Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghệ cao và ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam theo Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” với nội dung: tạo đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (loT), Dữ liệu lớn (Big data), Chuỗi khối (Blockchain) cho phát triển đất nước trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh mẽ của khoa học công nghệ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghiệp vi mạch bán dẫn như một trụ cột quan trọng trong cuộc cách mạng công nghệ số, ĐHQG-HCM đang tiên phong trong việc xây dựng các chương trình đào tạo hiện đại thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, hướng đến việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
ĐHQG-HCM tiên phong trong đào tạo vi mạch bán dẫn.
Ngày 31/03/2025, ĐHQG-HCM đã tổ chức buổi Tọa đàm về Chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn, quy tụ nhiều giảng viên, chuyên gia hàng đầu tại các trường đại học thành viên, đại diện doanh nghiệp và Hiệp hội công nghiệp vi mạch bán dẫn TP.HCM. Tại đây, các đại biểu đã cùng lắng nghe và trao đổi thảo luận về khung chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, cũng như những khóa học ngắn hạn nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cho người học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Tại Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, nhấn mạnh: "Để thực hiện chiến lược quốc gia về vi mạch bán dẫn, ĐHQG-HCM đã tiên phong triển khai đào tạo ngành Thiết kế vi mạch và ngành Công nghệ bán dẫn từ năm 2024 ở trình độ đào tạo đại học và thạc sĩ. Dự kiến năm 2025 sẽ tiếp tục tiên phong triển khai 02 ngành này ở trình độ đào tạo tiến sĩ".
Cơ hội việc làm rộng mở cho người học
Nhằm tận dụng và phát huy các nguồn lực chung và sức mạnh của toàn hệ thống cùng với quá trình học hỏi kinh nghiệm và mô hình triển khai tại các quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, khung chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn của ĐHQG-HCM được xây dựng theo hướng đồng bộ thống nhất (khối học phần cốt lõi chung) nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù và thế mạnh của từng trường thành viên trong triển khai (khối kiến thức ngành/chuyên ngành mang tính mở và linh hoạt).
Trong Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Tuyết Phương, Trưởng khoa Khoa học Liên ngành, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, chia sẻ khung chương trình đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn được thiết kế với mục tiêu trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên sâu, kỹ năng thực hành vững vàng và tư duy sáng tạo. Người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các tập đoàn lớn như Intel, Marvell, Faraday, Samsung, FPT, Viettel, CT Semicondcutor, Renesas, On Semiconductors, Synopsys, Ampere Computing, ...

Ngoài ra, người học còn có cơ hội tham gia nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm hiện đại của ĐHQG-HCM, thực tập thực tế tại các doanh nghiệp, có thể tham gia chương trình chuyển tiếp với các trường đại học nước ngoài khác hoặc tiếp tục học lên bậc cao hơn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm đã thể hiện sự đồng thuận cao về định hướng triển khai và đóng góp nhiều ý kiến cho nội dung chuyên môn của chương trình cũng như cách thức tổ chức thực hiện hiệu quả thông qua quá trình kết nối chặt chẽ giữa 03 nhà: Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp.
Hợp tác quốc tế và liên kết doanh nghiệp
Năm 2024, ĐHQG-HCM đã cử một số giảng viên tham gia khóa đào tạo ngắn hạn về chế tạo, đóng gói, kiểm thử bán dẫn (ATP) tại Đại học bang Arizona, Hoa Kỳ. Cùng với đó, ĐHQG-HCM cũng đã tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm triển khai tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản về thiết kế xây dựng chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn, kinh nghiệm phối hợp với các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để xây dựng các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn cấp chứng chỉ phù hợp.

PGS.TS Lê Đức Hùng, Trưởng Bộ môn Điện tử - Viễn thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên chia sẻ, ĐHQG-HCM đã có kế hoạch tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế, đặc biệt là các trường đại học hàng đầu tại Đài Loan, cũng như các doanh nghiệp trong nước nhằm cung cấp những khóa học ngắn hạn chất lượng cao về thiết kế, đóng gói và kiểm thử vi mạch. Sinh viên, học viên tham gia chương trình không chỉ có cơ hội nhận chứng chỉ từ các doanh nghiệp mà còn được hỗ trợ học bổng.
Hiện nay, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 3686/QĐ-UBND ngày 06/9/2024 về việc phê duyệt “Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2025 - 2030”, trong đó, ĐHQG-HCM là một trong số những đơn vị quan trọng phối hợp với TP.HCM để triển khai các chương trình hành động liên quan đến đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này.
Hãy là người bình luận đầu tiên