Tin tổng hợp

TS Lê Xuân Thuyên: Cái xấu nhất vẫn ở thì tương lai

  • 07/02/2016
  • TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM là người thường xuyên có mặt trong nhiều hội nghị, hội thảo với các phát biểu phản biện về môi trường. Ông đã đăng bài trên tạp chí nghiên cứu khoa học uy tín Nature, giới thiệu kết quả phân tích của nhóm tác giả về các xu hướng gần đây trong thay đổi độ cao bề mặt ngập mặn trên toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

    TS Lê Xuân Thuyên (bên phải), sử dụng máy dò thủy âm Sonar khảo sát địa hình khu vực dự án lấp sông Đồng Nai. Ảnh: Nld.com.vn

    TS Lê Xuân Thuyên đặc biệt quan tâm đến các vấn đề nóng của mội trường, biến đổi khí hậu ở Việt Nam như việc lấp sông Đồng Nai, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguy cơ tan rã…

    * Thưa Tiến sĩ, hướng nghiên cứu của ông gần như gắn bó với môi trường và biến đổi khí hậu. Vì sao ông chọn hướng nghiên cứu đó?

        Đúng là như vậy. Theo hiểu biết và nhận thức của tôi, tôi thấy khá rõ về nguy cơ rất gần đối với mảnh đất Nam bộ - nơi sống của gần 20 triệu người dân. Đây là nơi tôi đã gắn bó bằng những nghiên cứu từ thời trai trẻ và trong các chương trình nghiên cứu cơ bản của Nhà nước từ những năm 1980. Tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ vùng đất này.

        Với tinh thần cầu thị, tôi luôn mở rộng hợp tác khoa học với các nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực, không chỉ lĩnh vực tự nhiên mà cả xã hội và lịch sử, khảo cổ. Tôi luôn chia sẻ và học hỏi thêm kiến thức từ đồng nghiệp trong các lĩnh vực để hiểu rõ hơn về vùng đất này. Những kiến thức mới như những động lực mới luôn giúp suy nghĩ của chúng ta phong phú hơn, ý tưởng rộng mở hơn.

    * Ông nhận định nào về biến đổi khí hậu và môi trường hiện nay, đặc biệt là những biến đổi do con người gây ra?

        Biến đổi khí hậu và tác động lâu dài do có sự tham gia trái với tự nhiên của con người là điều không thể tranh cãi. Nhưng vấn đề là chúng ta đã hiểu rõ hết các tác động từ hành động của chúng ta chưa? Có lẽ chưa! Bởi những tác động trực tiếp thì dễ thấy, nhưng còn những cái tiềm ẩn không lường và đặc biệt những tiến trình tương tác xa, sẽ xuất hiện lúc nào đó và gây ra thảm họa gì mới là những cái mà tất cả chúng ta đều băn khoăn. Vì cái xấu nhất vẫn còn ở thì tương lai! Chúng ta hiện không thể chắc chắn nói là biết tất cả những gì liên quan tới biến đổi khí hậu, nhưng phải hành động, phải tìm hiểu nó để cộng đồng có cơ hội tìm ra giải pháp tránh những tác hại trực tiếp của nó.

    * Về đề tài nghiên cứu “The vulnerability of Indo-Pacific mangrove forests to sea-level rise” đăng trên tạp chí Nature, nhóm nghiên cứu của ông mất bao lâu để thực hiện?

        Công bố trên Nature về nguy cơ đối với rừng ngập mặn ven biển chỉ là một kết quả có tính cảnh báo với số liệu theo dõi từ 3 điểm ban đầu kể từ  giữa năm 2010. Vấn đề này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu ở quy mô rộng hơn. Tuy nhiên, với nhận thức kiến thức tích lũy lâu dài nên chúng tôi đã chủ động tiếp nhận hợp tác với các đồng nghiệp từ Cục Địa chất Hoa Kỳ. Phát triển ứng dụng kỹ thuật này trong điều kiện của ĐBSCL và mở ra các vùng lân cận như Campuchia, Thái Lan và Myanmar. 

        Theo tôi, đề tài nghiên cứu này rất đáng theo đuổi đầu tư vì có ý nghĩa phục vụ cao, số liệu càng dài và nhiều điểm quan trắc thì càng có ý nghĩa cho việc hoạch định cuộc sống của cộng đồng ở Nam bộ. Về mặt khoa học sẽ mở ra nhiều vấn đề nghiên cứu liên ngành mới, từ vấn đề cơ bản đến ứng dụng công nghệ. Lưu ý, trên thực tế thì vấn đề lún làm gia tăng nguy cơ chìm ngập mất đất ở các vùng châu thổ chỉ mới được đề cập trong kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam, phiên bản 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong khi trước đó đã có nhiều cảnh báo khoa học về vấn đề này!

    * Từ kết quả đó, ông có kết luận nào cho các khu vực ngập mặn, khu vực có thủy triều của Việt Nam?

        Kết luận thì đã rõ là nguy cơ cả ĐBSCL lún chìm trong tương lai. Do lún mà tốc độ nước dâng trên đồng bằng sẽ cao gấp nhiều lần so với những cảnh báo lâu nay về tốc độ dâng nước trên đại dương mà chúng ta được thông báo qua các phương tiện truyền thông. Còn đưa ra khuyến nghị gì thì chúng tôi chưa có khả năng bởi đó là vấn đề lớn và liên quan tới nhiều kết quả nghiên cứu khác cần được tổ chức thực hiện một cách khoa học.

        Từ đề tài này, chúng tôi hy vọng là tất cả chúng ta sẽ có cách nhìn đầy đủ và khách quan hơn đối với những gì thay đổi trong tự nhiên quanh ta. Từ lâu, khi nói đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chúng ta luôn nhìn lên trời và xa xa ở nơi nào đó trên đại dương, ở Bắc - Nam cực, nhưng ít để ý tới cái gần hơn trong tay chúng ta và dưới mảnh đất chúng ta đang đứng. Và từ đây tất cả chúng ta sẽ nghĩ ra được cách gì đó để “tự cứu” trước thảm họa bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

    * Tiến sĩ có trăn trở gì đối với nghề?

        Tôi suy nghĩ và tâm niệm theo câu: “Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do” (Chỉ biết thôi thì không đủ mà ta phải áp dụng. Sẵn lòng cũng không đủ, ta phải hành động) của Goethe để thực hiện nghĩa vụ của mình.

    * Xin cảm ơn ông!


    Bài báo đăng trên Nature

     

        Cùng với nhóm các nhà khoa học Catherine E. Lovelock, Donald R. Cahoon, Daniel A. Friess, Glenn R. Guntenspergen, Ken W. Krauss, Ruth Reef, Kerrylee Rogers, Megan L. Saunders, Frida Sidik, Andrew Swales, Neil Saintilan, TS Trần Triết và TS Lê Xuân Thuyên - Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM đã có bài “The vulnerability of Indo-Pacific mangrove forests to sea-level rise” đăng trên tạp chí Nature.

        Bài báo giới thiệu kết quả phân tích của nhóm tác giả về các xu hướng gần đây trong thay đổi độ cao bề mặt ngập mặn trên toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trên cơ sở sử dụng dữ liệu từ mạng lưới các công cụ bảng nâng cao bề mặt. 

        Kết quả cho thấy trầm tích có thể cho phép các khu rừng ngập mặn duy trì tỷ lệ nâng cao đất bề mặt phù hợp hoặc vượt quá sự dâng cao của mực nước biển. Qua bài viết, nhóm tác giả cũng giới thiệu mô hình dựa trên các dữ liệu mà họ đang nghiên cứu, cho thấy các khu rừng ngập mặn tại những khu vực có thủy triều và nguồn cung trầm tích thấp có thể bị ngập vào đầu năm 2070. Độc giả có thể tham khảo bài viết trên tại: 

     http://%20http//www.nature.com/nature/journal/v526/n7574/full/nature15538.html


    HỮU NGHĨA thực hiện

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên