Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Phổ quát hóa quyền con người trong pháp luật kinh tế Việt Nam - NSC. Nguyễn Thị Thu Trang
Sau đại học

Phổ quát hóa quyền con người trong pháp luật kinh tế Việt Nam - NSC. Nguyễn Thị Thu Trang

  • 25/03/2019
  • Tên đề tài LATS: Phổ quát hóa quyền con người trong pháp luật kinh tế Việt Nam
    Chuyên ngành: Luật kinh tế                

    Mã số: 62.38.01.07    
    Nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thu Trang            
    Người hướng dẫn khoa học (HDĐL): PGS.TS Dương Anh Sơn
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh


    1.    TÓM TẮT LUẬN ÁN
    Mục tiêu nghiên cứu của luận án
    Mục tiêu tổng quát của nghiên cứu này là đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật kinh tế Việt Nam để đảm bảo và phổ quát quyền tự do kinh doanh – quyền kinh tế của con người. Đây là cơ sở để Việt Nam hội nhập kinh tế, quốc tế một cách sâu rộng.
    Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của luận án là các quy định của pháp luật về quyền con người và quy định của pháp luật kinh tế thể hiện phổ quát quyền kinh tế của con người.
    Phạm vi nghiên cứu: 
    Phạm vi nội dung: Trong khuôn khổ luận án, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu về quyền tự do kinh doanh - quyền kinh tế của con người, cụ thể: Quyền tự do gia nhập thị trường; Quyền tự do hợp đồng; Quyền tự do giải quyết tranh chấp kinh doanh.
    Phạm vi không gian: Phạm vi nghiên cứu của luận án liên quan tới các quyền con người được ghi nhận trong pháp luật kinh tế tại Việt Nam.
    Phạm vi thời gian: Luận án nghiên cứu các quy định pháp luật kinh tế về quyền tự do kinh doanh – quyền kinh tế của con người từ 1986 cho đến nay. 
    Phương pháp nghiên cứu: Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: Phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp so sánh luật học và phương pháp lịch sử.
    Ý nghĩa lý luận và thực tiễn:
    Về mặt lý luận
    Một là, luận án bổ sung cơ sở lý luận về quyền con người là quyền tự nhiên tồn tại trong Luật tự nhiên. Bên cạnh đó, luận án chỉ ra mối quan hệ của quyền con người trong Luật thực định và Luật tự nhiên. Luận án khẳng định quyền tự do kinh doanh là quyền kinh tế của con người.
    Thứ hai, luận án góp phần chứng minh thuộc tính của quyền con người là phổ quát. Phổ quát hóa quyền tự do kinh doanh nói riêng và quyền con người nói chung là tất yếu trong tiến trình toàn cầu hóa.
    Thứ ba, lý luận về quyền con người và phổ quát hóa quyền con người là tiền đề  lý luận quan trọng cho việc nghiên cứu các nội dung cụ  thể  tiếp theo và đề xuất những kiến nghị hoàn thiện pháp luật kinh tế Việt Nam. 
    Về mặt thực tiễn
    Luận án đưa ra một bức tranh tổng quát về thực trạng pháp luật kinh tế Việt Nam hiện nay đã ghi nhận, bảo vệ quyền kinh tế của con người từ đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật kinh tế Việt Nam. Cụ thể: Pháp luật của Việt Nam nói chung, pháp luật kinh tế nói riêng còn có nhiều sự khác biệt với pháp luật của các nước và thông lệ quốc tế và chính điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta. Thông qua quá trình nghiên cứu, luận án chỉ ra được xu hướng phổ quát hóa quyền con người trong pháp luật kinh tế Việt Nam để thấy sự tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật của các nước trên thế giới và với thông lệ quốc tế. Từ sự tương thích của pháp luật, các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập phát triển kinh tế một cách sâu rộng. Ngoài ra, luận án còn là nguồn tài liệu tham khảo cho các cơ quan xây dựng pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước, những người nghiên cứu khoa học, những người tham gia công tác giảng dạy, sinh viên học tập về quyền con người và pháp luật kinh tế.
    2.    NHỮNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN 
    Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu nêu trên và rút ra kết luận sau:
    Thứ nhất, quyền con người là quyền tự nhiên, tồn tại trong Luật Tự nhiên. Quyền tự do kinh doanh là quyền kinh tế của con người và quyền này mang tính phổ quát.
    Thứ hai, phổ quát hóa quyền tự do kinh doanh là xu hướng tất yếu trong tiến trình toàn cầu hóa diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam.
    Thứ ba, quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế Việt Nam tương thích với pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Qua đó cho thấy, quyền tự do kinh doanh được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật kinh tế Việt Nam. Điều này cũng chứng minh rằng quyền con người đã được phổ quát hóa trong pháp luật kinh tế Việt Nam.
    Thứ tư, pháp luật kinh tế Việt Nam còn nhiều bất cập khiến quyền con người nói chung và quyền tự do kinh doanh nói riêng bị hạn chế. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng cần có những giải pháp, kiến nghị phù hợp nhằm phổ quát hóa quyền tự do kinh doanh như: 
    Một là, giải pháp, kiến nghị nhằm phổ quát hóa quyền tự do gia nhập thị trường: (i) Cải cách thủ tục hành chính; (ii) Sửa đổi, bổ sung một số quy định về quyền thành lập, quản lý và góp vốn kinh doanh; mô hình tổ chức kinh doanh; ngành nghề kinh doanh và thủ tục gia nhập thị trường.
    Hai là, giải pháp, kiến nghị nhằm phổ quát hóa quyền tự do hợp đồng: (i) Đối với tự do giao kết hợp đồng: Kiến nghị mở rộng chủ thể giao kết hợp đồng; Kiến nghị bổ sung, sửa đổi điều kiện rút hoặc hủy đề nghị giao kết hợp đồng; Kiến nghị bổ sung hành lang pháp lý cho giai đoạn đàm phán hợp đồng; Kiến nghị về giới hạn tự do hợp đồng. (ii) Đối với quyền tự do thay đổi nội dung hợp đồng: Bổ sung, sửa đổi Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015. (iii) Đối với quyền tự do lựa chọn luật cho hợp đồng: Khuyến nghị đối với các bên giao kết các lưu ý lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng; Sửa đổi Khoản 2, Điều 664 Bộ luật Dân sự 2015; Kiến nghị thừa nhận quyền lựa chọn luật cho từng phần của hợp đồng; Kiến nghị lựa chọn luật có mối quan hệ hợp lý với hợp đồng; Kiến nghị vấn đề lựa chọn tập quán áp dụng cho hợp đồng; Kiến nghị hạn chế quyền tự do lựa chọn luật trong hợp đồng lao động; Kiến nghị hạn chế quyền tự do lựa chọn luật trong hợp đồng tiêu dùng.
    Ba là, giải pháp, kiến nghị nhằm phổ quát hóa quyền tự do giải quyết tranh chấp kinh doanh: (i) Kiến nghị bổ sung quy định mối quan hệ giữa giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, trọng tài hoặc tòa án; Kiến nghị về lựa chọn luật đối với “thỏa thuận trọng tài” và “thủ tục trọng tài”; (ii) Kiến nghị về hòa giải theo thủ tục trọng tài; (iii) Kiến nghị về tự do thỏa thuận lựa chọn tòa án đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài; (iv) Kiến nghị về công nhận thỏa thuận của các bên khi giải quyết tranh chấp tại tòa án; (v) Kiến nghị về chủ thể có thẩm quyền hòa giải tại tòa; (vi) Kiến nghị về vấn đề tự do lựa chọn luật giải quyết tranh chấp đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
    3.    NHỮNG VẤN ĐỀ BỎ NGỎ CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
    Những nội dung mà Luận án còn bỏ ngỏ cho những nghiên cứu tiếp theo liên quan đến phổ quát hóa quyền tự do kinh doanh – quyền kinh tế của con người là:
    Một là, phổ quát hóa quyền tự do cạnh tranh.
    Hai là, phổ quát hóa quyền tự do mua bán hàng hóa; đặc biệt là mua bán hàng hóa với nước ngoài (hoạt động xuất nhập khẩu).
    Ba là, phổ quát hóa quyền tự do huy động vốn thông qua phương thức phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

    Tệp đính kèm: