Văn Hẳn
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    1. Tóm tắt nội dung luận án (Abstract) - viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
    Người Chăm Bàlamôn là các nhóm cộng đồng dân cư thiểu số sinh sống ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ, tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận. Bắt nguồn từ vương quốc Chămpa cổ, trải qua nhiều thăng trầm và biến động lịch sử, tộc người Chăm theo đạo Bàlamôn ngày nay có ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa riêng, trong đó có đặc trưng về gia đình chế độ mẫu hệ. Đó là cấu trúc đại gia đình mẫu hệ gồm các thành viên cùng huyết tộc theo dòng mẹ thuộc các thế hệ khác nhau, ông bà, cha mẹ, con cháu cùng tham gia sản xuất với tư liệu sản xuất chung và thực hiện chế độ phân phối sản phẩm chung.
    Đường lối đổi mới kinh tế của Việt Nam hơn 30 năm qua đã làm biến đổi gần như toàn diện đời sống xã hội trên khắp các lĩnh vực và tác động đến các cộng đồng dân tộc ít người. Sự phát triển của lực lượng sản xuất dẫn đến sự phân công lao động mới trong cấu trúc gia đình theo chế độ mẫu hệ của người Chăm Bàlamôn, vai trò kinh tế và xã hội của người phụ nữ có sự giảm sút, trong khi đó người nam ngày càng khẳng định vai trò ngày một quan trọng về kinh tế và xã hội trong cấu trúc gia đình hạt  nhân. Sự biến đổi cấu trúc gia đình này đang tạo ra nhiều thay đổi lớn trong quan hệ xã hội, trong văn hóa và sự phát triển của cộng đồng người Chăm Bàlamôn ở Việt Nam hiện nay.
    Việc nghiên cứu xây dựng một cấu trúc gia đình bền vững của người Chăm Bàlamôn trong bối cảnh xã hội hiện đại là cấp thiết. Nó vừa có giá trị lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn đối với quá trình thực hiện công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay.
    2. Những kết quả của luận án
    Thứ nhất, luận án làm rõ về mặt lý luận của cấu trúc gia đình và cấu trúc gia đình truyền thống người Chăm Bàlamôn ở Việt Nam. Cụ thể, về khái niệm cấu trúc gia đình, luận án làm rõ ở phương diện thành viên của gia đình; phương diện các mối quan hệ bên trong gia đình; phương diện vị trí, vai trò của từng thành viên trong mối quan hệ với các thành viên khác trong gia đình. Về cấu trúc gia đình truyền thống người Chăm Bàlamôn, luận án phân tích làm rõ điều kiện hình thành cấu trúc gia đình truyền thống của người Chăm Bàlamôn; đặc điểm cấu trúc gia đình truyền thống của người Chăm Bàlamôn; vai trò của cấu trúc gia đình truyền thống đối với việc phát triển cộng đồng người Chăm Bàlamôn.
    Thứ hai, luận án trình bày và phân tích thực trạng, nguyên nhân biến đổi cấu trúc gia đình người Chăm Bàlamôn ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể, về thực trạng, luận án trình bày phân tích mặt tích cực; mặt tiêu cực trong sự biến đổi cấu trúc gia đình người Chăm Bàlamôn ở Việt Nam hiện nay. Vê nguyên nhân, luận án phân tích nguyên nhân khách quan; nguyên nhân chủ quan làm biến đổi cấu trúc gia đình người Chăm Bàlamôn ở Việt Nam hiện nay.
    Thứ ba, luận án đề xuất phương hướng và giải pháp phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực trong sự biến đổi cấu trúc gia đình người Chăm Bàlamôn ở Việt Nam hiện nay. 
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:    
    Luận án góp phần làm sáng tỏ những lý luận cơ bản về gia đình, cấu trúc gia đình nói chung, cũng như làm rõ cấu trúc gia đình truyền thống và hiện đại của người Chăm Bàlamôn ở Việt Nam nói riêng trong tiến trình hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
    Luận án góp phần vào việc hoàn chỉnh các chính sách phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc người Chăm, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó cũng là những giá trị tham khảo bổ ích phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập về triết học xã hội, triết học tôn giáo, triết học văn hóa. Đề tài cũng rút ra những đặc điểm của biến đổi cấu trúc gia đình và đề xuất giải pháp nhằm phát huy giá trị truyền thống, hạn chế mặt tiêu cực trong sự biến đổi của cấu trúc gia đình người Chăm Bàlamôn ở Việt Nam hiện nay.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên