Tin tổng hợp

Thi ĐGNL: Thí sinh lôi cuốn, phụ huynh thảnh thơi

  • 07/07/2019
  • Sáng 7/7, ĐHQG-HCM đã tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 2 với hơn 15.000 thí sinh tham gia. Đợt hai được tổ chức tại ba điểm thi TP.HCM, Cần Thơ, Nha Trang. Thí sinh đánh giá đề thi đợt hai có sự lôi cuốn, thú vị, phụ huynh không tốn nhiều tâm sức đồng hành.

    Đề thi lôi cuốn thí sinh

    Đợt hai của kỳ thi ĐGNL diễn ra cách đợt một ba tháng, nhiều thí sinh đã có kinh nghiệm thi và tiếp cận đề mẫu đánh giá đề thi thú vị và có sự lôi cuốn. Thí sinh Ngô Trúc Tường Vy, Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ cho biết “Mình làm được khoảng 80%. Bản thân mình thấy đề thi lần này đã quen hơn so với đợt một. So với đề thi THPTQG thì ĐGNL có nhiều cái hay hơn, thực tế hơn và mình không cần học gì trước, chỉ cần vận dụng kiến thức từ trước đến giờ mình có để làm bài”.

    Cùng đánh giá với quan điểm của Tường Vy, Lê Nguyễn Hoàng Thiên, Trường THPT Bình Sơn, Đồng Nai cũng nhận định đề đợt hai có phần quen thuộc hơn đợt một. Thiên lý giải “Chắc do lần này mình tìm hiểu kỹ hơn về dạng thức đề. Mình rất thích kiểu ra đề này vì thí sinh không phải học thuộc lòng mà dựa vào dữ liệu có sẵn để suy luận tìm câu trả lời”.

    Với Nguyễn Bá Thông, Trường THPT Tân Châu, An Giang tự tin đánh giá mình hoàn thành 85% bài thi. Thông cho biết: “Trong bài thi này, mình thích nhất toán logic bởi vì cần kỹ năng suy luận và kết nối các thông tin với nhau để tìm được đáp án của bài toán”.  Thông cho biết thêm do có nhiều môn thi tổng hợp nên đó cũng đòi hỏi thí sinh phải bao quát kiến thức. Đánh giá về đề thi, thí sinh Nguyễn Phạm Hải Minh, Trường THPT Châu Văn Liêm, Cần Thơ cảm thấy hào hứng và lôi cuốn với phần Toán và Logic. Liêm cho biết vì Toán và Logic không theo khuôn khổ của SGK ít áp lực hơn rất nhiều khi ngồi làm bài.

    "Dù làm tốt hơn đợt 1 nhưng em vẫn giữ nguyên nguyện vọng xét tuyển vào ngành An toàn Thông tin của Trường ĐH CNTT ĐHQG-HCM". Lê Nguyễn Hoàng Thiên - Trường THPT Bình Sơn, Đồng Nai.

    Thí sinh Thành Diệu Thịnh, Trường THPT Nguyễn Trãi, Ninh Thuận nhận định đề lần này khó khó hơn đợt một. Thịnh chia sẻ “Dù đề khó, nhiều câu em không làm kịp nhưng em vẫn thấy đề rất hay, nhất là phần Logic. Nếu được khuyên các em khóa sau, em khuyên các em nên thi vì có thêm cơ hội để xét tuyển đại học”.

    Là thí sinh tham gia cả hai đợt, Đặng Văn Tình, Trường THPT Phan Bội Châu, Phan Thiết rút kinh nghiệm đợt đầu Tình làm phần sử dụng ngôn ngữ và giải quyết vấn đề trước, sau đó mới làm phần toán. “Vì phần này thường mất nhiều thời gian hơn. Em thấy cách ra đề của kỳ thi này quá hay, em rất thích. Năng lực mình đến đâu sẽ làm được đến đó, đề thi có sự phân hóa và đánh giá được năng lực của mình” Tình chia sẻ.

    Ngoài việc sử dụng kỳ thi để xét tuyển đại học, nhiều thí sinh muốn thử sức kỳ thi để đánh giá khả năng của bản thân. Phạm Xuân Nhi, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Gò Vấp không làm thử đề mẫu mà muốn thi thử kỳ thi này để biết khả năng của mình. Nhi cho biết bản thân khá thoải mái, không lo lắng vì kỳ thi không gây áp lực nhiều cho thí sinh. Còn với Nguyễn Võ Phương Anh Trường THPT Trần Hưng Đạo, Gò Vấp dù biết số lượng thí sinh năm nay tăng lên đáng kể so với năm rồi nhưng không thấy áp lực. “Bởi nếu càng lo, càng sợ thì đôi khi mình sẽ bị ảnh hưởng, không thi tốt được. Tốt nhất là cứ thoải mái”.

    Thí sinh tâm trạng thoải mái tại cụm thi Cần Thơ

    Phụ huynh thảnh thơi

    Đợt thi thứ 2 của kỳ thi diễn ra tại nhiều địa điểm giúp thí sinh và phụ huynh không mất nhiều thời gian để di chuyển vất vả. Toàn bộ kỳ thi diễn ra trong một buổi sáng khiến nhiều phụ huynh phấn khởi.

    Bà Lê Thị Kim Cúc 68 tuổi ở Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cùng cháu từ 4 giờ sáng đã di chuyển tới Cần Thơ. Bà cho biết chỉ mất hơn một tiếng hai bà cháu đã di chuyển đã tới địa điểm thi. Còn cha con ông Đặng Văn Bé ở Cai Lậy, Tiền Giang thì mất 1h30 phút di chuyển. Ông Bé kể khi biết ĐHQG-HCM tổ chức kỳ thi này, ông đã động viên con mình tham gia, xem như thêm một cơ hội để vào đại học và trải nghiệm một hình thức thi mới. “Cháu cũng xem qua đề thi mẫu thấy không phải áp lực nhiều trong việc ôn tập mà dựa vào khả năng hiểu biết thực thụ của nhiều môn học chứ không thiên lệch vào khối ngành kiến thức nào” ông Bé cho biết.

    Còn bà Cúc nhận xét: “So với kì thi THPTQG, thi ĐGNL không tạo nhiều áp lực cho thí sinh. Đúng như tên gọi của nó là kiểm tra thực lực của người học chứ không phải chỉ hơn nhau ở khả năng nhồi nhét kiến thức”. Bà hy vọng cháu sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi này.

    Ông Nguyễn Văn Ân 56 tuổi ở TP Cần Thơ từng đồng hành cùng con mình đi qua hai lần thi ĐGNL nhận định, đây là kỳ thi hấp dẫn. “Khi cháu thi về có kể lại đề thi buộc thí sinh phải đảm bảo các kỹ năng và kiến thức cần thiết trong bậc THPT. Đối với thi ĐGNL, các thí sinh không phải nhồi nhét kiến thức. Tôi hy vọng ĐHQG-HCM tổ chức thi ĐGNL nhiều lần hơn trong một năm để giảm bớt áp lực học hành cho các em” ông Ân tâm sự.

    Tại điểm thi Nha Trang, nhiều phụ huynh dẫn con đi thi cùng tụ tập làm quen và kể chuyện dưới những tán can xanh mát của khuôn viên trường. Bà Trần Vân Ý cùng con ở Quảng Nam ra Nha Trang dự thi trước hai ngày. Bà Ý cho biết “Nhân dịp thi tại đây tôi cho con ra vui chơi và tắm biển Nha Trang coi như một công đôi chuyện, giúp cháu giảm căng thẳng sau mùa thi vừa rồi”. Còn đối với bà Lê Thị Chiến cũng chỉ cần nghỉ một buổi chợ để chở con đi thi.

    Kết quả của đợt hai dự kiến sẽ công bố vào ngày 15/7, kết quả trúng tuyển sẽ được công bố từ 15-17/7.

    PGS.TS. Lê Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ

    "Chúng tôi đánh giá cao kỳ thi này. Vì thời gian chỉ mất một buổi giúp thí sinh và gia đình không phải mất công sức, căng thẳng để tham gia. Chúng tôi mong rằng những năm tiếp theo Trường ĐH Cần Thơ sẽ được tiếp tục phối hợp để kỳ thi có nhiều thí sinh tham gia hơn. Và qua đó chúng ta sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức của thí sinh, gia đình cũng như của xã hội".

    Thái Việt, Phiên An, Tấn Đồng, Minh Châu, Hoài Thương

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên