Ngày 5/10 vừa qua, Việt Nam cùng 11 quốc gia đã đàm phán thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP: Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement). Nhân sự kiện này, TS Trần Văn Đức - Trưởng Bộ môn Kinh tế Đối ngoại, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM đã có buổi trao đổi với Bản tin ĐHQG-HCM về chủ đề: Những cơ hội và thách thức của Việt Nam từ TPP.
* Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của TPP đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông trong nước và quốc tế. Trước tiên, Tiến sĩ có thể giới thiệu đôi nét về TPP và vai trò, ảnh hưởng của tổ chức kinh tế này?
- TPP là tổ chức tự do thương mại quốc tế, với sự tham gia của 12 quốc gia (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam). Tổ chức này có thị trường trên 800 triệu dân, chiếm gần 40% GDP của thế giới và khoảng 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. TPP tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên và nền kinh tế thế giới; thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ (Hiệp định TTIP) hiện đang đàm phán; thúc đẩy thực thi kết quả vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
TPP được xem là hiệp định tự do thương mại của thế kỷ XXI với độ mở toàn diện; các tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn; phạm vi điều tiết sâu và rộng hơn; gồm nhiều lĩnh vực mới so với các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
* Xin ông nói sâu hơn về một vài tiêu chuẩn đặc thù của TPP so với các hiệp định thương mại mà Việt Nam từng ký kết?
- TPP được kỳ vọng tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong thế kỷ XXI với các đặc điểm chính sau đây:
Tiếp cận thị trường một cách toàn diện. TPP chủ trương cắt giảm, xóa bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, nó cũng điều chỉnh toàn bộ lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, nhằm tạo ra cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng của các nước thành viên.
Tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết. TPP tạo thuận lợi để phát triển sản xuất và chuỗi cung ứng; thương mại không gián đoạn; tăng cường hiệu quả và hỗ trợ việc làm; nâng cao mức sống; tăng cường các nỗ lực bảo tồn; hỗ trợ hội nhập xuyên biên giới cũng như mở cửa thị trường trong nước.
Giải quyết các thách thức mới đối với thương mại. TPP thúc đẩy đổi mới, tăng năng suất và năng lực cạnh tranh thông qua việc giải quyết các vấn đề như phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu.
Bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại. TPP bảo đảm các nền kinh tế với trình độ phát triển khác nhau và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi từ thương mại. TPP cam kết giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nắm bắt các cơ hội trong thị trường mới và buộc chính quyền các nước tham gia TPP phải chú ý đến những thách thức đặc thù của mình. TPP cũng bao gồm những cam kết cụ thể về phát triển, xây dựng năng lực thương mại để đảm bảo tất cả đối tác có thể tuân thủ cam kết trong hiệp định và tận dụng được những lợi ích mà TPP mang lại.
Nền tảng cho hội nhập khu vực. TPP tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng nhắm đến cả nền kinh tế khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
* Việt Nam đã gia nhập WTO, và sắp tới chắc chắn sẽ là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN – AEC. Vậy tại sao chúng ta lại phải liên tục thảo luận để được ký kết TPP?
- Tham gia WTO, Việt Nam mới chỉ được các nước thành viên WTO đối xử công bằng (không phân biệt đối xử) như đối với các nước thành viên khác, chứ chưa có ưu đãi gì hơn. WTO có thể nói là một liên kết kinh tế quốc tế ở quy mô toàn cầu, với 155 quốc gia thành viên có trình độ phát triển khác nhau, nên độ mở cửa và hội nhập giữa các nước thành viên chưa cao như mong muốn của nhiều quốc gia. Thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam theo trình tự là EU, Hoa Kỳ, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc. Với Hoa Kỳ, Việt Nam chưa có FTA (Hiệp định Thương mại Tự do), chính vì vậy tham gia TPP là cần thiết để Việt Nam thâm nhập sâu hơn thị trường Hoa Kỳ. Và như nói ở trên thì TPP là FTA có tiêu chuẩn phát triển cao, là động lực mạnh và cần thiết để Việt Nam cải cách, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nhanh.
* Nhiều người cho rằng Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi gia nhập TPP. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
- Theo kết quả của một số nghiên cứu có uy tín thì Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất, dựa trên mức tăng trưởng GDP. Đây là chỉ số đo lường tương đối. Nó là dự báo dựa trên nhiều điều kiện đơn giản hóa so với thực tế, nên có thể có sai số nhất định. Dự báo này được sự đồng tình của giới nghiên cứu và doanh nghiệp.
Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất do nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ít gặp phải sự cạnh tranh từ các thành viên khác như dệt may, da giày, thủy hải sản…, và các sản phẩm này có mức thuế nhập khẩu được xóa bỏ cao hơn. Điển hình như dệt may được hưởng lợi nhiều nhất vì được giảm thuế nhiều. Tuy nhiên, đây mới chỉ là cơ hội, và điều quan trọng nhất là Việt Nam phải biến cơ hội này thành hiện thực.
* Tuy chưa rõ các điều khoản cụ thể, nhưng dư luận chung cho rằng, chuẩn TPP rất khắt khe. Theo ông, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức gì?
- Mức độ mở cửa thị trường cao, trong thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư dẫn tới áp lực cạnh tranh cao cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là nông nghiệp. Trong đó ngành chăn nuôi và một số lĩnh vực dịch vụ sẽ gặp phải những thách thức lớn. Không những thế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, đặc biệt các doanh nghiệp nhà nước, bởi khi gia nhập TPP thì các doanh nghiệp này sẽ không còn nhận nhiều hỗ trợ từ phía nhà nước như trước nữa.
Tham gia TPP thì yêu cầu xuất xứ hàng hóa hết sức khắt khe. Đây là khó khăn lớn cho Việt Nam khi công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh và nguyên phụ liệu cho các ngành xuất khẩu chủ lực phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ các nước không phải là thành viên TPP. Ví dụ, hàng dệt may phải tuân thủ quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, nghĩa là sản phẩm dệt may muốn được hưởng ưu đãi thuế thì phải đảm bảo tất cả công đoạn sản xuất từ sợi trở đi phải diễn ra ở các nước thành viên TPP. Ngành dược cũng gặp bất lợi khi thời gian bảo hộ độc quyền được kéo dài, làm cho giá thuốc sắp tới có thể tăng lên.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt những yêu cầu khắt khe về môi trường, sở hữu trí tuệ, độ tuổi lao động; gia tăng nguy cơ bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo trong xã hội…
*Việc Việt Nam gia nhập TPP có tạo nên áp lực và thách thức gì đối với các trường đại học, trong đó có ĐHQG-HCM không, thưa ông?
- Gia nhập TPP đặt ra yêu cầu cao hơn nữa đối với nguồn nhân lực, đây là thách thức lớn đòi hỏi các trường đại học phải nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Không những vậy, áp lực cạnh tranh do mức độ mở cửa trong lĩnh vực giáo dục sẽ cao hơn trước, có nghĩa là các trường đại học của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn với các trường đại học từ các nước TPP ngay tại Việt Nam.
*Vậy theo ông, ĐHQG-HCM có thể làm gì để thúc đẩy Việt Nam chủ động, tự tin trên con đường hội nhập TPP?
- Tôi nghĩ, ĐHQG-HCM nên tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, trước mắt tiếp cận trình độ các nước ASEAN, và tiến tới đạt các chuẩn chất lượng đào tạo quốc tế. Kế đến, chúng ta phải chú trọng nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên tốt nghiệp, đặc biệt là ngoại ngữ. Về vĩ mô, ĐHQG-HCM nên đẩy mạnh xây dựng, phát triển thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu có uy tín trong khu vực và quốc tế; nhằm tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao, trở thành hạt nhân phát triển kinh tế trí thức.
ĐHQG-HCM cần đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả liên kết trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu với các trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế, đặc biệt là với các trường đại học từ các quốc gia phát triển trong TPP.
* Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.
Ngọc Khanh - Anh Vũ thực hiện
Hãy là người bình luận đầu tiên