Năm 2017, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ĐHQG-HCM bước sang tuổi 20 (3/1/1997 - 3/1/2017). Trong 20 năm xây dựng và phát triển, Đoàn ĐHQG-HCM kiến thiết nhiều công trình sáng tạo, mang ý nghĩa thiết thực, lan tỏa khắp TP.HCM và cả nước. Trong đó, nổi bật là 6 mô hình, giải pháp đã được Thành Đoàn TP.HCM trao tặng Giải thưởng Hồ Hảo Hớn.
Chiến dịch Xuân tình nguyện (2006)
Chiến dịch này ra đời năm 2005 do Hội Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV khởi xướng và nhanh chóng trở thành cái tên quen thuộc trong đoàn viên - thanh niên thành phố mang tên Bác. Chiến dịch là nơi để những sinh viên xa nhà không về quê ăn Tết có môi trường sinh hoạt, cùng nhau thực hiện các hoạt động xã hội như thu gom lịch cũ làm sách cho người khiếm thị, về thăm các mái ấm nhà mở, trung tâm bảo trợ xã hội, trường cai nghiện… Sau 4 mùa Xuân tình nguyện, năm 2009, chiến dịch đã được nhân rộng ở quy mô cấp thành phố nhằm chăm lo tốt hơn cho người nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.HCM trong dịp Tết cổ truyền.
Phần mềm quản lý hành chính (2006)
Bắt đầu với hoạt động thiết thực là viết phần mềm quản lý hành chính cho các đơn vị phường, xã; phần mềm quản lý học viên cho các trung tâm cai nghiện và phần mềm trắc nghiệm phục vụ cuộc thi Olympic các môn Khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đoàn Trường ĐH KHTN đã “khơi nguồn” cho công cuộc tin học hóa trong công tác Đoàn nói riêng và quản lý hành chính nhà nước nói chung tại TP.HCM.
ThS Văn Chí Nam, Trưởng Phòng CTSV, nguyên Bí thư Đoàn trường cho biết, chỉ riêng năm 2005, Đoàn trường đã bàn giao 4 phần mềm ứng dụng cho các đơn vị ở quận 5, Thủ Đức, quận 2 và các trung tâm thuộc Sở Lao động -Thương binh - Xã hội TP.HCM…
Liên hoan Cán bộ trẻ tiêu biểu ĐHQG-HCM (2013)
“Liên hoan Cán bộ trẻ tiêu biểu ĐHQG-HCM” được Ban Cán sự Đoàn ĐHQG-HCM tổ chức từ năm 2007 với mục đích tuyên dương những cán bộ trẻ tiêu biểu, có năng lực công tác, gắn bó với nghề, không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu khoa học, có nhiều đóng góp thiết thực trong quá trình xây dựng, phát triển ĐHQG-HCM. Sau đó, mô hình này được Thành đoàn TP.HCM nhân rộng toàn thành phố với tên gọi “Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu” (năm 2010) nhằm tuyên dương các giảng viên, giáo viên từ 35 tuổi trở xuống đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố. Qua 4 lần tổ chức (2007, 2011, 2013, 2015) đã có 250 gương điển hình cán bộ trẻ ĐHQG-HCM được tuyên dương.
Sàn hoạt động ngoại khóa sinh viên Bách Khoa (2013)
Tháng 7/2009, Trường ĐH Bách Khoa ban hành quy định thực hiện chương trình công tác xã hội cho sinh viên hệ chính quy từ khóa tuyển sinh 2007. Theo đó, mỗi sinh viên phải tích lũy ít nhất 15 ngày công tác xã hội trong suốt khóa học 4 năm thì mới được xét tốt nghiệp. Xuất phát từ thực tiễn trên, công tác quản lý, đánh giá việc tham gia công tác xã hội của hơn 17.000 sinh viên đã trở thành nhu cầu bức thiết, mà tổ chức Đoàn - Hội không thể đứng ngoài cuộc. Tháng 10/2012, Đoàn trường đã thành lập Tổ công tác thực hiện Công trình thanh niên cấp trường “Số hóa dữ liệu hoạt động sinh viên và xây dựng cổng thông tin hoạt động ngoại khóa Bách Khoa”. Trong năm đầu tiên triển khai, chiến dịch số hóa hoạt động ngoại khóa sinh viên đã thu thập được 71.282 hoạt động của sinh viên, thu hút 10.467 sinh viên tham gia (chiếm 64,04%), giúp công tác quản lý, hỗ trợ hoạt động xã hội của sinh viên trở nên chính xác, khoa học và hiệu quả hơn rất nhiều so với trước.
Chương trình “Máy tính cũ - Tri thức mới” (2014)
Chương trình “Máy tính cũ - Tri thức mới” là hoạt động tiêu biểu trong chiến dịch Mùa hè xanh của sinh viên Trường ĐH CNTT và đã trở thành “bộ nhận diện thương hiệu” của trường trên bản đồ phong trào thanh niên thành phố. Bằng cách quyên góp những linh kiện máy tính cũ và lắp ráp thành máy tính hoàn chỉnh, tới nay, sau 8 năm tổ chức, chương trình đã lắp ráp, trao tặng được 269 bộ máy tính, 20 phòng máy cho 7 địa phương, giúp người dân và học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa có máy tính để học, tiếp cận nguồn tri thức mới. Từ quy mô cấp trường bắt đầu từ năm 2008, chương trình được nâng cấp thành dự án cấp thành phố và được các trường ĐH khác nhân rộng ra khu vực miền Trung.
Đường chạy nghị lực VNU Will Run (2017)
“Đường chạy nghị lực VNU Will run” là cái tên trẻ nhất “gia nhập” vào “bộ sưu tập” các công trình đạt giải thưởng Hồ Hảo Hớn của Đoàn ĐHQG-HCM. Chương trình lấy ý tưởng từ hình thức gây quỹ cộng đồng crowdfunding với mục đích gây quỹ học bổng nghị lực “Will Foundation” hỗ trợ những tấm gương học sinh, sinh viên giàu nghị lực, vươn lên trong cuộc sống. Qua hai lần tổ chức, chương trình đã vận động hơn 600 triệu đồng cho quỹ học bỗng, trao 80 suất học bổng cho sinh viên. Mỗi tấm gương nghị lực được vinh danh là một minh chứng sống động cho slogan “Ở đâu có nghị lực, ở đó có lối đi” của chương trình.
“Đường chạy nghị lực VNU Will run” đã góp phần giúp các bạn sinh viên vượt qua chính mình, vươn lên để trở thành những người có ích cho cộng đồng, gia đình và xã hội. Chương trình không chỉ gây quỹ học bổng mà còn nhằm phát động phong trào rèn luyện thể lực cho toàn thể học sinh, sinh viên, cán bộ giảng viên trong ĐHQG-HCM.
Giải thưởng Hồ Hảo Hớn
Giải thưởng Hồ Hảo Hớn của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TP.HCM do Ban Thường vụ Thành Đoàn TP.HCM quyết định thành lập nhằm tặng thưởng cá nhân và tập thể cán bộ đoàn viên có sáng kiến, dự án áp dụng thành công vào thực tiễn hoặc có đề tài nghiên cứu về công tác thanh niên đóng góp cho sự phát triển của tổ chức Đoàn. Giải thưởng được trao định kỳ hằng năm vào đợt kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Lần thứ nhất Giải thưởng được trao vào dịp 26/3/2002.
NGUYỄN NHỰT THÔNG
Hãy là người bình luận đầu tiên