Tin tổng hợp

ĐHQG-HCM làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

  • 10/01/2024
  • Chiều 10/1, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với ĐHQG-HCM. Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, dẫn đầu đoàn làm việc.

    Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, phát biểu tại buổi làm việc với ĐHQG-HCM.

    PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM, TS Lê Thị Anh Trâm - Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ ĐHQG-HCM, tham gia buổi làm việc và trao đổi, thảo luận với Đoàn giám sát.

    Chương trình làm việc được triển khai theo Công văn số 616/ĐĐBQH-VP ngày 29/12/2023 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 trên địa bàn TP.HCM”.

    TS Lê Thị Anh Trâm - Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ ĐHQG-HCM, cho biết ĐHQG-HCM là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam, trong đó có 7 trường đại học thành viên, 1 viện nghiên cứu khoa học thành viên, 2 khoa trực thuộc, 1 Phân hiệu ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre và hơn 20 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện, các tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ. ĐHQG-HCM hiện có hơn 6.200 viên chức, bao gồm hơn 1.500 viên chức có trình độ tiến sĩ (trong đó có gần 400 giáo sư và phó giáo sư), khoảng 2.500 viên chức có trình độ thạc sĩ.

    Việc hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ  đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được ĐHQG-HCM chú trọng và thực hiện đồng bộ trong toàn hệ thống. Tính đến ngày 31/12/2023, ĐHQG-HCM đã giao quyền tự chủ cho 34 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền ĐHQG-HCM quản lý. Trong đó, có 21 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và 13 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.

    ĐHQG-HCM đã nêu đánh giá chung về những thuận lợi và khó khăn trong giai đoạn 2018-2023, đồng thời đề xuất một số kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bình Dương. 

    Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả mà ĐHQG-HCM đạt được trong giai đoạn 2018-2023, cũng như những khó khăn, vướng mắc được thảo luận tại buổi làm việc.

    TS Lê Thị Anh Trâm - Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ ĐHQG-HCM, trình bày báo cáo về ĐHQG-HCM giai đoạn 2018-2023.

    Tin, ảnh: LÊ HOÀI

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên