Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Ghi nhớ 1.000 cuốn sách, cựu sinh viên Khoa Y trở thành Siêu trí tuệ Việt
Cổng thông tin việc làm

Ghi nhớ 1.000 cuốn sách, cựu sinh viên Khoa Y trở thành Siêu trí tuệ Việt

  • 29/01/2021
  • Sau khi tập 2 Chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2 được phát sóng, thí sinh Nguyễn Thục Nữ (24 tuổi) - cựu sinh viên Khoa Y ĐHQG-HCM, đã gây ấn tượng với công chúng bởi khả năng đọc và ghi nhớ thông tin 1.000 cuốn sách của 200 tác giả trên thế giới.

    Nguyễn Thục Nữ tự tin chào khán giả tại cuộc thi Siêu trí tuệ Việt mùa 2. Nguồn: VieChannel

    Ghi nhớ theo bản năng

     

    Từ khi biết đọc chữ, Thục Nữ đã bắt đầu đam mê đọc sách. Đối với cô, sách và bản thân “sinh ra là để yêu nhau, chẳng rời xa nhau”. Những năm học cấp 1, Thục Nữ đọc nhiều truyện cổ tích và truyện thiếu nhi. Đến năm học cấp 2, cô bắt đầu tìm đọc những tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới. Gia đình đã giúp Thục Nữ bước vào thế giới sách và luôn để cô thoải mái với sở thích của mình. Thục Nữ chia sẻ: “Lượng kiến thức mà sách mang lại khiến tôi cảm thấy tự tin trong giao tiếp xã hội hơn, thế giới nội tâm cũng dần trở nên phong phú. Đọc những cuốn sách hay như được trò chuyện với những bộ óc tuyệt vời thuộc nhiều thế kỷ khác nhau”.

     

    Nhật ký Đặng Thùy Trâm là cuốn sách đã truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê nghề y của Thục Nữ. Cô gái trẻ mong muốn có thể góp một phần sức lực của mình để được làm những việc ý nghĩa cho xã hội. Đặc thù của ngành y là khối lượng kiến thức chuyên ngành rất nhiều. Bên cạnh việc học ở trường, Thục Nữ còn phải thực tập ở bệnh viện. Tuy nhiên, Thục Nữ luôn cố gắng duy trì thói quen đọc sách, ít nhất là một giờ mỗi ngày. Mỗi năm, cô đọc gấp 25 lần lượng sách mà một người bình thường hay đọc.

     

    Khi được hỏi có phải bản thân sở hữu “trí nhớ máy ảnh” - khả năng ghi nhớ hầu hết mọi thứ đã đọc thường thấy ở các thiên tài, Thục Nữ cho biết cô không có khả năng này mà chỉ “ghi nhớ theo bản năng, cộng thêm một vài phương pháp như mã hóa, bản đồ tư duy”. Chia sẻ về bộ sách yêu thích nhất của mình, Nữ bật mí đó là series tiểu thuyết huyền bí gồm bảy phần Harry Potter của nữ nhà văn người Anh J. K. Rowling. Bộ truyện viết về những cuộc phiêu lưu phù thủy của cậu bé Harry Potter cùng hai người bạn thân là Ronald Weasley và Hermione Granger, lấy bối cảnh tại Trường Phù thủy và Pháp sư Hogwarts nước Anh; và bộ truyện tranh trinh thám lừng danh Conan của tác giả người Nhật Aoyama Gōshō.

     

    “Không phải ngẫu nhiên mà Harry Potter được mệnh danh là bộ truyện tuổi thơ của rất nhiều người. Tôi là người mơ mộng, thích đắm chìm vào thế giới của sự tưởng tượng, Harry Potter giúp tôi thỏa mãn điều đó. Còn Conan là bộ truyện tranh thân quen với tôi từ rất nhỏ, gắn liền với nhiều kỷ niệm tuổi thơ của tôi và cho đến tận bây giờ” - Thục Nữ bộc bạch.

     

    Thục Nữ cho biết cô đọc sách tùy thuộc tâm trạng. Có những ngày Nữ đọc 5 cuốn sách, mỗi cuốn khoảng 350 trang. Cô không đặt mục tiêu phải đọc được bao nhiêu, mà khi đọc xong bản thân nhận được gì từ cuốn sách đó mới quan trọng.

     

    Đừng đắm chìm vào một dòng sách

     

    Nói về tiêu chí chọn sách để đọc, Thục Nữ cho rằng với những tác phẩm kinh điển hoặc nổi tiếng, cô sẽ đọc mà không cần một tiêu chí nào cả. Còn với những cuốn sách mới phát hành, cô sẽ đọc qua lời giới thiệu về nội dung trước, sau đó là nhận xét của những người cùng gu đọc sách với mình.

     

    “Đối với tôi, dấu hiệu của một tác phẩm thành công là ngoài việc được đông đảo bạn đọc ủng hộ, còn phải chứa đựng những thông điệp, giá trị nhân văn có sức ảnh hưởng lớn đến mọi người. Một cuốn sách hay được tạo nên bởi rất nhiều yếu tố, từ nội dung, nhân vật cho đến nghệ thuật sử dụng ngôn từ, lối kể chuyện và cách dẫn dắt của tác giả. Tất cả đều quan trọng như nhau, nên sẽ không có tiêu chí nào là duy nhất cả” - Nữ chia sẻ.

     

    Theo cô, dòng sách self help như tên gọi của nó, không phải là dòng sách gây hại, nhưng nó tùy thuộc vào độ tuổi của người đọc. Ví dụ, khi chúng ta còn bé, những cuốn như Đắc nhân tâm, Hạt giống tâm hồn... là những cuốn có ích cho việc nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp. “Nhưng chúng ta phải hiểu giữa nội dung sách và thực tế cuộc sống đôi khi rất xa vời. Nên nếu cứ mãi đắm chìm vào một dòng sách, đi theo những thứ ru ngủ bản thân thay vì hành động tích cực thì tôi nghĩ là không nên” - Thục Nữ bày tỏ.

     

    Nữ cho biết, việc chọn sách giấy hay ebook không quá quan trọng. Cô thích cả hai, nhưng thiên về sách giấy hơn. “Nếu so sánh ebook với sách giấy thì đó sẽ là một cuộc tranh luận không hồi kết. Mỗi loại đều có những ưu và nhược điểm riêng, nên tùy theo nhu cầu mà mỗi người tự biết nên chọn loại nào phù hợp. Bản thân tôi hiện tại vẫn đọc song song ebook và sách giấy, và ebook chắc chắn không bao giờ giết chết sách giấy được đâu” - Thục Nữ nói.

     

    Nhắn gửi bạn bè cùng thế hệ, Thục Nữ cho rằng: “Nếu một ai đó không thích đọc sách, đó là vì họ chưa tìm thấy cuốn sách khai sáng cuộc đời mình”. Trong thời gian tới, Thục Nữ sẽ cố gắng trau dồi bản thân để chuẩn bị thật tốt cho những phần thi sau của chương trình Siêu trí tuệ Việt. Thục Nữ mong muốn “có thể nâng số sách mình đọc và ghi nhớ lên gấp hai, thậm chí gấp ba lần lượng sách mà mình đã đọc và ghi nhớ được”.

     

    NHƯ QUỲNH (Bản tin ĐHQG-HCM số xuân 2020)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên