Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
PGS.TS Nguyễn Anh Thi: Nên đưa khởi nghiệp vào môn học chính khóa
Tin tổng hợp

PGS.TS Nguyễn Anh Thi: Nên đưa khởi nghiệp vào môn học chính khóa

  • 04/10/2016
  • Trong bối cảnh cả nước sôi nổi trước làn sóng khởi nghiệp - kiến quốc, thời gian tới khởi nghiệp sẽ là môn học được giảng dạy ở các trường đại học. Bản tin ĐHQG-HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) xoay quanh vấn đề này.

    Trong những năm qua, ITP đã khuấy động xu hướng khởi nghiệp không chỉ trong hệ thống ĐHQG-HCM mà còn ở các đơn vị bên ngoài. ITP được coi là một trong những “huấn luyện viên” nổi bật cho các dự án khởi nghiệp hiện nay.
    Đừng nặng nề start-up
    * Thưa PGS.TS Nguyễn Anh Thi, truyền thông và xã hội đang nhắc tới start-up như một làn sóng mới trong xã hội, xin ông cho biết quan niệm của mình về khởi nghiệp? 
    - Doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) là một thể chế tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Chữ “mới” rất quan trọng, nó phải đi kèm với giá trị mới cho khách hàng. Ví dụ, Facebook là một doanh nghiệp khởi nghiệp vì cung cấp dịch vụ mới hoàn toàn, còn Phở 24 không phải là start-up. Kể cả các doanh nghiệp cà phê, quần áo, thực phẩm..., nghiêm ngặt mà nói không thể gọi là start-up. 
    Ở Việt Nam còn có khái niệm khởi sự doanh nghiệp có nghĩa là khởi tạo doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm hoặc dịch vụ mới hay không không quan trọng. Khởi sự doanh nghiệp mang nghĩa rộng hơn. Từ trước đến nay truyền thông và xã hội hay nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Mình sẽ không quản trị được nếu không mô tả được và đo lường được đối tượng.
    Nhìn nhận thực tế hơn, khởi sự doanh nghiệp là tạo ra hoạt động kinh doanh có lợi. Một sinh viên ngành IT làm một game studio (trò chơi điện tử), đưa lên các kho ứng dụng trên mạng và thu được tiền từ các lượt tải hoặc bán quảng cáo tự nuôi sống bản thân đã là khởi sự kinh doanh. Khởi nghiệp cao hơn nữa là nuôi thêm được người khác hay còn gọi là có nhân viên.

    * Vậy sinh viên có nên lập doanh nghiệp khi còn đi học không, thưa ông?
    - Tùy vào bạn sinh viên đó có đủ điều kiện hay không. Có nhiều sinh viên học song song ở nhiều trường vì quỹ thời gian của bạn cho phép. Nếu bạn có đam mê khởi nghiệp thì tại sao không? Miễn là việc làm của bạn không ảnh hưởng tới việc học tập. Các bạn có thể khởi nghiệp ngay trên ghế nhà trường.
    Ngoài quỹ thời gian, các bạn cần chuẩn bị kỹ năng, trang bị hiểu biết bối cảnh kinh doanh ngành liên quan. Ví dụ khởi nghiệp ở môi trường IT thì tương đối thuận lợi vì bạn chỉ cần cái đầu với cái máy tính. Một số sinh viên làm trò chơi online giỏi có doanh thu một tháng vài ngàn USD. Ở ĐHQG-HCM trường hợp đó không phải là quá hiếm. 
    * Theo ông, năng khiếu đóng vai trò gì trong quá trình khởi nghiệp?
    - Khoa học chứng minh con người có thể học được mọi thứ. Xuất phát điểm của tôi không bằng anh nhưng cho tôi thời gian học tôi sẽ học bằng anh. Vấn đề năng khiếu trong kinh doanh không thể hiện đậm nét. Trong kinh doanh yếu tố thể hiện sự thành công đó là kiến thức và kỹ năng liên quan tới quản trị kinh doanh và thái độ sống tích cực.
    Đam mê có vai trò rất quan trọng trong khởi nghiệp. Khởi nghiệp kinh doanh thách thức hơn là bạn đi làm thuê. Bạn phải tự lo cho thu nhập của mình, đòi hỏi cam kết nhiều hơn, tính kiên trì cao hơn. Nếu không thích thì bạn sẽ khó vượt qua các thử thách của quá trình khởi nghiệp.

    PGS.TS Nguyễn Anh Thi. Ảnh: Thái Việt

    Làn sóng mới mang tên khởi nghiệp
    * Trường Đại học Technische Universitat Munchen (TUM) của  Đức, Công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK) và tập đoàn bán hàng trực tiếp Amway đánh giá Việt Nam là nước đứng thứ 7 thế giới về tinh thần khởi nghiệp. Ông bình luận gì về đánh giá này?
    - Để đánh giá đầy đủ phải xét xem họ dựa trên tiêu chí gì. Nói tới tinh thần có nghĩa là nói về thiên hướng. Khách quan mà xét, họ xếp Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới về tinh thần khởi nghiệp là hơi cao. Chúng ta cần nhìn lại văn hóa người Việt, phần lớn dân ta làm nông nghiệp. Đa phần sinh viên đi học mong ước sau này có nghề nghiệp ổn định. Số sinh viên đam mê kinh doanh còn khá ít.
    Tuy nhiên, giới đầu tư trong khu vực đánh giá cao về tài năng chuyên môn của giới trẻ Việt Nam. Ví dụ lĩnh vực IT có nhiều lập trình viên giỏi hơn so với các nước trong khu vực. Về khía cạnh kinh doanh người Việt không được đánh giá tốt. Các kỹ năng người Việt trẻ còn thiếu nhiều, đặc biệt là tiếng Anh. Do vậy khi tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, các bạn không trình bày được ý tưởng nên huy động vốn kém hơn.
    * Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc từng chia sẻ Việt Nam cần 5 triệu doanh nghiệp để cất cánh, gấp 10 lần so với con số hiện tại. Ông nghĩ liệu ước vọng ấy có khả thi?
    - TP.HCM chiếm tỷ trọng hơn một nửa doanh nghiệp của cả nước. TP.HCM đặt mục tiêu tới năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp. Hiện tại TP.HCM có khoảng 170.000 doanh nghiệp, 5 năm nữa phải bổ sung 330.000 doanh nghiệp, đó đã là một thách thức. Con số 5 triệu doanh nghiệp trên cả nước trong vài năm tới là không tưởng. Con số 5 hay 10 triệu doanh nghiệp còn phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế mà Việt Nam hướng đến. Hiện nay, trong cơ cấu về GDP, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 30%. Theo Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đến năm 2020 khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 48-49% GDP. Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu tới năm 2020 cả nước sẽ có một triệu doanh nghiệp hoạt động.
    * Dường như thế hệ 6X-7X Việt Nam thiếu tinh thần khởi nghiệp trong khi thế hệ 8X-9X có vẻ hứng thú với vấn đề này hơn, ông lý giải thế nào?
    - Chúng ta từng mất đi một thế hệ thiếu tinh thần khởi nghiệp 6X-7X. Điều này có phần đúng và có tính địa phương. Ở ngoài Bắc, phần lớn sinh viên học xong muốn vào cơ quan công quyền, leo cao trong hệ thống chính trị. Người miền Nam có thiên hướng kinh doanh nhiều hơn. Hồi tôi đi học ở Pháp, tôi hỏi 10 bạn ở miền Bắc thì gần như tất cả đều tính toán xin việc ở bộ này bộ kia, còn các bạn miền Nam muốn học xong thì về kinh doanh.
    Ý thức hệ ngày xưa của người Việt Nam là học để làm quan (học nhi ưu tắc sĩ). Vài chục năm trước, xã hội mang nặng nhiều định kiến, xem kinh doanh là xấu, là tư bản, hay địa chủ; giới kinh doanh bị gọi là con buôn. Sau này đất nước đổi mới, doanh nhân được tôn trọng và đóng vai trò lớn hơn.
    Ngoài ra, tinh thần khởi nghiệp còn phụ thuộc vào thể chế. Năm 1986 trở về trước, tinh thần khởi nghiệp có cao vời vợi cũng không thể làm được gì. Hiện nay, Nhà nước ý thức và đầu tư khởi nghiệp cho khối tư nhân, chủ thể mang lại tiền thuế cho Nhà nước chứ không phải các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước. Các tập đoàn kinh tế nhà nước đều có vấn đề.

    Sinh viên có thể đi làm khi còn học để tích lũy kinh nghiệm. Ảnh: The Coffee House

    Nhà trường nhập cuộc 
     * Theo ông, đại học truyền đi tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên như thế nào?
    - Các bạn sinh viên dù buôn bán cà phê, quần áo hay mỹ phẩm… vẫn là khởi sự doanh nghiệp, bởi nó tạo ra giá trị nuôi sống bản thân mình. Thay vì suy nghĩ tôi đi làm thuê, có một con đường thứ hai là tôi có thể tự làm chủ. Trên thế giới có thống kê, khoảng 5% sinh viên ra trường trở thành ông chủ, 95% còn lại đi làm thuê.
    Thế giới nói đến khởi nghiệp rất rộng. Tinh thần khởi nghiệp không đơn thuần là khởi nghiệp trong kinh doanh mà còn khởi nghiệp trong các cơ quan hành chính nhà nước và các doanh nghiệp đang tồn tại. Ví dụ, một nhân viên văn phòng, trong nghiệp vụ họ tìm tòi thay đổi quy trình làm việc một chút thì tiết kiệm được 20 triệu cho công ty thì có thể xem là có tinh thần khởi nghiệp. Đó là ý tưởng giúp tổ chức tiết giảm được chi phí. Hay là bạn ra trường đi làm thuê, bạn đưa ra được sáng kiến cải tiến sản phẩm, dịch vụ để có thể phát triển tốt hơn, thu lời nhiều hơn, đó cũng là khởi nghiệp. Sáng kiến giúp doanh nghiệp phát triển chính là tinh thần khởi nghiệp.
    Nếu trường đại học truyền cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp đó sẽ giúp cho mọi tổ chức chứ không chỉ riêng doanh nghiệp luôn được phát triển và kiến tạo.
    * Theo ông, nhà trường nên làm gì để đóng góp cho vấn đề khởi nghiệp?
    - Về đại thể các trường đại học Việt Nam chưa đóng góp gì lớn cho khởi nghiệp, vì lâu nay chúng ta chưa ý thức được việc đó. Tôi ủng hộ quan điểm đưa khởi nghiệp vào môn học chính khóa trong các trường đại học. Đồng thời, nhà trường cần tạo ra các hoạt động ngoại khóa, các sân chơi, cuộc thi khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để các bạn đi xa hơn. Nhà trường cần tạo ra môi trường thuận lợi để các bạn nuôi dưỡng, phát triển ý tưởng hoặc có thể thực thi luôn.
    Trong Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đến năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học chú trọng đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo
    * Các dự án khởi nghiệp ban đầu thường cần hỗ trợ những gì, thưa ông?
    - Mọi người hay nghĩ tới vốn, tới tiền khi khởi nghiệp. Vốn thường hữu hạn nhưng không thiếu, cái thiếu là những dự án khởi nghiệp tốt, tiềm năng. Khi mình đã có một nhóm khởi nghiệp cứng cáp và ý tưởng tốt thì huy động vốn không phải là vấn đề. Ở ITP, các chuyên gia chia sẻ các bạn về kỹ năng quản trị dự án, tìm nhà đầu tư để kết nối, tiếp cận đối tác cho các dự án khởi nghiệp của các bạn. 
    Đối với các bạn sinh viên, muốn thành công thì phải học. Học ở đâu và như thế nào tùy mọi người. Đừng nghĩ hình mẫu cá biệt như Steve Jobs hay Bill Gates nghỉ học mà có thể thành công. Họ cũng phải học rất nhiều từ trường đời, từ cuộc sống và công việc. Các bạn nên suy nghĩ đơn giản về khởi nghiệp. Chỉ cần bạn tạo ra giá trị cho xã hội thì dù ở vị trí nào, sinh viên, nhân viên văn phòng hay công chức đều có thể khởi nghiệp. Khởi nghiệp với tinh thần làm ra giá trị bằng cách làm đúng, đó là làm ăn không ảnh hưởng môi trường và làm hại người khác. Khi làm đúng, khái niệm cạnh tranh sẽ không còn ý nghĩa, mình chỉ còn cạnh tranh với chính bản thân mình.


                                                                                            HỮU NGHĨA thực hiện

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên