Chiều 11/2 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tham gia Hội nghị, Giám đốc ĐHQG-HCM Vũ Hải Quân đã đóng góp 2 ý kiến. Thứ nhất là kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cấu trúc nghiên cứu về khoa học công nghệ và thứ hai là việc ĐHQG-HCM đăng ký thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ.
Website ĐHQG-HCM xin trích đăng bài phát biểu của PGS.TS Vũ Hải Quân tại Hội nghị này.
![Giám đốc ĐHQG-HCM Vũ Hải Quân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: baophapluat.vn.](https://static.vnuhcm.edu.vn/images/0%20Phong%204T/2025/Thang%202/1202%20Th%E1%BA%A7y%20Qu%C3%A2n.jpg)
Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cấu trúc nghiên cứu về khoa học công nghệ
Tháng 12/2014, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành kế hoạch đổi mới quản lý và tài chính cho các chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước của họ. Mục tiêu quan trọng của kế hoạch này là tích hợp, thống nhất các chương trình nghiên cứu đang nằm rải rác ở các bộ, ban, ngành khác nhau của Chính phủ để tránh chồng chéo và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Kết quả của kế hoạch này là hơn 100.000 chương trình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cấp quốc gia đã được gom lại thành 5 trụ cột: Thứ nhất là quỹ khoa học quốc gia tài trợ cho nghiên cứu cơ bản; thứ hai là các siêu dự án khoa học công nghệ quốc gia; thứ ba là chương trình AI trọng điểm quốc gia; thứ tư là quỹ đổi mới sáng tạo, đổi mới về hỗ trợ cho các chương trình khởi nghiệp; thứ năm là chương trình tài năng, tức là nuôi dưỡng, bồi dưỡng các tài năng.
Như vậy, từ hơn 100.000 chương trình, họ chỉ còn có 5 chương trình. Và một mục tiêu rất quan trọng của kế hoạch này là chuyển từ phân bổ tài trợ do các bộ, ban, ngành quản lý sang dựa vào các nhà khoa học peer-review để tài trợ. Cái thứ hai quan trọng nữa là họ minh bạch hóa toàn bộ quá trình tài trợ, kết quả nghiên cứu thông qua chuyển đổi số. Như bây giờ ĐHQG-HCM cấp tiền nghiên cứu thì khi nghiệm thu sẽ công bố toàn bộ sản phẩm đề tài trên website ĐHQG-HCM. Thầy cô thực hiện tốt sẽ tiếp tục được làm các đề tài tiếp theo, nếu làm không tốt thì thôi. Cách chúng ta minh bạch hóa kết quả nghiên cứu là như vậy.
ĐHQG-HCM đăng ký thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ
Về nội dung ĐHQG-HCM đăng ký thực hiện chương trình hành động của Chính phủ. Hôm triển khai Nghị quyết, có hơn 1.000 nhà khoa học của ĐHQG-HCM tham dự không phải là đảng viên, tức là các thầy cô rất quan tâm đến nội dung này. Tuần vừa rồi, ĐHQG-HCM có tổ chức một buổi Tọa đàm đóng góp ý kiến Luật Khoa học công nghệ và cũng rất bất ngờ là phải kê thêm ghế vì hơn 200 nhà khoa học tới dự. Có nghĩa là các nhà khoa học bây giờ rất quan tâm đến Nghị quyết số 57.
ĐHQG-HCM đã nghiên cứu và thấy Chính phủ giao thực hiện 11 Nghị quyết ở trong đề án, rất nhiều mục tiêu khác nhau. Tôi xin đăng ký một số nội dung chính:
Thứ nhất là vấn đề về đào tạo STEM, ĐHQG-HCM có 3 chương trình: Phát triển ĐHQG-HCM trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo về chip bán dẫn, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo, trong đó đặc biệt liên quan đến vấn đề khoa học dữ liệu và an ninh mạng. Trung tâm An ninh mạng của ĐHQG-HCM chuyên nghiên cứu về phương án phòng, chống tấn công trên mạng internet.
Liên quan đến lĩnh vực STEM, hiện nay quy mô đào tạo của ĐHQG-HCM là rất lớn, cả đại học và sau đại học là hơn 100.000, lớn nhất cả nước. Và ngay cả lĩnh vực công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch… theo thống kê, cứ 100 kỹ sư thì có 53 kỹ sư tốt nghiệp Đại học Quốc gia và điểm chuẩn đầu vào rất cao. Năm vừa rồi, chúng tôi mở rộng đào tạo, quy mô tuyển sinh khoảng 400 sinh viên cho 4 trường nhưng điểm chuẩn đầu vào rất cao so với các đơn vị khác.
Thứ hai là chương trình thu hút nhân tài. ĐHQG-HCM đã xây dựng chương trình và tuyển dụng 27 tiến sĩ từ các trường đại học trên thế giới, trong đó có 7 người tốt nghiệp top 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Gần đây, chúng tôi đã công bố chương trình tuyển giáo sư thỉnh giảng, mời các giáo sư, chuyên gia khoa học ở nước ngoài về làm việc tại ĐHQG-HCM trong vòng tối thiểu 10 ngày/1 năm và thực hiện các nghiên cứu giảng dạy từ xa qua mạng. ĐHQG-HCM hỗ trợ nguồn kinh phí. Việc họ đến làm việc tại ĐHQG-HCM không phải vì tiền bạc mà vì chất xám cho sinh viên và các thầy cô giáo trong hệ thống, tức là các thầy cô giáo quan tâm đến tài nguyên và chất xám của sinh viên chứ không phải vì tiền bạc mà họ tới.
Thứ ba là công bố quốc tế. Trong Nghị quyết số 57 có nêu đăng ký công bố quốc tế. Hiện nay, công bố quốc tế của ĐHQG-HCM khoảng 3.000, như vậy chiếm khoảng hơn 10%, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công bố quốc tế.
Thứ tư là vấn đề bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư theo đúng tinh thần Nghị quyết số 57. Chúng tôi rất mong ĐHQG-HCM và các đại học trọng điểm quyền được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, như vậy sẽ có cơ hội để thu hút các nhà khoa học đầu ngành về công tác.
Kiến nghị nữa là về đổi mới sáng tạo. Hiện nay với nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đang xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo với diện tích 42.000 m2. Chúng tôi rất mong Nghị định sắp tới về đổi mới sáng tạo đưa ĐHQG-HCM trở thành một trung tâm, chi nhánh hay phân hiệu, cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia kết nối với vùng Đông Nam Bộ. Đó là một số nội dung chúng tôi đăng ký thực hiện.
3 kiến nghị của Giám đốc ĐHQG-HCM
Thứ nhất, phải có cơ chế xã hội hóa đầu tư, để xây dựng Đại học Quốc gia thành một hệ sinh thái. Phải có cơ chế để Đại học Quốc gia huy động được nguồn lực xã hội.
Thứ hai là chính sách đầu tư của các địa phương. ĐHQG-HCM nằm ở Đông Nam Bộ thì các địa phương có tiềm năng như TP.HCM không thể đầu tư trực tiếp cho đơn vị Trung ương được vì Luật Ngân sách. TP.HCM có chương trình thu hút nhân lực, trả lương cao nhưng ĐHQG-HCM không tận dụng được. Theo tôi, nếu cho phép các đại học như ĐHQG-HCM được sử dụng kinh phí từ các địa phương thì sẽ đa dạng hóa được nguồn lực.
Thứ ba là vấn đề về thuế. Trong Nghị quyết số 57 nêu rõ, các cơ sở giáo dục đại học không phải đóng thuế doanh nghiệp. Tôi thấy ĐHQG-HCM, các trường thành viên vẫn nhận được yêu cầu đóng thuế. Việc này không phù hợp lắm với các trường đại học phi lợi nhuận vì trong quá trình làm chúng tôi hoàn toàn không tính đến lợi nhuận. Bây giờ tính thuế thì các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục đại học rất băn khoăn.
Cuối cùng, để trở thành hệ sinh thái, rất mong các ý của tôi vừa nêu được tích hợp vào trong Nghị định mới về Đại học Quốc gia, thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 57, trao quyền tự chủ để 2 Đại học Quốc gia thực sự phát triển.
Hãy là người bình luận đầu tiên