Cổng thông tin việc làm

Ứng dụng AI phát hiện vi phạm vượt đèn đỏ

  • 11/09/2020
  • Hằng năm có rất nhiều vụ vượt đèn đỏ diễn ra trên khắp cả nước gây ra hàng loạt tai nạn nghiêm trọng, phần lớn nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu ý thức của con người khi tham gia giao thông. Nhận thấy vấn đề bất cập đó, hai sinh viên Trần Doãn Thuyên và Phạm Xuân Trí (năm II, khoa Khoa Học Máy Tính Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM) đề xuất xây dựng hệ thống phát hiện vi phạm vượt đèn đỏ bằng việc áp dụng AI trên dữ liệu thu được từ qua camera giám sát mang tính khả thi cao.

    Sản phẩm của hai bạn đã xuất sắc giành giải Ba - hình thức sản phẩm ứng dụng trong cuộc thi “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông” do Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức.

    Trần Doãn Thuyên và Phạm Xuân Trí tại vòng chung kết cuộc thi “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông”. Ảnh: NVCC

    Tự động hóa quá trình phát hiện vượt đèn đỏ

    Nói về việc ứng dụng AI trên dữ liệu để xây dựng hệ thống phát hiện vi phạm vượt đèn đỏ, bạn Phạm Xuân Trí cho biết: “AI hiện nay đang là công nghệ rất hot trong thời đại 4.0, việc áp dụng AI vào vấn đề này không chỉ giúp nhóm chúng tôi tìm hiểu sâu về công nghệ này mà còn áp dụng được kiến thức mình đã học vào cuộc sống. Bên cạnh đó, việc áp dụng AI đem lại nhiều tác dụng khác nhau chẳng hạn: Chúng ta có thể tự động hóa quá trình phát hiện vượt đèn đỏ mà không cần sự giám sát của con người, giảm được các chi phí về thời gian và tiền của trong việc quản lí giao thông… Từ đó nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông vì đèn đỏ, nâng cao ý thức chấp hành tham gia giao thông”.

    Theo Trí, khi tìm hiểu những công nghệ trong việc xử lý vấn đề nhóm đã gặp rất nhiều từ ngữ chuyên ngành, cũng như các kiên thức liên quan ngành các bạn đang theo học là Khoa Học Máy Tính. Việc đã hiểu được một số khái niệm, có kiến thức về lĩnh vực này, giúp việc tiếp cận tìm hiểu công nghệ dễ dàng hơn nhiều. Và cũng nhờ có một số kiến thức sẵn về ngành này nên việc áp dụng, triển khai gặp ít khó khăn hơn. Nguồn tài liệu nhóm thường tham khảo đa số là trên Internet, và các sách, tài liệu chuyên ngành. Tuy nhiên, nhóm khẳng định sự hiểu biết không bao giờ là đủ, nên việc tìm hiểu thêm các kiến thức khác, và củng cố kiến thức hiện tại của nhóm đang có là việc nên làm.

    Bên cạnh thuận lợi về nguồn tài liệu dồi dào trên internet, các bạn cũng gặp không ít khó khăn trong việc nghiên cứu tài liệu: “Tài liệu đa số từ nước ngoài nên việc đọc và áp dụng được là 2 chuyện khác nhau, Việc áp dụng cũng gặp nhiều vấn đề như môi trường cài đặt các công nghệ. Dữ liệu lấy từ các camera quan sát khá khó khăn vì các dữ liệu này thuộc quyền quản lý của các cơ quan nhà nước” - Trí cho biết.

    Mô phỏng hệ thống phát hiện vi phạm vượt đèn đỏ bằng việc ứng dụng AI. Ảnh: NVCC

    Mang tính khả thi cao

    Để hoàn thành sản phẩm nhóm đã tìm hiểu các công nghệ trên internet liên quan vấn đề nhóm đang nghiên cứu, sau đó thử áp dụng. Tuy nhiên, nhóm cho rằng yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất thành công của sản phẩm là sự đóng góp, giúp đỡ từ các thầy, cô. Trí chia sẻ: “Người hướng dẫn trực tiếp cho chúng tôi là ThS Đỗ Văn Tiến. Thầy đã hướng dẫn cho nhóm rất nhiều, từ việc tìm hiểu, phân tích vấn đề, cho tới việc đọc hiểu các tài liệu và ứng dụng cái mình đã học vào thực tế như thế nào. Và cả việc trình bày các vấn đề cho người khác hiểu”.

    Đánh giá sản phẩm của nhóm, ThS Đỗ Văn Tiến - Giảng viên bộ môn Tính Toán Đa Phương Tiện, khoa Khoa Học Máy Tính cho biết: “Thực tế đã có nhiều sản phẩm phát hiện phương tiện vượt đèn đỏ được áp dụng trong các hệ thống giao thông thông minh. Tuy nhiên, việc áp dụng kết quả bài toán này theo hướng tác động tới ý thức người tham gia giao thông thì đây là ý tưởng khá thú vị. Nếu được áp dụng thực tế, hy vọng sản phẩm sẽ nâng cao ý thức của người tham gia giao thông để giảm thiểu tối đa các tai nạn”.

    “Về Thuyên và Trí, đây đều là sinh viên năm II khoa Khoa Học Máy Tính cũng chưa được học nhiều đến lĩnh vực thị giác máy (Computer Vision), do đó mình đánh giá cao tinh thần chủ động tìm tòi, học tập và làm việc. Bên cạnh đó, nhóm cũng thể hiện được tốt các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, kỹ năng trình bày và viết thuyết minh về sản phẩm” - thầy Tiến cho biết thêm

    Nhóm còn nhận định rằng, nếu được ứng dụng thì sản phẩm sẽ rất khả thi, vì mạng lưới camera quan sát giao thông của Việt Nam hiện đã có sẵn. Cùng với đó số lượng hành vi vượt đèn đỏ tại Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều. Hiện tại ở nước ngoài và một số nơi ở nước ta cũng đã có hoặc đang phát triển các ý tưởng này. Sản phẩm không chỉ dừng lại ở việc phát hiện hành vi phạm vượt đèn đỏ, mà các hình ảnh này còn được truyền tải tới các màn hình tại các điểm nút giao thông đông đúc nhằm nêu cao tinh thần chấp hành tín hiệu đèn giao thông.

    Trí cho biết: “Sản phẩm của nhóm đang giai đoạn hoàn thiện nên chưa ước tính được chi phí. Trước mắt, nhóm muốn ứng dụng tại TP.HCM, việc áp dụng lên cả nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn khác nên hiện tại nhóm vẫn đang thử nghiệm. Trong thời gian tới nhóm sẽ cố gắng xây dựng thêm tính năng phát hiện các hành vi vượt đèn đỏ và báo về điện thoại của người vi phạm đó, thu thập nhiều dữ liệu để tăng hiệu hiệu quả của sản phẩm”.

    TRINH LÊ (Bản tin ĐHQG-HCM số 201)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên