Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Sinh viên nội trú Ký túc xá ĐHQG-HCM được trang bị Sổ tay chăm sóc sức khỏe tâm thần
Sinh viên ĐHQG-HCM

Sinh viên nội trú Ký túc xá ĐHQG-HCM được trang bị Sổ tay chăm sóc sức khỏe tâm thần

  • 16/06/2024
  • Tháng 4/2024, Sổ tay điện tử Chăm sóc sức khỏe tâm thần (STĐT) được ra mắt từ chương trình Vaccine tinh thần thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần (Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM), do Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG-HCM (TTQLKTX) và Quỹ Tâm Nguyện Việt hỗ trợ. Trước đó, vào tháng 8/2022, TTQLKTX và trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM từng ký kết biên bản ghi nhớ Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên tại TTQLKTX và ra mắt Phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần sinh viên.

    Bước vào tháng Năm, tháng Sáu, không ít các sinh viên nội trú KTX ĐHQG-HCM lại càng tất bật với mùa thi, “deadline” dày đặc. Điều này dẫn đến căng thẳng và lo âu, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe tinh thần. Thế nhưng, “công việc” chăm sóc sức khỏe tinh thần đôi khi bị phớt lờ do những mối bận tâm thường nhật khác. Trong khi đây lại là yếu tố vô cùng quan trọng giúp sinh viên có khả năng chống đỡ với những cảm xúc tiêu cực, khó khăn trong học tập, công việc và cuộc sống. STĐT ra mắt vào tháng Tư là thời điểm thích hợp cho sinh viên chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

    Giao diện trang website đọc STĐT có kết hợp nhạc không lời với giai điệu nhẹ nhàng.

    Nâng cao nhận thức cộng đồng

    Nội dung của STĐT gồm 3 phần chính. Trong đó, phần 1 giới thiệu Tổng quan về sức khỏe tinh thần (“Biết để hiểu” và “Một số nguy cơ”), phần 2 nêu thực trạng, giải pháp Sức khỏe tâm thần của sinh viên (Những vấn đề thường gặp và Gợi ý cách ứng phó) và phần 3 gợi mở Bạn có gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần? (Lắng nghe bản thân). Sinh viên có thể đọc STĐT tại địa chỉ: https://hcmussh.edu.vn/news/item/31361.

    TS Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần (MHRS) cho hay: “Hàng tháng, chúng tôi nhận được thư đăng ký dịch vụ tham vấn và hỗ trợ tâm lý của hàng trăm sinh viên, cả trong và ngoài ĐHQG-HCM. Các sinh viên này đã phải đối mặt với nhiều áp lực từ việc học trực tuyến kéo dài, sự cô lập xã hội và lo lắng về sức khỏe của gia đình…”. Hậu quả, theo TS Công là sinh viên rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu và mất ngủ kéo dài hoặc các trạng thái khủng hoảng, căng thẳng, mất động lực. Các triệu chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời khiến kết quả học tập giảm sút đáng kể.

    Cũng theo TS Công, có khá nhiều trường hợp sinh viên trong quá trình tham vấn và hỗ trợ có những sang chấn từ thơ ấu, rối loạn về tính lưu loát của ngôn ngữ,... Tuy nhiên, do nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, TS Công không thể cung cấp các thông tin của thân chủ trên phương tiện thông tin đại chúng.

    TS Lê Minh Công cho biết động lực để MHRS phối hợp với các đơn vị khác xuất bản STĐT là do năm 2021 và 2022, MHRS may mắn được tham gia chương trình Vắc xin tinh thần. “Thông qua đó, chúng tôi nhận thấy việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trên diện rộng, đặc biệt là trường học, cần phải tập trung vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần mới bền vững. Chính vì thế, sau này khi triển khai Chương trình Nghiên cứu, thí điểm và nhân rộng mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên ĐHQG HCM do Giám đốc ĐHQG-HCM giao phó, chúng tôi đã mạnh dạn để đưa nội dung này vào như một phần của chương trình” - TS Công nhớ lại.

    Ngoài ra, trong quá trình triển khai, phát triển các chương trình của MHRS, TS Công cảm kích vì luôn nhận được sự khích lệ, định hướng và động viên của Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM. TS Công khẳng định: “Việc phát triển STĐT hay nhiều chương trình khác đều bắt đầu từ những thảo luận và trao đổi cùng các lãnh đạo, mong muốn cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về sức khỏe tinh thần và các gợi ý ứng phó để các em có thể đối mặt với các thách thức tâm lý một cách chủ động. Đây là sứ mệnh mà chúng tôi luôn theo đuổi”.

    TS Nguyễn Văn Tường, tác giả chính của STĐT, cho hay hầu hết các sổ tay hay sách về sức khỏe tinh thần khác đều mang những ý nghĩa, có giá trị và phù hợp với những đối tượng nhất định. Tuy nhiên, STĐT đặc biệt ở chỗ ngoài việc tập trung vào đối tượng chính là sinh viên (được thiết kế với nội dung liên quan đến các vấn đề sức khỏe tinh thần thường gặp ở lứa tuổi này như stress, lo âu, trầm cảm, và các khó khăn khác) thì còn cung cấp các bài test tâm lý và gợi ý cách ứng phó cụ thể. “Từ đó, STĐT giúp sinh viên nhận diện và tự theo dõi sức khỏe tinh thần của mình một cách chủ động, cung cấp các thông tin về dịch vụ ngoài trường đại học mà sinh viên có thể tiếp cận một cách phù hợp” - TS Tường nói thêm.

    Ngoài ra, STĐT cũng cung cấp những hướng dẫn cần thiết trong việc nâng cao và phòng ngừa tình trạng sức khỏe tinh thần của sinh viên. Thêm nữa, dù mục tiêu chính là dành cho nhóm đối tượng sinh viên, nhưng STĐT cũng có thể giúp các giảng viên, đối tượng khác phát hiện sớm và hỗ trợ ban đầu cho sinh viên có nguy cơ rối loạn tâm thần.

    Chú trọng tính ứng dụng

    Một góc nhỏ ở Phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần sinh viên đặt tại tầng trệt tòa B1, Khu B, TTQLKTX ĐHQG-HCM.

    Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình hoàn thiện STĐT và cách vượt qua nó, TS Tường tâm sự quả thật có một vài khó khăn nhất định trong quá trình biên soạn và phát triển nội dung, nhưng không quá lớn. “Đầu tiên, giữa nguồn dữ liệu bao la về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên, việc thu thập thông tin phù hợp, ngắn gọn, và đáng tin cậy là một thách thức lớn. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi phải tìm kiếm, kiểm chứng và chọn lọc những thông tin phù hợp nhất, tham khảo ý kiến từ các nhà chuyên môn có kinh nghiệm, các tổ chức khoa học - giáo dục uy tín  để đưa vào cuốn sổ tay này. Trên cơ sở đó chúng tôi xây dựng sườn nội dung cho STĐT sao cho đảm bảo tính xác thực về mặt khoa học, tính thông dụng về mặt ngữ nghĩa và tính thẩm mỹ về mặt hình thức” - TS diễn giải. Trong đó, TS Tường khẳng định: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến khả năng sinh viên có thể áp dụng và thực hành một số hướng dẫn mà chúng tôi giới thiệu”.

    Tự nhận xét về điểm cần cải tiến, thay đổi hoặc bổ sung nếu sắp tới ra mắt phiên bản mới, tác giả - TS Tường cho rằng trước khi STĐT này được ra mắt chính thức, các nhà chuyên môn, bộ phận phụ trách cũng như các đơn vị phối hợp cũng đã có những điều chỉnh, thay đổi trong suốt hơn 1 năm qua. “Mặc dù vậy, STĐT này không tránh được một số hạn chế. Ví dụ, một số nghiên cứu gần đây về chăm sóc sức khỏe tinh thần nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sức khoẻ tâm thần. Do đó, tôi nghĩ rằng, cần phải bổ sung thêm một số ứng dụng công nghệ vào cuốn sổ tay này để giúp sinh viên tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ sức khoẻ tinh thần được thuận tiện và hiệu quả hơn” - TS Tường trăn trở. Ngoài ra, TS Tường băn khoăn hình thức của STĐT vẫn nặng về việc tiếp nhận một chiều, thiếu tính tương tác và trao đổi giữa sinh viên và các nhà chuyên môn, các đơn vị hỗ trợ. Theo đó, việc thiết kế cuốn sổ tay này theo hướng tương tác cần được cân nhắc trong tương lai. TS Tường thẳng thắn và chân thành: “Nếu độc giả, các nhà chuyên môn có ý kiến đóng góp cho STĐT xin gửi vào hòm thư: mhrs.hcmussh.edu.vn hoặc hotline 0886.471.798”.

    Trần Thị Thùy Dung, sinh viên năm 4, ngành Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, cho hay một trong những câu hỏi bạn nhận được nhiều nhất khi học ngành này là: “Sinh viên Tâm lý học chắc không bị stress hay trầm cảm đâu ha?”. Dung nói thêm, không ai trong chúng ta mong muốn trầm cảm, lo âu sẽ đến với mình và không phải ai cũng thật sự quan tâm, hiểu rõ hay có cơ hội nhận được sự hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. “Thật ra tụi mình vẫn bị như thường (cười), thậm chí thường xuyên hơn do tính chất ngành hay tiếp xúc với những cảm xúc tiêu cực của thân chủ. Tuy nhiên, có một điều may mắn là tụi mình nhận diện được những thay đổi của bản thân và biết cách làm thế nào để kiểm soát, điều hoà cảm xúc đó” - Dung bộc bạch.

    Thùy Dung nói thêm, nhờ vào những kiến thức, hiểu biết học được về stress hay trầm cảm ở cuốn Sổ tay chăm sóc sức khỏe tinh thần mà mỗi sinh viên có thể tự giúp đỡ bản thân và những người xung quanh cảm thấy tốt hơn. Thùy Dung dành thời gian mỗi tối trước khi ngủ để viết nhật kí biết ơn, dành tặng bản thân những lời cảm ơn và những điều tử tế nho nhỏ từ mọi người sống quanh mình.

    Nhịp sống hiện đại khiến không ít sinh viên bị cuốn vào vòng xoáy công việc, học tập, thời gian đôi khi trở thành một điều “xa xỉ”. Tạ Thị Kim Ngân, sinh viên năm II, ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM kể điều bạn cảm thấy thú vị khi tham khảo STĐT là các cách trình bày trang ngộ nghĩnh, dễ thương cùng với giai điệu âm nhạc du dương phát ra trong suốt quá trình đọc. Ngân tâm sự, vốn là một người có ít thời gian trống, ít chia sẻ lòng mình với các thành viên cùng phòng ở KTX và gia đình, khi đọc xong STĐT: “Mình nhận ra đôi khi nên học cách tìm kiếm sự trợ giúp khi cần. Khi những khó khăn trở nên quá sức và mình cảm thấy không thể ứng phó với chúng, việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác sẽ bổ trợ thêm nguồn lực to lớn. Họ có thể là những người thân quen trong gia đình, bạn bè, thầy cô, hay những người có chuyên môn về sức khỏe tinh thần”.

    Sinh viên nội trú có thể tìm đến Phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần sinh viên đặt tại tầng trệt tòa B1, Khu B, TTQLKTX, ĐHQG-HCM để được tham vấn trực tiếp hoặc gọi đến số điện thoại 1900.055.559 (nhấn phím 117) để đặt lịch trước. Phòng hiện mở cửa từ 8g00 đến 11g30 và từ 13g00 đến 20g00, từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Với không gian thoáng mát, sạch sẽ, có không gian đọc sách, Phòng là nơi giúp sinh viên thư giãn, giải tỏa căng thẳng sau những giờ học. Ngoài ra, sinh viên có thể gửi thư qua địa chỉ email htsktt@ktxhcm.edu.vn để trình bày vấn đề của mình với các chuyên gia tư vấn.

    Cũng tại tòa B1, TTQLKTX còn triển khai Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh viên với các dịch vụ: soi da và tư vấn miễn phí, cung cấp các loại mỹ phẩm, hướng dẫn chăm sóc da; khám và điều trị thông thường về răng miệng, lấy cao răng, trám răng nhổ răng; điều trị tủy, giới thiệu các cơ sở điều trị nha uy tín; khám và tư vấn miễn phí, truyền dịch, may vết thương, test thử tiểu đường, tháo bột, cắt mụn cóc, chích rạch nhọt, áp xe…

     

    Lí do ra mắt Sổ tay bản điện tử mà không phải bản giấy thông thường

    BS Nguyễn Thị Trọng, Trưởng Trạm Y tế, TTQLKTX ĐHQG-HCM cho biết trong bối cảnh truyền thông và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, việc tiếp cận các thông tin của sinh viên cũng thay đổi rất nhiều. Do đó, việc xuất bản sổ tay sức khỏe tinh thần dưới dạng online giúp sinh viên tiếp cận nội dung một cách dễ dàng và nhanh chóng khi cần thiết.

    “Ngoài ra, với số lượng nội dung nhiều, liên quan đến các thuật ngữ chuyên ngành và hàm lượng thông tin lớn, Trung tâm chủ động cập nhật các thông tin cần thiết để thiết kế các ấn phẩm, các video clip ngắn giúp sinh viên hiểu đúng và đủ. Trong quá trình triển khai, nếu các bạn sinh viên có nhu cầu sử dụng tài liệu giấy, các bạn có thể truy cập đường link để tải về và tự in để nghiên cứu” - BS Trọng nhấn mạnh.  

    Ngoài ra, đại diện TTQLKTX chia sẻ đã đăng tải các bài viết giới thiệu về sổ tay này trên các kênh truyền thông, thiết kế các ấn phẩm tờ rơi, video clip ngắn giới thiệu nội dung của sổ tay, phổ biến bằng phương thức tọa đàm tại các Ban Quản lý cụm nhà để hướng dẫn trực tiếp cho sinh viên sử dụng tối ưu tài liệu này.

    MỸ DIỆP

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên