Hội thảo

Tuần lễ Phóng viên trẻ 2018: Sân chơi nghề báo chuyên nghiệp cho sinh viên

  • 14/07/2018
  • TTO - Gần 100 sinh viên đến từ 18 trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM vừa trải qua một tháng “thử sức” làm báo.

    Khởi động từ đầu tháng 4-2018, cuộc thi đã tiếp cận được gần 500.000 sinh viên. Bên cạnh các thí sinh đến từ những trường có đào tạo ngành báo chí như ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), CĐ Phát thanh - Truyền hình II, cuộc thi cũng thu hút nhiều sinh viên "ngoại đạo" từ ĐH Luật TP.HCM, ĐH Ngoại thương (cơ sở 2 tại TP.HCM), ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM…

    Các thí sinh được giám khảo là những thầy cô dạy chuyên ngành báo chí - truyền thông, các phóng viên và nhà báo có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ về mặt chuyên môn, nhận xét và đánh giá chất lượng bài thi. Chương trình do CLB Phóng Viên Trẻ (ĐH KHXH&NV) thực hiện, đây là thứ ba Tuần lễ được tổ chức kể từ năm 2015.

    Phấn khích vì chủ đề độc, lạ

    Cuộc thi là dịp để các thí sinh học hỏi những kiến thức cơ bản về báo chí, cách tác nghiệp, tìm đề tài và phỏng vấn nhân vật. Điểm đặc biệt của cuộc thi là thể loại và mảng đề tài báo chí mà thí sinh tham gia không bị giới hạn, có thể là báo in, ảnh hay truyền hình thậm chí là mega-story - một dạng thức báo chí mới; có thể làm về đời sống xã hội, văn hóa giải trí hay thể thao, giáo dục…

     

    Từ vòng sơ loại đến vòng chung kết, các thí sinh được trải nghiệm những đề tài độc lạ, không bó buộc trong khuôn khổ nào. Ở vòng bán kết, Ban tổ chức chọn đề tài "Quận 13" như một cách ẩn dụ khuyến khích thí sinh khám phá, khai thác những vấn đề, câu chuyện độc lạ tại TP.HCM mà ít ai biết. Đề tài vòng chung kết lại là câu hát trong một sáng tác của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt: "Bình thương thôi, mà nghe sao không bình thường".

    Nguyễn Phạm Xuân Thy (sinh viên năm nhất ĐH Luật TP.HCM, giải Nhất cuộc thi) cho biết: "Tụi mình rất phấn khích vì mỗi vòng thi là một đề tài ‘có một không hai’. 

    Đề tài lạ khiến mỗi thí sinh phải suy nghĩ, hỏi han người này người nọ để tư vấn. Nhưng bù lại, tụi mình không bị bó khuôn trong một giới hạn nào, sáng tạo thoải mái để làm ra tác phẩm báo chí".

    Tại đêm thi chung kết diễn ra vào tối 4-5, 5 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi đã đóng vai là những phóng viên thực thụ của một tòa soạn. Sân khấu chương trình được xây dựng là một phòng họp giao ban. Ở đó, mỗi thí sinh sẽ lần lượt trình bày đề tài mà mình mong muốn làm trước Ban Biên tập là những giám khảo. 

    Họ được quyền tranh luận, phản biện với Ban Biên tập và với đồng nghiệp của mình để làm rõ hướng khai thác và bảo vệ để đề tài được thực hiện.

    Lê Hoàng Bảo (sinh viên năm 1, ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: "Em không ngờ khi tranh luận đề tài trực tiếp lại hồi hộp như vậy, nhưng rất đã, vì được nói ra hết những gì mình nghĩ một cách chuyên nghiệp, có đầu có đuôi thì mới thuyết phục được mọi người".

    Nhiều đề tài thú vị đã được thí sinh lựa chọn để báo cáo. Thí sinh Phùng Hạo (ĐH KHXH&NV) báo cáo đề tài phóng sự ảnh về drag-queen (những nghệ sĩ nam trang điểm và mặc trang phục phụ nữ để biểu diễn trên sân khấu), thí sinh Châu Tấn Hiệp (ĐH Sư phạm TP.HCM) báo cáo thực hiện phóng sự nhập vai viết về những phận đời bốc vác ở các chợ đầu mối hay thí sinh Nguyễn Phạm Xuân Thy (ĐH Luật TP.HCM) báo cáo đề tài bạo lực tinh thần người khác qua mạng xã hội…

    Một nhóm thí sinh khác tận dụng dù che nắng để ánh sáng phù hợp lên hình - Ảnh: PVT

    Một nhóm thí sinh người bán bánh tét để làm đề tài phóng sự về những món bánh dân dã - Ảnh: PVT

    Thí sinh được các phóng viên, nhà báo có nhiều kinh nghiệp tập huấn kiến thức cơ bản - Ảnh: PVT

    Thí sinh tranh luận trong buổi họp giao ban - Ảnh: PHƯƠNG THANH

    Các nhóm thí sinh tập thao tác chụp ảnh, quay phim - Ảnh: PVT

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên