TS Phạm Hy Hiếu, cựu học sinh Trường Phổ thông Năng Khiếu, thành viên kỹ thuật tại xAI (Hoa Kỳ), là một trong 16 nhà khoa học đầu tiên được Hội đồng tư vấn Chương trình Giáo sư Thỉnh Giảng ĐHQG-HCM thông qua ngày 21/4/2025.
Với khả năng chuyên môn cao trong lĩnh vực học máy và ngôn ngữ học tính toán cùng với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới như xAI, Google Brain và Carnegie Mellon, TS Hiếu đã có những chia sẻ thú vị về những mong muốn, đóng góp của mình cho sự phát triển của ĐHQG-HCM thông qua chương trình Giáo sư thỉnh giảng.

*Xin chào TS Phạm Hy Hiếu! Anh có thể chia sẻ lý do đã thôi thúc anh nhận lời mời tham gia Chương trình Giáo sư thỉnh giảng của ĐHQG-HCM, dù hiện anh đã và đang làm việc ở các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới?
- Tôi là cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu. Sau 15 năm tốt nghiệp, tôi vẫn thường gặp lại thầy cô và bạn bè cũ. Việc duy trì các mối quan hệ này khiến tôi luôn nghĩ về mái trường thân thương. Nhiều lần tôi tự hỏi, liệu mình có thể làm điều gì đó để đóng góp cho trường, nơi đã chắp cánh cho ước mơ tuổi trẻ nhưng mãi vẫn chưa nghĩ ra cách nào thật sự ý nghĩa.
Vào tháng 12/2024, tôi có dịp về TP.HCM nghỉ ngơi và được thầy Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu tạo điều kiện cho gặp thầy Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐHQG-HCM-PV). Chúng tôi đã có một bữa ăn tối thân mật và trong dịp này thầy Quân đã chia sẻ về mục tiêu của chương trình Giáo sư thỉnh giảng. Tôi thấy chương trình sẽ tạo điều kiện rất tuyệt vời để mình đóng góp cho trường.
*Cụ thể hơn, anh đánh giá như thế nào về Chương trình Giáo sư thỉnh giảng tại ĐHQG-HCM?
- Giáo sư thỉnh giảng là một vị trí thú vị trong giới hàn lâm. Vị trí này tạo điều kiện cho nhiều người có thể đóng góp cho các trường đại học, mà không tạo ra các ràng buộc khó khăn như là phải gây quỹ nghiên cứu hay phải tham gia giảng dạy.
Riêng chương trình Giáo sư thỉnh giảng của ĐHQG-HCM còn cho phép các giáo sư thỉnh giảng cộng tác trong khi sống và làm việc ở nước ngoài. Tôi nghĩ sự linh hoạt này sẽ thu hút nhiều nhà khoa học ở nước ngoài tham gia chương trình, qua đó tạo nên nhiều đóng góp cho ĐHQG-HCM.
*Anh kỳ vọng sẽ mang đến điều gì mới mẻ cho sinh viên và môi trường nghiên cứu tại ĐHQG-HCM trong vai trò Giáo sư thỉnh giảng?
- Chuyên ngành của tôi là kiến trúc và phần cứng AI. Nếu được trở thành giáo sư thỉnh giảng ở ĐHQG-HCM, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc của mình với các bạn giảng viên, sinh viên của trường, cũng như lắng nghe từ họ những vấn đề thực tiễn trong môi trường AI của Việt Nam. Cụ thể, tôi có 2 mục tiêu chính:
Một là tạo điều kiện cho các bạn sinh viên ĐHQG-HCM được tiếp xúc với các hướng nghiên cứu mới nhất và mang tính thực tiễn nhất trong AI. Như chúng ta biết, nghiên cứu AI đòi hỏi lượng vốn đầu tư cực kỳ lớn. Lấy ví dụ, một cỗ máy gồm 8 chip AI hiện đại vào năm 2025 được bán với giá 500 nghìn USD và thường thì chúng ta cần vài...chục nghìn cỗ máy như vậy mới có thể tạo ra được một AI như DeepSeek. Không chỉ có các đơn vị giáo dục ở Việt Nam - như ĐHQG-HCM - mà các học viện lớn trên thế giới như Cambridge, Stanford, hay MIT, cũng chẳng có cách nào tiếp xúc được với nguồn vốn này. Vậy làm sao để chúng ta tham gia vào các hướng nghiên cứu này?
Câu trả lời của tôi là chúng ta phải nhìn ra được cách để thực hiện các nghiên cứu ở mức độ nhỏ hơn nhưng phải nhìn thật kỹ để đảm bảo rằng những quan sát và đóng góp của chúng ta ở mức độ nhỏ vẫn có giá trị ở mức độ lớn. Tôi muốn chia sẻ với các bạn ở ĐHQG-HCM cách để phát hiện ra những nghiên cứu ở mức độ nhỏ như vậy và hướng dẫn các bạn thực hiện một vài nghiên cứu theo hướng đó.
Hai là, tôi muốn tìm hiểu xem các nghiên cứu về AI ở ĐHQG-HCM thường gặp phải các khó khăn, thử thách nào. Các bạn thiếu vốn đầu tư, thiếu đầu ra cho các nghiên cứu, hay là thiếu định hướng, hay là một tổ hợp các vấn đề trên, hay cái gì khác? Thông qua việc tìm hiểu các vấn đề này, kết hợp với chuyên môn của mình, tôi muốn giúp việc nghiên cứu AI ở ĐHQG-HCM phát triển hơn.
Xin cảm ơn TS Phạm Hy Hiếu!
TS Phạm Hy Hiếu là một nhà khoa học có chuyên môn cao trong lĩnh vực học máy và ngôn ngữ học tính toán. Anh nhận bằng Tiến sĩ (PhD) ngành Học máy và Ngôn ngữ học tính toán tại Đại học Carnegie Mellon (2017–2021) (Hoa Kỳ), nơi anh là sinh viên đầu tiên được Google Brain tài trợ toàn bộ học phí và hạ tầng tính toán. Trước đó, TS Hiếu tốt nghiệp loại Giỏi ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Stanford (2011–2015) (Hoa Kỳ) và được trao Giải thưởng Ben Wegbreit dành cho luận văn danh dự xuất sắc nhất. Về kinh nghiệm làm việc, TS Hiếu hiện là thành viên kỹ thuật tại xAI (từ tháng 8/2024). Tại đây, anh tham gia tối ưu hóa nhân attention cho mô hình Grok-3. Trước đó, anh từng là nhà nghiên cứu tại Công ty Augment Computing (3/2023–7/2024), góp phần quan trọng đưa công ty từ giai đoạn khởi nghiệp đạt mức định giá 1 tỷ đô la Mỹ. Anh cũng từng công tác tại Google Brain (4/2020–3/2023) với vai trò nhà nghiên cứu, đồng thời giữ vị trí Phó Giáo sư kiêm nhiệm tại Khoa Kỹ thuật Điện, Đại học Quốc gia Singapore (4/2021–3/2023). |
ĐOÀN CHÂU
Hãy là người bình luận đầu tiên