Tin tổng hợp

Tiếp bước trăm năm: Đưa cải lương đến gần giới trẻ

  • 17/01/2020
  • Năm 2018, giới nghệ sĩ cải lương Việt Nam kỷ niệm 100 năm loại hình nghệ thuật này khai sinh, trở thành một phần hồn cốt dân tộc. Nhưng sau trăm năm, lớp nghệ sĩ hậu sinh còn trụ nghề đều nhận ra, sân khấu cải lương đang chờ những người trẻ tiếp bước. Điều này đã được TS Đào Lê Na - Trưởng Bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM chia sẻ qua dự án Tiếp bước trăm năm.

    Một phân cảnh trong vở Vai diễn đầu đời diễn tại Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: BTC

    Đây là dự án truyền dạy cải lương miễn phí cho trẻ em và thanh thiếu niên. Dự án hoạt động được một năm với những thăng trầm lẫn vinh quang qua sản phẩm đầu tiên -  vở diễn Vai diễn đầu đời cùng quyển Catalogue với những kiến thức cơ bản về cải lương gửi tặng giới mộ điệu.

    Vai diễn đầu đời

    Vở diễn Vai diễn đầu đời do TS Đào Lê Na và anh Bùi Thiên Huân - cựu sinh viên Khoa Văn Học - viết kịch bản, NSND Bạch Tuyết chuyển soạn cải lương và NSƯT Huỳnh Khải làm cố vấn âm nhạc. Lấy bối cảnh hiện đại về trí tuệ nhân tạo, vở cải lương muốn nói lên tiếng lòng của người trẻ về những vấn đề thời đại. Đồng thời, Vai diễn đầu đời còn là “vở lồng trong vở” khi nội dung lồng ghép, tái hiện lại hai trích đoạn cải lương nổi tiếng Nửa đời hương phấn của hai cố soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng và Hoàng hậu của hai vua của soạn giả Lê Duy Hạnh. Vở diễn là sản phẩm của lớp học trải nghiệm cải lương - một trải nghiệm đáng quý của người trẻ yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Họ được đứng trên sân khấu, học bài bản và biểu diễn bằng chính khả năng của mình. Những vai diễn trong Vở diễn đầu đời đều được cô Lê Na và anh Thiên Huân “đo ni đóng giày” cho các bạn.

    “Trên sân khấu, các bạn nhường mic cho nhau khi có người gặp sự cố. Các bạn chỉnh cho nhau từng chiếc cúc áo sau cánh gà, nhắc thoại nhau khi phát hiện bạn mình quên. Các bạn trong lớp thưởng thức cải lương còn tình nguyện làm cảnh trí, hậu đài cho vở diễn. Dù đã bỏ tiền mua vé nhưng người thì ngồi trên trần thả hoa phượng, người ngồi cánh gà đợi nhiệm vụ” -  TS Đào Lê Na nhớ lại.

    Lê Nhung - một học viên đặc biệt của lớp học trải nghiệm cải lương, kể rằng khi biết dự án của cô Lê Na trên Facebook, bạn không dám xin vào học vì không biết người khiếm thị có được học hay không. Cô Lê Na chẳng những đồng ý mà còn rất nhiệt tình với cô học viên đặc biệt này.

    “Mỗi chiều mình đến trường là cô xuống tận cổng dẫn mình lên học. Khó khăn nhiều nhất đối với mình đó là diễn xuất. Bởi vì mình không nhìn thấy cô chú nghệ sĩ diễn như thế nào nên không thể diễn theo được. Nhưng nhờ thầy cô tận tình cầm tay chỉ từng động tác nhỏ, ánh mắt thế nào, gương mặt ra sao thì mình mới có thể tưởng tượng và làm theo được” - Nhung chia sẻ.

    Nếu lớp học trải nghiệm có Vai diễn đầu đời là đứa con tinh thần thì lớp học thưởng thức cải lương có quyển catalogue về lịch sử hình thành, các bài bản cổ, các soạn giả tiêu biểu, các nghệ sĩ tiêu biểu và giải thưởng Thanh Tâm... là dấu ấn. Toàn bộ thiết kế, biên soạn catalogue đều do các bạn học viên cùng làm dù đang trong mùa thi ngập tràn bài vở.

    Anh Nguyễn Trọng Phúc - giáo viên Trường THPT Nhân Việt - người tham gia cả phần nội dung và thiết kế quyển catalogue này, cho biết đây là sản phẩm của một tập thể. Tất cả đã ngồi lại để thực hiện cuốn catalogue như một sản phẩm nhỏ - kết tinh từ tình yêu của những con người vì văn hóa dân tộc.

    “Nếu trước kia, những điều mình biết về cải lương là góp nhặt, lượm lặt từ nhiều nguồn khác nhau... thì hiện tại, mình đã biết chọn lọc nguồn tin, biết đâu là nhận định đúng, hay chưa chính xác về cải lương. Mình biết được nguồn gốc, sự hình thành và cả sự liên đới của cải lương với các bộ môn nghệ thuật dân gian khác (hát bội, đờn ca tài tử). Biết thế nào là ‘chân phương’, là ‘hoa lá’ trong cách biểu diễn. Biết đánh giá sơ lược về diễn xuất của các nghệ sĩ” - anh Trọng Phúc thổ lộ.

    Sau vở diễn, TS Đào Lê Na cho biết: “Vở diễn vừa là vai diễn đầu đời của các bạn học viên vừa là vở cải lương đầu đời của mình và Bùi Thiên Huân. Mình thấy bạn rơi nước mắt, nhiều khán giả rơi nước mắt. Vở diễn kết thúc nhưng không ai muốn về. Mọi người cứ nán lại ngắm nhìn các bạn, những con người rất trẻ, rất yêu cải lương và muốn truyền tình yêu ấy đến những người trẻ”.

    TS Đào Lê Na cho biết thêm, dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh và Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, Vai diễn đầu đời sẽ biểu diễn hoàn toàn miễn phí tại các trường ĐH và THPT trên địa bàn TP.HCM trong tháng 12 sắp tới.

    NSƯT Huỳnh Khải (thứ 2 từ phải sang) với các bạn trẻ. Ảnh: NGUYỄN NHUNG

    Những bước chuyển mình

    Với những nỗ lực để hòa vào môi trường xã hội mới, cải lương đã phần nào tạo nên sự hứng thú đối với các bạn trẻ. Phan Hải, học viên của dự án Tiếp bước trăm năm và là một trong những bạn tham gia vở diễn tổng kết Vai diễn đầu đời, chia sẻ: “Em nghĩ bây giờ còn nhiều bạn trẻ mê cải lương lắm. Bởi khi diễn Vai diễn đầu đời có rất nhiều khán giả là học sinh, sinh viên đến mua vé. Có bạn đã tâm sự với em là trước giờ chưa bao giờ xem hết một tuồng cải lương mà bây giờ xem trọn vẹn một tuồng mà không buồn ngủ gì hết”.

    Trong thời đại ngày nay, cùng với sự cạnh tranh của các loại hình giải trí mới, nghệ thuật sân khấu cải lương cần có những bước chuyển mình để có thể thích nghi và tồn tại. Vấn đề quan trọng của cải lương trong thời đại mới không phải là làm thế nào để quay lại thời hoàng kim mà là sự chuyển mình để thích nghi. NSƯT Huỳnh Khải - Giảng viên Nhạc viện TP.HCM, nhận xét: “Đối với tôi, việc phát huy cải lương và đưa nó trở về thời hoàng kim là điều không nên làm và không thể làm được. Nghệ thuật sân khấu cải lương phải để cho nó sống qua một cái thời khác, một dạng thức khác”.

    Ông cho rằng cải lương cần cải biến nội dung, cốt truyện và cấu trúc để phù hợp với phát thanh, truyền hình và mạng Internet. “Cải lương nó phải thay đổi cái hình dạng khác, thay đổi cái hình thức biểu diễn khác, không thể quay y hệt cái sân khấu mà chiếu lên đây được. Nghệ sĩ phải hát cách nào tốc độ, nhịp độ nhanh lên, bài bản ngắn gọn, diễn xuất nhanh, cô đọng lại” - NSƯT Huỳnh Khải khẳng định.

    Theo TS Đào Lê Na, ngay từ đầu cải lương đã là sự kết hợp giữa sân khấu tuồng của dân tộc và kịch nói phương Tây. Tư tưởng cách tân, biến đổi âm nhạc truyền thống vốn đã tồn tại trong quan điểm của những nghệ sĩ xưa. Vì lẽ đó, xét về bản chất và lịch sử ra đời trong 100 năm, cải lương thật sự không phải là một loại hình quá cũ kĩ mà ngược lại, nó hoàn toàn đi cùng với nhịp bước của dân tộc.

    “Mình cứ nghĩ cải lương nó là cái gì nó cũ lắm, nó cổ lắm nhưng hóa ra nó mang hơi thở thời đại, nó chính là bối cảnh mà mình đang sống và thay vì mình nói, mình đóng phim thì mình hát lên cái mà mình đang sống thôi” - TS Đào Lê Na bày tỏ.  

    Lê Nhung - học viên khiếm thị trong vai người mẹ (ngồi xe lăn) trong Vai diễn đầu đời. Ảnh: BTC

    TS Đào Lê Na cho rằng, vì lẽ đó sân khấu cải lương hôm nay phải nói lên được những vấn đề của thời đại, đề cập những điều mà giới trẻ quan tâm và là một phương tiện để họ thể hiện nhu cầu phát ngôn của mình. Ngay trong phần nội dung, cải lương cần có những sự thay đổi để phù hợp hơn với môi trường xã hội mới. Chỉ như thế cải lương mới có thể tiếp cận với lớp công chúng trẻ, hiện đại và năng động.

    Về mặt hình thức, cải lương cũng cần có những thay đổi nhất định. Theo NSƯT Huỳnh Khải, ngôn từ dùng trong cải lương hiện đại nên gần gũi với ngôn ngữ thường nhật của giới trẻ. Những từ trước giờ ít dùng trong cải lương, nhưng được dùng nhiều trong đời sống thì nên đưa vào để tạo cho cải lương một diện mạo thân thuộc với khán giả. Bên cạnh đó, trang phục, quần áo phải hợp thời. Đặc biệt là âm nhạc cũng phải đổi mới. Có thể đưa vào cải lương các thể loại âm nhạc đang thịnh hành trong giới trẻ nếu cần thiết, nhưng phải thật hợp lý và không quá gượng ép.

    NGUYỄN NHUNG - NGỌC THẢO - HOÀNG GIANG