Tin tức - Sự kiện

Ảnh hưởng của văn học Pháp đối với sự phát triển của truyện ngắn Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến 1945 - NCS. Trần Thị Bảo Giang

  • 24/11/2021
  • Tên đề tài: Ảnh hưởng của văn học Pháp đối với sự phát triển của truyện ngắn Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến 1945
    Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
    Mã số: 9222021
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Bảo Giang
    Người hướng dẫn khoa học: 1. GS.TS. Huỳnh Như Phương - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2. TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Trường Đại học Đà Lạt
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    + Tóm tắt nội dung luận án 
    Nghiên cứu Ảnh hưởng của văn học Pháp đối với sự phát triển của truyện ngắn Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến 1945, luận án tập trung vào hai khía cạnh chính: Những ảnh hưởng của văn học Pháp đối với sự phát triển của truyện ngắn Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến 1945 và quá trình hiện đại hóa thể loại này trong đời sống văn học Việt Nam. 
    Vận dụng kết hợp các hướng tiếp cận nghiên cứu chuyên ngành lẫn liên ngành, tổng hợp nhóm các phương pháp tổng quan lẫn cụ thể, chúng tôi đã tìm hiểu và luận giải những tác động của văn học Pháp đối với sự phát triển của thể loại truyện ngắn Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến 1945 ở một số bình diện như quan niệm về văn học, về con người, về phương diện nghệ thuật đồng thời khẳng định những bước phát triển giá trị trong quá trình hiện đại hóa của truyện ngắn Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến 1945 cũng như góp phần khái quát quy luật hiện đại hóa của văn học dân tộc.
    + Những kết quả của luận án
    1. Luận án góp phần nhìn nhận một cách bao quát về mối quan hệ giữa văn học Pháp và văn học Việt Nam trước 1945, cụ thể hơn là những ảnh hưởng của văn học Pháp đến sự vận động và phát triển của truyện ngắn Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến 1945. 
    2. Luận án tập trung tìm hiểu và luận giải những tác động của văn học Pháp đối với sự phát triển của thể loại truyện ngắn Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến 1945 ở một số bình diện như quan niệm về văn học với những khuynh hướng mới trong sáng tác cũng như tiếp nhận; quan niệm về con người cùng những dạng thức con người ngày càng đa dạng, phong phú; ở phương diện nghệ thuật là những thay đổi về cách thức lựa chọn chủ đề, xây dựng cốt truyện, kết cấu cũng như sự đa dạng về thi pháp nhân vật và các phương thức tổ chức trần thuật khác.
    3. Luận án có thể được xem như một trong những hoạt động tổng kết quá trình hiện đại hóa của truyện ngắn Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến 1945. Rộng hơn, dưới hình thức một nghiên cứu có tính chất văn học sử về thể loại, luận án đã tập trung mô tả con đường hiện đại hóa của văn học dân tộc thông qua quá trình giao lưu với văn học thế giới dựa trên việc khảo sát một thể loại cụ thể là truyện ngắn. Do đó, luận án có những đóng góp nhất định ở cả hai khía cạnh lý thuyết và thực tiễn. 
    4. Luận án cũng bước đầu phác họa quy luật vận động và quá trình phát triển của một nền văn hóa nói chung, một nền văn học nói riêng từ việc thu nhận những ảnh hưởng và chuyển hóa chúng, đây cũng chính là một trong số những lĩnh vực trọng yếu trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.  
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn của luận án 
    Với những kết quả khoa học trên đây, luận án có khả năng ứng dụng thực tiễn như sau:
    (1) Tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy các học phần liên quan đến Văn học Việt Nam giai đoạn 1900 – 1945, Văn học phương Tây, Văn học Pháp ở bậc đại học, chuyên ngành văn học;
    (2) Tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên cao học chuyên ngành văn học Việt Nam. 

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên