Đo là chủ đề chính được nhiều diễn giả trình bày tại Hội thảo khoa học “Công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV tại Việt Nam” do ĐHQG-HCM và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, ngày 16/1.
Nhạy cảm chính trị là bao biện
Tổng quan về tình hình nghiên cứu lĩnh vực KHXH của Việt Nam, GS Nguyễn Thị Cành - Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM cho rằng so với khối KHTN và kỹ thuật, đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực KHXH&NV hiện còn khá thấp, thiếu sự công bằng trong phân bố nguồn lực và chưa tạo được môi trường minh bạch cho nghiên cứu.
“Do kinh phí hạn chế từ 30-100 triệu/đề tài nên nghiên cứu cơ bản và thực nghiệm thông qua điều tra khảo sát, tổng kết các mô hình thực tiễn, xây dựng chính sách, mô hình kinh tế - xã hội mới sẽ khó thực hiện. Đồng thời, ở các trường đại học, đa số giảng viên dành thời gian cho nghiên cứu ít do thu nhập từ nghiên cứu thấp hơn thu nhập từ giảng dạy” - GS Cành đánh giá.
GS Nguyễn Thị Cành còn cho rằng hạn chế trong công bố quốc tế ở lĩnh vực KHXH là do “đặc thù của các ngành KHXH có những vấn đề nhạy cảm như bí mật quốc gia, số liệu công khai hạn chế, chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất để làm nghiên cứu”.
Đồng quan điểm về việc cần tăng ngân sách cho nghiên cứu KHXH, GS Phạm Quang Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG Hà Nội lưu ý thêm: “Đối với các dự án nhận nguồn hỗ trợ tài chính từ công quỹ, cần có chính sách cụ thể yêu cầu nhà nghiên cứu khi nhận tài trợ phải cam kết công bố kết quả ở các tạp chí khoa học quốc tế thay vì tổ chức nghiệm thu rồi cất vào tủ như đã và đang làm”.
Trao đổi về đặc thù “nhạy cảm” trong lĩnh vực KHXH, theo GS Phạm Quang Minh đó “chỉ là một cách bao biện”.
“Cách lý giải ‘nhạy cảm’ vì lợi ích quốc gia thực ra không có cơ sở khoa học hay thực tế nào. Nhiệm vụ của một nhà khoa học không chỉ là sản xuất tri thức có chất lượng mà còn lan tỏa chúng ra thế giới. Đó chính là nhiệm vụ chính trị của nhà khoa học và là cách đóng góp thiết thực nhất cho đất nước” - GS Minh nhấn mạnh.
Dẫn chứng về việc cần đẩy mạnh công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV, PGS.TS Phạm Văn Phúc, Phó Tổng biên tập Tạp chí Phát triển KH&CN ĐHQG-HCM đã khảo sát các công bố về Biển Đông trên hệ thống tạp chí quốc tế thuộc cơ sở dữ liệu Scopus. Theo đó, chỉ có 6 kết quả sử dụng cách gọi “Biển Đông”, trong khi 13.883 kết quả sử dụng “South China Sea” và 176 kết quả dùng “West Philippines Sea”. Không những vậy, ông còn cho biết nghiên cứu về Biển Đông được công bố lần đầu tiên trên Scopus từ năm 1930. Cho đến nay, số lượng công bố quốc tế về vấn đề này liên tục tăng, đặc biệt trong các năm 2014-2018 dao động từ 1.100-1.300 công bố, so với các thập niên trước chỉ dừng lại ở mức vài trăm công bố/năm. Đặc biệt, chỉ mới 16 ngày đầu năm 2019 đã có 80 công bố mới về vấn đề Biển Đông.
“Thống kê top 10 quốc gia công bố nhiều nhất về Biển Đông trên dữ liệu Scopus cho thấy Trung Quốc là nước đứng đầu với 8.647 bài, tiếp theo là Hoa Kỳ với 2.139 bài, Đài Loan 1.070 bài, sau đó là Nhật Bản, Úc, Malaysia, Hong Kong, Anh, Đức và Singapore. Trong khi đó, công bố có tác giả là nhà khoa học Việt Nam trên dữ liệu Scopus xuất hiện lần đầu từ năm 1989, và tính đến năm 2019 là 245 công bố” - PGS.TS Phạm Văn Phúc cho biết.
Cần xuất bản tạp chí chuẩn quốc tế
Thảo luận về vấn đề nâng cấp tạp chí đạt chuẩn học thuật quốc tế, TS Lê Xuân Sang - Tổng biên tập Tạp chí Vietnam’s Socio-Economic Development đã giới thiệu các chuẩn học thuật của 3 cơ sở dữ liệu uy tín quốc tế gồm: chuẩn ACI (ASEAN Citation Index), chuẩn ISI (Institude for Science Infomation - Viện Thông tin Khoa học tại Mỹ) và chuẩn Scopus (Tập đoàn xuất bản Elsevier).
Đối với hệ thống dữ liệu Scopus, từ tháng 10/2009, cơ sở dữ liệu này sử dụng hệ thống tính điểm STEP (Scopus Title Evaluation Platform) nhằm thẩm định các ấn phẩm khoa học dựa trên 5 tiêu chí: chính sách tạp chí chiếm 35%, nội dung (20%), mức độ trích dẫn (25%), tính thường kỳ (10%), và sự sẵn có nội dung trực tuyến (10%).
Trong khi đó, ISI lựa chọn gần 10.000 tạp chí trong số hơn 100.000 tạp chí khoa học theo 3 danh sách: SCIE (Khoa học tự nhiên), SSCI (Khoa học xã hội) và A&HCI (Nghệ thuật và con người).
Do đó, một tạp chí khoa học quốc tế tối thiểu theo ISI phải thoả mãn các tiêu chí: (1) Tôn chỉ mục đích rõ ràng; (2) Quy trình tiếp nhận và bình thẩm khách quan; (3) Chất lượng bài báo cao, các tác giả đến từ nhiều nước khác nhau; (4) Ban biên tập quốc tế gồm các nhà khoa học tiêu biểu cho các lĩnh vực chính của tạp chí; (5) Chất lượng in ấn cao; (6) Phát hành định kỳ ở nhiều nơi trên thế giới và được thống kê, nhận xét trong các tạp chí tra cứu hàng đầu.
TS Lê Xuân Sang cho rằng để nâng cấp chất lượng bài báo khoa học buộc phải thực hiện từ các tạp chí khoa học trong nước. Giải pháp khả thi cho vấn đề này là nâng cấp các tạp chí khoa học hiện nay theo đúng chuẩn quốc tế như chuẩn học thuật của các cơ sở dữ liệu trên.
Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Phạm Văn Phúc nhấn mạnh đây là hướng đi chiến lược trong việc phổ biến, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn và nghệ thuật đến cộng đồng quốc tế.
Ông phân tích: “Nhà khoa Việt Nam công bố các vấn đề khoa học xã hội, nhân văn và nghệ thuật trên các tạp chí quốc tế thường gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ từ chối cao. Trước nhất, các tạp chí quốc tế do nước ngoài xuất bản thường thiếu phản biện cho các vấn đề của Việt Nam nên thường sẽ từ chối xử lý bản thảo. Đồng thời, các vấn đề xã hội, nhân văn và nghệ thuật thường là những vấn đề phức tạp, dễ tạo xung đột lợi ích lớn giữa các quốc gia, lãnh thổ. Bên cạnh đó, các vấn đề thuộc lĩnh vực này thường mang tính chất quốc gia, ít được cộng đồng quốc tế quan tâm nên các nhà xuất bản hạn chế chấp nhận. Quan trọng hơn, chất lượng bản thảo của chúng ta chưa được cao, chẳng hạn chất lượng tiếng Anh, cách thức trình bày, cách thức trích dẫn, dữ liệu khoa học còn thiếu. Do đó, xuất bản tạp chí quốc tế trong nước là cách hiệu quả nhất để chuyển tải các nghiên cứu Việt Nam ra cộng đồng quốc tế”.
Để thực hiện giải pháp này, PGS.TS Phạm Văn Phúc cho rằng cần nhanh chóng xây dựng và thực hiện Dự án Thành lập các tạp chí lĩnh vực Khoa học Xã hội, Nhân văn và Nghệ thuật theo chuẩn mực quốc tế Scopus hay Web of Science. Đây là hai hệ thống lưu trữ thông tin và cung cấp cho toàn cầu sử dụng. Đồng thời các đơn vị phải đẩy mạnh các khóa đào tạo, tập huấn viết bản thảo khoa học đạt chuẩn mực quốc tế cho cán bộ nghiên cứu và sinh viên cũng như đề ra các chính sách hỗ trợ công bố như chi phí xuất bản, chi phí hiệu đính tiếng Anh, chi phí biên tập tiếng Anh… cho các nhà khoa học.
PHIÊN AN - TẤN ĐỒNG (Bản tin ĐHQG-HCM số 193)
Hãy là người bình luận đầu tiên