Tin tổng hợp

Từ 2025, ĐHQG-HCM sẽ điều chỉnh cấu trúc đề thi ĐGNL phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông mới

  • 24/11/2023
  • Đó là nhận định của TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (TT KT&ĐGCLĐT) ĐHQG-HCM tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM năm 2023, dự thảo kế hoạch năm 2024 và định hướng kỳ thi năm 2025. Hội Nghị do ĐHQG-HCM tổ chức tại TP.HCM vào chiều 24/11.

    TS Nguyễn Quốc Chính chia sẻ về cấu trúc dự kiến đề thi ĐGNL năm 2025.

    Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tốt nghiệp THPT. Chương trình giáo dục này chuyển đổi từ tiếp cận nội dung (nhấn mạnh cung cấp kiến thức) sang tiếp cận năng lực (nhấn mạnh vận dụng kiến thức vào các tình huống trong thực tiễn cuộc sống của học sinh phổ thông).

    Cụ thể, bậc trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp, học sinh chỉ học bắt buộc bốn môn, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử; các môn còn lại là môn lựa chọn.

    TS Nguyễn Quốc Chính cho biết, trước những thay đổi này, ĐHQG-HCM đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi ĐGNL năm 2025.

    Theo đó, ĐHQG-HCM đã tổ chức hai hội thảo cấp toàn quốc để lấy ý kiến của các giảng viên đại học, giáo viên phổ thông và 2 lần lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo cấu trúc đề thi, ma trận ngân hàng câu hỏi (NHCH). Đến cuối năm nay, sẽ hoàn thiện dự thảo đề thi mẫu, xây dựng NHCH theo ma trận mới.

    “Vì thế, ĐHQG-HCM sẽ điều chỉnh cấu trúc đề thi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đối với phần giải quyết vấn đề, so với các năm trước, cấu trúc đề thi ĐGNL từ năm 2025 sẽ gồm 6 nhóm lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và giáo dục kinh tế - pháp luật. Thí sinh được quyền lựa chọn các câu hỏi thuộc 3 trong 6 lĩnh vực phù hợp với mình. Tuy nhiên, những phần cốt lõi của đề thi thì không thay đổi, như đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Việt, toán học, logic, phân tích số liệu…” - ông Chính thông tin.

    TS Nguyễn Quốc Chính nhấn mạnh: “Thí sinh đừng quá lo lắng vì đơn vị tổ chức thi sẽ có cách đánh giá năng lực phù hợp với chương trình học. Vì vậy, các em cứ tập trung học cho thật tốt”.

    Kỳ thi ĐGNL được ĐHQG-HCM tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018. Sau 6 năm tổ chức, kỳ thi đã thu hút hơn 100.000 thí sinh đến từ 61 tỉnh, thành phố đăng ký dự thi.

    Riêng năm 2023, 47 trường đại học, cao đẳng trong cả nước cùng tham gia tổ chức kỳ thi ĐGNL tại 21 địa phương. 97 trường đại học, cao đẳng đã sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Các trường thành viên của ĐHQG-HCM đều dành tối thiểu 40% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển này.

    Tn, ảnh: PHIÊN AN - THU THẢO

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên