Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh: Nâng tầm vị thế khoa học quốc tế của ĐHQG-HCM
Khoa học công nghệ

Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh: Nâng tầm vị thế khoa học quốc tế của ĐHQG-HCM

  • 05/12/2023
  • Kế hoạch chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 ĐHQG-HCM sẽ thuộc Top 100 các đại học hàng đầu châu Á. Một trong 6 nhóm chiến mà ĐHQG-HCM đề ra để đạt mục tiêu này là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó nhấn mạnh việc thành lập 10 nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành và trung tâm xuất sắc tương đương khu vực châu Á và thế giới.

    Tọa đàm “Vai trò của nhóm nghiên cứu mạnh trong Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045” do ĐHQG-HCM tổ chức vào trung tuần tháng 10.

    Các nhóm nghiên cứu mạnh này được ĐHQG-HCM kỳ vọng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xuất sắc; phát triển nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, liên ngành phục vụ nền Công nghiệp 4.0. Từ đó, góp phần phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo của ĐHQG-HCM đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước, nâng tầm vị thế quốc tế của ĐHQG-HCM.

    Hạt nhân dẫn dắt nghiên cứu khoa học

    Đến nay, ĐHQG-HCM đã hình thành trên 100 nhóm nghiên cứu thuộc các lĩnh vực từ khoa học tự nhiên (KHTN), khoa học xã hội đến kỹ thuật - công nghệ. Trong đó, có 10 nhóm nghiên cứu mạnh. Đây là những nhóm nghiên cứu đạt nhiều kết quả cao trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, tiếp cận các tiêu chí của đại học nghiên cứu tiên tiến.

    Một nhóm nghiên cứu mạnh muốn duy trì và phát triển bền vững cần phải có năng lực nội sinh đủ lớn. Theo đó, trưởng nhóm nghiên cứu phải đạt học vị tiến sĩ và từng chủ trì ít nhất một đề tài cấp quốc gia, cấp ĐHQG-HCM (từ loại B trở lên), cấp sở KH&CN hoặc các đề tài hợp tác quốc tế.

    Tùy từng lĩnh vực nghiên cứu, ĐHQG-HCM đã có những quy định cụ thể đối với nhà khoa học giữ vai trò trưởng nhóm. Chẳng hạn, các trưởng nhóm đều phải công bố ít nhất 3 bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí thuộc danh mục WoS/Scopus/Scimago. Trong đó, đối với lĩnh vực KHTN 2/3 bài báo này phải thuộc tạp chí Q1, kỹ thuật - công nghệ là 2/3 bài thuộc tạp chí Q2, KHXH&NV là 1/3 bài đăng trên tạp chí Q2,…

    Theo PGS.TS Lâm Quang Vinh - Trưởng ban Ban KH&CN ĐHQG-HCM, để đứng đầu một nhóm nghiên cứu mạnh, nhà khoa học còn phải là người giàu uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu của họ và có khả năng kết nối, thu hút các nhà khoa học khác cùng tham gia chương trình nghiên cứu.

    “Nghiên cứu của nhóm có được thế giới quan tâm hay không, có được các đồng nghiệp trong nước và quốc tế dõi theo, trích dẫn kết quả hay không thì định hướng nghiên cứu rất quan trọng. Do đó, vai trò dẫn dắt của người trưởng nhóm và định hướng là một trong những yếu tố cốt lõi để một nhóm nghiên cứu mạnh hoạt động hiệu quả” - PGS.TS Lâm Quang Vinh cho biết.

    Ngoài trưởng nhóm, một nhóm nghiên cứu cần tối thiểu 2 thành viên chính đạt học vị tiến sĩ trở lên và 3 thành viên là nghiên cứu sinh, học viên cao học hay sinh viên. Các thành viên này đều có cùng định hướng nghiên cứu với trưởng nhóm.

    Trưởng ban Ban KH&CN ĐHQG-HCM nhận định: “Nhóm nghiên cứu mạnh sẽ góp phần hình thành và phát triển đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành ở từng lĩnh vực khoa học cụ thể. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường đại học cũng như nâng cao năng lực, khả năng nghiên cứu khoa học của trường đại học tiệm cận với những tiêu chuẩn của quốc tế”.

    Năm 2018, ĐHQG-HCM đã ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng chương trình nghiên cứu trọng điểm gắn liền với nhóm nghiên cứu mạnh. Trên cơ sở các nhóm nghiên cứu của các đơn vị thành viên, trực thuộc, ĐHQG-HCM đã tuyển chọn và đầu tư cho 10 nhóm nghiên cứu có đủ khả năng làm đầu mối triển khai các nghiên cứu đỉnh cao, dẫn dắt quá trình đổi mới sáng tạo nhằm hướng tới các sản phẩm KH&CN hoàn chỉnh phục vụ xã hội.

    Các nhóm nghiên cứu mạnh này được ĐHQG-HCM đầu tư kinh phí dài hạn trong 5 năm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo định hướng đã đăng ký. Các nhóm nghiên cứu còn được hỗ trợ, tư vấn chuẩn bị hồ sơ đăng ký sáng chế quốc tế. Đồng thời các thành viên tham gia nhóm nghiên cứu (đang công tác tại các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQG-HCM) có thể đăng ký thực hiện các đề tài cấp ĐHQG-HCM để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động của nhóm. Sản phẩm từ kết quả nghiên cứu ngoài bài báo công bố đỉnh cao, bằng sáng chế, đào tạo sau đại học còn hình thành công nghệ nền, công nghệ cốt lõi có khả năng nâng cao giá trị cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhà khoa học và doanh nghiệp.  

    “Hằng năm, ĐHQG-HCM dành 1-1,5 tỷ kinh phí đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh (tùy thuộc vào lĩnh vực). Sau 2 năm, ĐHQG-HCM sẽ tổ chức hội đồng đánh giá hiệu quả hoạt động của các nhóm nghiên cứu này để xem xét việc có tiếp tục cấp kinh phí hay không. Một điều đáng lưu ý khác là ĐHQG-HCM đã yêu cầu các nhóm nghiên cứu mạnh phải trích 20% kinh phí được đầu tư để chi trả lương cho các học viên cao học, nghiên cứu sinh tham gia nhóm nghiên cứu. Chính các học viên cao học, nghiên cứu sinh này sẽ là thế hệ tiếp nối các thầy cô trong nhóm nghiên cứu ở tương lai” - PGS.TS Lâm Quang Vinh nhấn mạnh.

    Sau 5 năm đầu tư, các nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQG-HCM bước đầu đã giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực thế mạnh của ĐHQG-HCM như KH&CN vật liệu, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hóa học và công nghệ hóa học, môi trường. Đồng thời, các nhóm nghiên cứu này đã thực hiện các nghiên cứu đỉnh cao, tiếp cận và nắm vững một số công nghệ tiên tiến của thế giới, giúp rút ngắn khoảng cách nhà khoa học và doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động đào tạo sau đại học được cải tiến theo chuẩn mực quốc tế.

    Hình thành các trường phái nghiên cứu

    GS Phan Bách Thắng - Trưởng nhóm Chương trình nghiên cứu mạnh ĐHQG-HCM 2019-2024 “Nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng vật liệu tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng sạch, chăm sóc sức khỏe, lưu trữ dữ liệu” với hệ thiết bị kính hiển vi lực nguyên tử PARK NX10 tại PTN Vật liệu và Linh kiện Bán dẫn - Trung tâm INOMAR (Thuộc dự án PTN Vật liệu tiên tiến được ĐHQG-HCM đầu tư 2021-2023). Ảnh: Thu Thảo

    Để phát huy thế mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQG-HCM, nhóm nghiên cứu do GS Phan Bách Thắng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử (INOMAR) - làm trưởng nhóm, đã tạo được một mạng lưới hợp tác, kết nối 15 thành viên từ nhiều trường khác nhau trong hệ thống ĐHQG-HCM như: PGS.TS Trần Cao Vinh - Phòng thí nghiệm (PTN) Vật liệu Kỹ thuật cao; PGS.TS Phạm Kim Ngọc, TS Tạ Thị Kiều Hạnh, TS Trần Thị Như Hoa - Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu; PGS.TS Vũ Thị Hạnh Thu - Khoa Vật lý và Vật lý kỹ thuật (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên); PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp, PGS.TS Vòng Bính Long - Khoa Kỹ thuật Y sinh (Trường ĐH Quốc Tế) và GS.TS Lê Minh Trí (Khoa Y ĐHQG-HCM).

    Hướng nghiên cứu chính của nhóm là nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng vật liệu tiên tiến (MOF/ZIF, ô xít…) trong lĩnh vực năng lượng sạch, chăm sóc sức khỏe, lưu trữ dữ liệu.

    Đánh giá tiến độ thực hiện của nhóm, GS Phan Bách Thắng cho biết: “Chương trình nghiên cứu của nhóm được ĐHQG-HCM phê duyệt triển khai trong giai đoạn 2019-2024, bên cạnh nỗ lực của nhóm nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ của ĐHQG-HCM về nguồn lực, hồ sơ, thủ tục giải ngân và báo cáo, đánh giá tiến độ đơn giản, minh bạch đã giúp nhóm triển khai các nội dung nghiên cứu thuận lợi và hiệu quả. Đến nay, nhóm nghiên cứu gần như đã hoàn thành tất cả sản phẩm, vượt tiến độ so với đăng ký: 1 bằng sáng chế Hoa Kỳ về vật liệu khung hữu cơ kim loại có thể ứng dụng trong lĩnh vực chuyển hóa CO2 (US Patent 11,426,714, 2022); 21 công bố trên các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu WoS/Scopus có chỉ số Impact Factor trung bình là 4,5 (19 bài Q1, 2 bài Q2, trong đó có 1 bài thuộc Nature Index - Applied Physics Letters và công bố có IF cao nhất thuộc tạp chí Biosensors and Bioelectronics (IF=12,6), kết quả công bố trên tạp chí Q1 đạt vượt so với đăng ký - 19/15); 1 chương sách quốc tế; đào tạo 5 tiến sĩ và 8 thạc sĩ; 5 mẫu vật liệu; xây dựng mới 1 PTN Cảm biến Quang học ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe”.

    Theo Giám đốc Trung tâm INOMAR, định hướng đầu tiên của ông khi xây dựng nhóm là sau khi kết thúc 5 năm thực hiện chương trình, mỗi thành viên chủ chốt có thể lập một nhóm nghiên cứu mới, phát triển độc lập. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 4 hướng nghiên cứu liên ngành, gồm nghiên cứu vật liệu trong chuyển hóa năng lượng nhiệt điện (GS Phan Bách Thắng - PGS.TS Trần Cao Vinh); vật liệu lưu trữ dữ liệu (PGS.TS Phạm Kim Ngọc) và vật liệu trong chăm sóc sức khỏe (dẫn truyền thuốc trúng đích - PGS.TS Đoàn Lê Hoàng Tân; cảm biến Quang học - TS Trần Thị Như Hoa).

    Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, các thành viên của nhóm cũng đã chủ nhiệm và nghiệm thu thành công 2 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước (Chương trình phát triển Vật lý Quốc gia), 3 đề tài cấp Quốc gia (Quỹ NAFOSTED), 4 đề tài cấp trọng điểm ĐHQG-HCM (VNU-B) có kết quả được công bố trên các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu WoS/Scopus uy tín như: Chemical Engineering Journal (IF = 15,1); Journal of Hazardous Materials (IF = 13,6); Biosensors and Bioelectronics (IF = 12,6); ACS Materials Letters (IF = 11,4); ACS Applied Materials & Interfaces (IF = 9,5); Acta Materialia (IF = 9,4); Wiley Interdisciplinary Reviews: Nanomedicine and Nanobiotechnology (IF = 8,6); Sensors and Actuators B:Chemical (IF = 8,4); Environmental Research (IF = 8,4); Journal of Science: Advanced Materials and Devices (IF = 8,0); Applied Surface Sciences (IF = 6,7); Journal of Alloys and Compounds (IF = 6,2); 3 kết quả nghiên cứu đang được thẩm định xét sáng chế quốc tế (1 Hoa Kỳ và 2 Hàn Quốc); 1 giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM lần thứ 27 năm 2023 và 1 giải Ba Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ ba năm 2023.

    Hiện nay, các thành viên trong nhóm đang chủ nhiệm thực hiện 1 đề tài nhóm nghiên cứu mạnh Quỹ NAFOSTED; 1 đề tài Quỹ Vingroup (VINIF); 1 đề tài VNU-A và 4 đề tài VNU-B. GS Thắng định hướng đến năm 2030, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các nội dung nghiên cứu cơ bản được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín thì nhóm sẽ tập trung thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng nhằm gia tăng số lượng sáng chế trong nước và quốc tế cũng như sản phẩm ứng dụng nhằm xác lập trường phái nghiên cứu đặc trưng của nhóm, đơn vị và của ĐHQG-HCM. 

    Ngoài mô hình hợp tác của nhóm do GS Phan Bách Thắng đảm nhiệm, mỗi trường thành viên ĐHQG-HCM đều có lĩnh vực mũi nhọn và nhóm nghiên cứu mạnh nổi bật. Điển hình, Trường ĐH Quốc Tế có nhóm “Phát triển khoa học, công nghệ và Kỹ thuật Y Sinh tiên tiến đáp ứng xu hướng chăm sóc sức khỏe toàn diện” do GS Võ Văn Tới - nguyên Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh, Trợ lý Ban Giám hiệu Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM về Phát triển Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Sức khỏe và Sự sống - phụ trách.
    Nhóm có trên 20 thành viên là giảng viên và sinh viên Khoa Kỹ thuật Y Sinh. GS Võ Văn Tới cho hay, nhóm nghiên cứu vận hành bằng cách để mọi thành viên được nghiên cứu theo thế mạnh riêng và bám sát mục tiêu chung.

    GS Võ Văn Tới đang sử dụng máy đo huyết áp và nhịp tim viễn thông - sản phẩm nghiên cứu của nhóm. Ảnh: Thu Thảo

    Trong 3 năm hoạt động kể từ tháng 6/2021, nhóm đã theo đúng tiến độ mong muốn. Cụ thể, nhóm đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo và đáp ứng khoảng 70% số lượng bài báo công bố quốc tế cũng như chế tạo nhiều thiết bị y tế. Ngoài ra, nhóm cũng đã nộp nhiều đơn xin cấp bằng sáng chế ở Việt Nam, Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới.

    Trong đó, một số thiết bị đã được chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và cấp phép lưu hành. Nổi bật nhất là máy đo huyết áp và nhịp tim viễn thông ra mắt vào năm 2022. Điểm nổi trội của thiết bị này là nhỏ gọn, bệnh nhân có thể đeo trực tiếp lên tay và đo theo ý muốn hay đo tự động theo tần suất suốt ngày.

    “Chúng tôi còn ứng dụng Internet vạn vật (IoT) vào máy để bệnh nhân tiện theo dõi sức khỏe. Đi kèm với máy là phần mềm có vai trò nhận, gửi và thống kê dữ liệu tự động. Do đó, với thiết bị này, người nhà có thể chăm sóc bệnh nhân từ xa, các bác sĩ cũng có thể theo dõi và hỗ trợ đồng thời cho nhiều bệnh nhân” - GS Võ Văn Tới phân tích.

    Nhìn chung, các thiết bị y tế do nhóm chế tạo đều chú trọng phát triển y tế viễn thông, có khả năng đáp ứng nhu cầu của đa số người dân Việt Nam, nhất là những người ở vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, những thiết bị này còn phải nằm trong “tầm tay” của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

    Về lĩnh vực công nghệ thực phẩm, nhóm nghiên cứu mạnh “Sử dụng phụ phẩm ngành công nghiệp thực phẩm để sản xuất thực phẩm chức năng và sản phẩm có giá trị gia tăng” của Trường ĐH Bách Khoa đã có nhiều đóng góp nổi bật.

    GS Lê Văn Việt Mẫn báo cáo tiến độ nghiên cứu của nhóm tại buổi đánh giá định kỳ chương trình nghiên cứu trọng điểm gắn liền với nhóm nghiên cứu mạnh do ĐHQG-HCM tổ chức. Ảnh: Thu Thảo

    Trong giai đoạn 2020-2023, dưới sự dẫn dắt của GS Lê Văn Việt Mẫn - Trưởng Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách Khoa - nhóm đã nghiên cứu thành công 5 thực phẩm chức năng giàu xơ và chất chống oxy hóa dành cho người béo phì, đái tháo đường, táo bón; hoàn thiện 5 quy trình sản xuất thực phẩm chức năng sử dụng phụ phẩm của ngành chế biến lương thực và rau quả; công bố 4 bài Q1, 7 bài Q2 và 5 đơn xin bằng độc quyền sáng chế.

    Nói về hướng nghiên cứu của nhóm, GS Lê Văn Việt Mẫn giải thích: “Phần lớn phụ phẩm ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm ở nước ta hiện nay được dùng làm thức ăn cho gia súc. Thay vì tách chiết những thành phần có giá trị, nhóm tìm cách sử dụng hầu hết thành phần có trong phụ phẩm để tạo ra thực phẩm chức năng và những chế phẩm bổ sung vào thực phẩm, nhằm tăng cường sức khỏe cho người dùng”.

    Để đánh giá tác động của thực phẩm chức năng do nhóm nghiên cứu đến sức khỏe con người, nhóm đã hợp tác với Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM và Bộ môn Dinh dưỡng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện phần nghiên cứu in-vivo (nghiên cứu trên cơ thể sống). 

    GS Lê Văn Việt Mẫn chia sẻ: “Trong quá trình hoạt động, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ của ĐHQG-HCM về kinh phí nghiên cứu và mua sắm thiết bị. Tôi đánh giá cao vai trò của ĐHQG-HCM trong việc thúc đẩy sự phát triển của các nhóm nghiên cứu mạnh”.

    Ở hai năm tiếp theo, nhóm sẽ hợp tác với một số doanh nghiệp để thử nghiệm và hoàn thiện những công thức, quy trình sản xuất tiềm năng, hướng đến việc chuyển giao công nghệ.

    Theo PGS.TS Lâm Quang Vinh, ĐHQG-HCM đang trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á. Trong đề án này có tiêu đề án Thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo ĐHQG-HCM.

    Một trong những mục tiêu cụ thể của Trung tâm này là kết nối các nhà khoa học/nhóm nghiên cứu cung cấp công nghệ với các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi trung tâm này được thành lập, đây sẽ là hệ sinh thái phát triển những công nghệ nền tảng, tạo môi trường thuận cho hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh.

    PHIÊN AN - THU THẢO - HƯƠNG NHU - THU TRANG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên