Tin tức - Sự kiện

Từ nghệ thuật ngôn từ đến nghệ thuật biểu diễn: Ramakien trên sân khấu Khon của Thái Lan - NCS. Đào Thị Diễm Trang

  • 02/10/2023
  • Tên đề tài: Từ nghệ thuật ngôn từ đến nghệ thuật biểu diễn: Ramakien trên sân khấu Khon của Thái Lan
    Chuyên ngành: Lý luận văn học
    Mã số: 62220120
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Đào Thị Diễm Trang
    Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Phan Thị Thu Hiền
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM.
    Tóm tắt nội dung luận án (abstract) – viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
    Luận án tập trung vào hai đối tượng nghiên cứu chính: Ramakien như một dạng thức văn bản văn học của Thái Lan và Ramakien như một phương thức trình diễn sân khấu  của Thái Lan. Các nghiên cứu của luận án nhằm hướng đến việc giới thiệu, phân tích và diễn giải về sân khấu Khon - một hình thức diễn xướng sân khấu truyền thống dựa trên cốt truyện văn học Ramakien. Hình thức diễn xướng này vừa mang nét đặc thù riêng biệt của nghệ thuật diễn xướng Thái Lan vừa có những quy chuẩn tương đồng với các hình thức diễn xướng mặt nạ ở Đông Nam Á và các khu vực, quốc gia khác trên thế giới. Ramakien đồng thời là một tác phẩm văn học chịu ảnh hưởng từ sử thi Ramayana của Ấn Độ. Do đó, có thể thấy yếu tố văn học so sánh, yếu tố liên văn bản, yếu tố liên ngành rất rõ trong đề tài luận án.
    Trên cơ sở đó, người viết hướng đến giải quyết các mục tiêu cốt lõi của luận án là:
    (1) Trình bày tổng quan về cơ sở lý thuyết, bao gồm các vấn đề ảnh hưởng văn học và tiếp biến văn hóa, chuyển thể và chiếm hữu liên văn bản, nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật biểu diễn; trình bày về tình hình nghiên cứu đề tài ở ngoài nước và trong nước.
    (2) Nghiên cứu khái quát quá trình chuyển hoá sử thi Ramayana Ấn Độ thành nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật thị giác tại Đông Nam Á, chú ý hơn quá trình hình thành tác phẩm Ramakien và các loại hình Ramakien ở Thái Lan.
    (3) Nghiên cứu những thay đổi về phương thức biểu hiện nhân vật giữa Ramakien và Khon, trình bày về hệ thống nhân vật của Ramakien, tìm hiểu các phương thức biểu hiện nhân vật của Ramakien trên sân khấu Khon với trọng tâm là phương pháp ký hiệu hóa nhân vật bằng ngoại hình và hành động để thay thế phần lớn ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học.
    (4) Nghiên cứu những thay đổi về phương thức tự sự giữa Ramakien và Khon, trình bày các phương thức biểu hiện Ramakien ở Thái Lan, trình bày về các phương thức tự sự của tác phẩm văn học và tác phẩm sân khấu; tìm hiểu về những thay đổi trong kết cấu tự sự và kỹ thuật tự sự của nghệ thuật biểu diễn Khon so với truyện thơ Ramakien.
    Từ các nghiên cứu trên, luận án sẽ cung cấp các thông tin cơ bản về Khon và cập nhật những thông tin mới về nghiên cứu Khon trên phương diện nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật biểu diễn.
    Những kết quả của luận án:
    1/ Nghiên cứu các lý thuyết về chuyển thể/ cải biên và văn học so sánh có thể ứng dụng để tìm hiểu trường hợp cụ thể là chuyển thể Ramakien thành sân khấu Khon.
    2/ Nghiên cứu lịch sử hình thành, quá trình phát triển của nghệ thuật Khon.
    3/ Nghiên cứu quá trình chuyển thể/ cải biên tác phẩm văn học Ramakien sang tác phẩm sân khấu Khon trên phương diện xây dựng đường dây kịch bản (trần thuật sân khấu, hệ thống nhân vật).
    4/ Nghiên cứu quá trình chuyển thể/ cải biên tác phẩm văn học Ramakien sang tác phẩm sân khấu Khon trên phương diện biểu diễn (mặt nạ, trang phục, âm nhạc, vũ đạo).
    - Về phương diện lý luận văn học: Luận án góp phần làm rõ lý thuyết chuyển thể/ cải biên tác phẩm văn học thành tác phẩm sân khấu, khái quát và phân tích các thao tác của chuyển thể sân khấu. Từ đó, luận án cho thấy chuyển thể không phải là công việc tùy tiện, cảm tính mà đó là những thao tác bài bản, chặt chẽ và có hệ thống. Bên cạnh các lý thuyết liên quan đến chuyển thể, luận án còn kiến giải các giá trị của sân khấu Khon trên các phương diện lý thuyết khác như ký hiệu học, biểu diễn học, nhân học sân khấu. Luận án đặc biệt lưu tâm đến mối quan hệ giữa phương thức trần thuật trong văn bản văn học Ramakien và phương thức trần thuật trên sân khấu biểu diễn Khon.
    - Về phương diện văn học sử: Ramakien – tác phẩm văn học trung đại có giá trị quan trọng bậc nhất đối với người Thái – chưa được dịch và nghiên cứu kỹ lưỡng tại Việt Nam. Tác giả luận án thực hiện những thao tác tiên phong trong việc tìm hiểu văn bản Ramakien và các dạng thức nghệ thuật khác của Ramakien, góp phần làm sáng rõ diện mạo văn học Thái Lan trung đại.
    - Về phương diện văn học so sánh: Mô hình tìm hiểu, phân tích, lý giải quá trình chuyển thể Ramakien thành Khon có thể được vận dụng cho các nghiên cứu về quá trình chuyển thể tác phẩm văn học thành tác phẩm sân khấu (mặt nạ, rối) ở các nước Đông Nam Á sử dụng cùng hệ thống kịch bản là sử thi Ramayana. Từ đó, có thể thấy sân khấu mặt nạ Khon không phải là một loại hình đơn lẻ mà là một hình thức biểu diễn có tính hệ thống trong khu vực.
    Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn:
    Đề tài luận án hoàn toàn có thể được ứng dụng, so sánh, đối chiếu để tiếp tục nghiên cứu về mối quan hệ giữa sân khấu mặt nạ Thái Lan và các sân khấu mặt nạ trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, từ đó cho thấy các đặc điểm nổi bật và thống nhất của loại hình sân khấu mặt nạ.
     Đề tài luận án có thể được ứng dụng để làm tư liệu tham khảo cho những công trình rộng hơn nghiên cứu về sân khấu mặt nạ, quá trình chuyển thể tác phẩm văn học thành tác phẩm sân khấu, là một ví dụ sống động về văn học so sánh và nghiên cứu liên văn bản, liên ngành.
    Đề tài luận án có thể được ứng dụng để làm cơ sở tham khảo cho việc xây dựng các giáo trình giảng dạy đại học về văn học Đông Nam Á, văn học so sánh, biểu diễn học…
    Các vấn đề còn bỏ ngỏ:
    - Về phương diện ngôn ngữ: Tác giả luận án chỉ có thể tiếp cận tác phẩm, các tài liệu văn học sử, lý luận văn học, lý luận nghệ thuật, các luận án và luận văn… bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Do đó, tác giả có thể bỏ sót những thông tin quan trọng về đề tài nghiên cứu bằng ngôn ngữ khác – đặc biệt là ngôn ngữ Thái Lan.
    - Về phương diện tài liệu: Các tài liệu về văn bản Ramakien – bao gồm văn bản văn học và kịch bản – rất khó tìm. Cho đến nay, các tác phẩm Ramakien mà tác giả luận án sưu tầm được chỉ ở mức độ truyện kể dân gian, các bản lược dịch hoặc trích dịch. Do đó, nếu có văn bản truyện thơ Ramakien/ kịch bản Khon đầy đủ của Rama I/ Rama II thì công việc nghiên cứu chuyển thể sân khấu Ramakien sẽ nhanh chóng và chính xác hơn.
    -Về phương diện tiếp cận biểu diễn sân khấu: Ngày nay, Khon không được biểu diễn thường xuyên nên việc sắp xếp xem Khon trực tiếp tại Thái Lan thật sự khó khăn. Tác giả luận án chỉ mới được xem Khon trực tiếp tại Thái Lan một vài lần, còn lại là xem trên mạng xã hội YouTube. Nếu được xem tận mắt các vở Khon nhiều hơn, tác giả có thể sẽ cảm nhận tốt hơn nữa diện mạo và tinh thần của Khon.
    - Về phương diện nghiên cứu: Việc chuyển thể tác phẩm văn học thành tác phẩm sân khấu không chỉ có phương thức trần thuật và phương thức biểu hiện nhân vật. Có rất nhiều vấn đề khác của chuyển thể sân khấu như âm nhạc, bối cảnh… đã chưa được khai thác trong luận án này.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên