Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Từ đồng cảm với phụ nữ đến Quán quân Tech Planter Vietnam 2024
Sinh viên ĐHQG-HCM

Từ đồng cảm với phụ nữ đến Quán quân Tech Planter Vietnam 2024

  • 26/09/2024
  • Vượt qua 18 “đối thủ” đến từ khắp nơi trên cả nước, dự án OpBre-AI của PGS.TS Phạm Thị Thu Hiền cùng nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa xuất sắc giành chiến thắng trong cuộc thi Tech Planter Vietnam vào tháng 7/2024 với Công nghệ chẩn đoán ung thư vú bằng phương pháp không xâm lấn kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI).

    Sau khi chiến thắng tại Tech Planter 2024 tại Việt Nam, nhóm tiếp tục cải tiến và hoàn thiện sản phẩm để có thể sớm áp dụng vào thực tế. Ảnh: NVCC

    Tăng chính xác - Giảm đau đớn

    Theo thống kê của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan) 2022, ung thư vú là một trong 5 loại ung thư ở phụ nữ có số ca mắc cao nhất tại Việt Nam và chỉ khoảng 30% trường hợp được phát hiện sớm. Mặc dù nhận thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh ung thư vú. Song, phụ nữ châu Á vẫn còn e ngại xét nghiệm sớm do hạn chế về tài chính, lo sợ xâm lấn do kim và bất tiện trong thời gian chờ đợi của các phương pháp truyền thống.

    Sự đồng cảm và trăn trở về những vấn đề ấy đã thôi thúc PGS.TS Phạm Thị Thu Hiền - Trưởng bộ môn Thiết bị Y tế, Khoa Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc tế, khởi xướng dự án OpBre-AI nhằm phát triển một hệ thống chẩn đoán ung thư vú không xâm lấn kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI). Phương pháp này cung cấp sự chẩn đoán nhanh chóng, không đau đớn và không cần xâm lấn. Với sự hợp tác liên ngành giữa cô cùng nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa, gồm các sinh viên: Bùi Đặng Đăng Khoa, Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Nguyễn Khắc Anh Duy, Trần Hoài Phúc và thành viên khác, dự án OpBre-AI đã đoạt ngôi vị Quán quân trong cuộc thi Tech Planter Vietnam 2024.

    Chia sẻ về những điểm tối ưu của dự án, PGS.TS Thu Hiền cho biết: “Việc kết hợp hình thức chẩn đoán không xâm lấn với AI sẽ giúp giảm đau đớn và lo lắng cho bệnh nhân về tâm lý sau chẩn đoán lẫn chi phí y tế; loại bỏ nguy cơ tiếp xúc với bức xạ. Hơn nữa, AI cung cấp độ chính xác cao hơn trong việc phát hiện ung thư sớm và giảm thời gian chờ đợi so với các phương pháp truyền thống như X-quang và sinh thiết. Ngoài ra, phương pháp này còn thân thiện với môi trường khi hạn chế được lượng phát thải y tế (kim tiêm) trong chẩn đoán nhanh ung thư vú”.

    Sinh viên Trần Hoài Phúc giải thích về nguyên lý hoạt động của hệ thống, các hình ảnh phân cực quang học trong hệ thống quang học được quy ước cụ thể và AI đã được nhóm cung cấp dữ liệu về để xử lý thông tin thu được.

    “Trước tiên, góc phân cực được hình thành khi tia laser đi xuyên qua thấu kính quang học, từ đó tạo ra các ảnh phân cực, cung cấp mô hình chi tiết về mô vú. Sau khi nhận được hình ảnh, mô hình AI sẽ phân tích và đưa ra chẩn đoán nhanh chóng về giai đoạn ung thư (lành tính, ác tính hoặc giai đoạn của ung thư vú)” - Phúc cho biết.

    Với sự hỗ trợ của PGS.TS Huỳnh Ngọc Trinh (giảng viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM), phương pháp đã được thí nghiệm và cho kết quả chính xác 98.9% trong việc phát hiện ung thư vú sớm ở chuột và mô ung thư vú. Các nghiên cứu và thử nghiệm đã chứng minh độ hiệu quả của phương pháp trong việc giảm tỷ lệ chẩn đoán muộn và cải thiện kết quả điều trị căn bệnh này đối với phụ nữ trong nước.

    Được biết, mặc dù đã đoạt thành tích cao nhất trong cuộc thi Tech Planter Vietnam 2024, nhóm vẫn tự nhìn nhận thấy rằng dự án này vẫn còn tồn tại một vài khó khăn trong áp dụng vào thực tiễn y khoa. Cụ thể, việc các y bác sĩ bắt buộc trải qua quá trình đào tạo để có thể sử dụng kỹ thuật mới, cũng như đảm bảo được thao tác, khả năng duy trì và cập nhật hệ thống. Mặt khác, bệnh nhân cũng cần có thời gian để làm quen với phương pháp chẩn đoán trên.

    Sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Ngọc chia sẻ: “Trong tương lai, công nghệ OpBre-AI sẽ có tiềm năng được cải tiến hơn nữa để nâng cao hiệu suất và khả năng chẩn đoán và ứng dụng trong các lĩnh vực khác của y học”.

    Nỗ lực mở rộng tính ứng dụng

    So sánh phương pháp chẩn đoán ung thư vú truyền thống (trên) và chẩn đoán không xâm lấn kết hợp với AI của OpBre-AI (dưới). Ảnh: NVCC

    Quay về ngày diễn ra chung kết, trước 8 đối thủ đến từ khắp cả nước, chủ nhân dự án OpBre-AI vẫn hết mình bày tỏ sự quan tâm của cả nhóm đến vấn đề sức khỏe phụ nữ.

    PGS.TS Thu Hiền nhấn mạnh: “Chúng tôi tự tin về khả năng đổi mới và hiệu quả của công nghệ OpBre-AI trong việc cải thiện chẩn đoán ung thư vú khi công nghệ này không chỉ tiên tiến về mặt kỹ thuật mà còn đáp ứng nhu cầu cấp bách trong việc phát hiện sớm ung thư vú, giúp cứu sống nhiều mạng người!”.

    Cảm xúc tự hào và vinh dự khi đứng ở ngôi vị cao nhất của một cuộc thi khoa học có lẽ là kết quả, sự công nhận và lời động viên lớn nhất cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của một tập thể yêu khoa học và luôn hướng đến những lợi ích cộng đồng.

    Được biết, yếu tố gây ấn tượng với giám khảo trong vòng chung kết Tech Planter Vietnam 2024 của OpBre-AI chính là đội hình thành viên liên ngành gần như toàn diện với những cá nhân chuyên sâu ở các lĩnh vực khác nhau, song, tất cả đều có chung một lý tưởng: Hướng tới cộng đồng và mong muốn công nghệ mới này được ứng dụng rộng rãi trên thị trường quốc tế.

    Th.S Nguyễn Lê Ý - Trường ĐH Quốc tế, nói: “Nếu PGS.TS Thu Hiền tập trung vào nghiên cứu các vấn đề căn cốt về khía cạnh nguyên lý; PGS.TS Dược sĩ Huỳnh Ngọc Trinh (ĐH Y Dược TP.HCM) cùng ThS.BS Nguyễn Hữu Đức Minh và BS Nguyễn Nho Hoàng Nam (Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ung bướu 2 TP.HCM) hỗ trợ dự án về chuyên môn y học, kết nối với các bệnh viện để tiến hành thí nghiệm. Mặt khác, nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa, sinh viên Nguyễn Lê Lan Hương (ĐH Kinh tế TP.HCM) và tôi sẽ đảm đương phần Nghiên cứu và Phát triển dự án để hoàn thiện hoá OpBre-AI”.

    Nhớ về quá trình thực hiện dự án, nam sinh viên Bùi Đặng Đăng Khoa chia sẻ rằng, vì dự án vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện và kêu gọi đầu tư nên hành trình trước mắt vẫn còn rất nhiều thử thách. Tuy nhiên, bên cạnh nhóm vẫn luôn có sự đồng hành và hỗ trợ từ các tổ chức học thuật, bệnh viện, các cơ quan; đặc biệt là sự hỗ trợ tài chính từ ĐHQG-HCM cũng như Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

    Theo sinh viên Trần Hoài Phúc, việc tìm hiểu thị trường và đưa sản phẩm gần hơn với cộng đồng từng khiến OpBre-AI gặp nhiều thách thức, nhưng chính cuộc thi Tech Planter Vietnam 2024 cũng giúp nhóm hiểu rõ hơn về nhu cầu thị trường và cải thiện sản phẩm và có góc nhìn thực tế hơn trong ứng dụng sản phẩm khoa học.

    Trong tương lai, các thành viên sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển dự án OpBre-AI để mở rộng thị trường và hợp tác với các tổ chức y tế, tổ chức phi chính phủ nhằm phổ biến phương pháp chẩn đoán nhiều tối ưu này. Bên cạnh đó, dự án vẫn đang được xem xét việc phát triển các ứng dụng mới của công nghệ này trong chẩn đoán các loại ung thư khác.

    Tech Planter Vietnam 2024 là cuộc thi do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ, Trường ĐH Bách khoa cùng Công ty Leave a Nest Philippines, Inc (thuộc Tập đoàn Leave a Nest, Nhật Bản) phối hợp tổ chức. Cuộc thi được tổ chức thường niên nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ở các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam,.. kết nối với các tập đoàn công nghệ lớn của Nhật Bản.

    MINH QUÂN

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên