Tin tổng hợp

Cần đầu tư hơn nữa cho ĐHQG-HCM

  • 30/09/2020
  • Tại tọa đàm “An cư lạc nghiệp ở đô thị sáng tạo” do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM chiều 29/9, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng cần ưu tiên đầu tư cho ĐHQG-HCM nhiều hơn nữa để hệ thống đại học này trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao như TP.HCM xác định trong đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông.

    PGS.TS Vũ Hải Quân trao đổi tại tọa đàm.

    Phát biểu mở đầu tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân - Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG-HCM, cho biết một trong những mục tiêu của ĐHQG-HCM trong giai đoạn 2020-2025 là trở thành hạt nhân cho khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM trên cơ sở trở hình thành khu đô thị xanh, thông minh và thân thiện.

    “Trên thực tế, ĐHQG-HCM từ lâu đã là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Hằng năm, ĐHQG-HCM đóng góp khoảng 60.000 cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ tính riêng từ năm 2016 đến nay” - PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết.

    Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, hiện nay ĐHQG-HCM có khoảng 6.000 cán bộ, giảng viên làm việc đồng thời hơn 60.000 sinh viên theo học, với 35.000 sinh viên đang lưu trú tại 2 khu ký túc xá A và B. Nếu cộng với số người lao động tại các trường lân cận như Trường ĐH Thể dục Thể thao, Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật sẽ có khoảng 10.000 người. Do đó, ông Quân cho rằng nhu cầu an cư trong viễn cảnh Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố được hình thành là rất lớn.

    “Tôi cho rằng muốn có được đô thị sáng tạo thì người dân ở thành phố này, trước hết là các thầy cô, giảng viên cần có chỗ ở ổn định” - PGS.TS Vũ Hải Quân nhận định.

    Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Giảng viên cấp cao Khoa Đô thị học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM, cho rằng an cư lạc nghiệp là một trong những động lực tác động đến sự vận động và phát triển của thành phố mới.

    “Nếu có khu ở lâu dài cho các nhà khoa học và gia đình cũng như các chuyên gia nước ngoài khi làm việc dài hạn tại đây thì nó sẽ đặt ở đâu? Trong khuôn viên hay bên ngoài? Quỹ đất, tính chất pháp lý, nguồn vốn để giải quyết vấn đề này được tính ra sao?” - PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đặt vấn đề.

    Ông Hòa còn lưu ý, việc đầu tư cho ĐHQG-HCM vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng của hệ thống đại học này. Ông nhận định: “ĐHQG-HCM hiện nay vẫn còn nặng về dạy và học. Làm thế nào để ĐHQG-HCM chuyển hướng mạnh mẽ hơn về nghiên cứu - chế tạo - thử-thực nghiệm, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm. Trên thực tế, các đơn vị có khả năng nghiên cứu ứng dụng - thương mại hóa sản phẩm chưa nhiều, chưa mạnh ngoài một số đơn vị như Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Viện Môi trường - Tài nguyên, Khu Công nghệ Phần mềm… Do đó, ĐHQG-HCM cần được ưu tiên đầu tư hơn nữa, đặc biệt là nhận được sự hỗ trợ từ TP.HCM”.

    Ông Lê Hoàn Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết ông từng đến thăm đôi vợ chồng tiến sĩ trẻ ở trong một căn nhà xã hội khoảng 35m2 với con của họ, “nhìn họ giống những công nhân hơn là trí thức với điều kiện sống như vậy”.

    “Tôi rất trăn trở khi những trí thức, những ‘cổ máy cái’ đào tạo nguồn nhân lực cho chúng ta lại phải ở trong những căn nhà với điều kiện vật chất như vậy. Chúng tôi từng đề xuất với Bộ Xây dựng khi góp ý về sửa đổi Luật nhà ở cần có những cơ chế về nhà ở thương mại giá thấp để việc phát triển Khu đô thị tương tác cao phía Đông thành phố đáp ứng được vấn đề an cư cho cả dân địa phương lẫn các giảng viên, nhà nghiên cứu làm việc tại đây” - ông Lê Hoàn Châu trao đổi.

    Tin, ảnh: PHIÊN AN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên