Chiều 25/4/2025, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM phối hợp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “50 năm thống nhất đất nước - Hành trình hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, nhà khoa học uy tín với hơn 130 tham luận gửi đến Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM; GS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM; GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG Hà Nội cùng các chuyên gia, học giả, nhà khoa học uy tín trong nhiều lĩnh vực.

Phát biểu định hướng tại Hội thảo, GS.TS Ngô Thị Phương Lan nhấn mạnh: “Hội thảo là dịp để nhìn lại quá khứ, đánh giá thực trạng, trao đổi, chia sẻ kiến tạo tương lai. Đặc biệt hơn là khơi gợi lòng tự hào đối với thế hệ trẻ để tiếp tục sự nghiệp của cha ông, truyền cảm hứng xây dựng đất nước, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, một Việt Nam hùng cường và phát triển”. Hội thảo cũng là một sự kiện đặc biệt khi lần đầu tiên 2 đơn vị đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu cả nước thuộc 2 Đại học quốc gia của Việt Nam đồng tổ chức, liên quan đến chủ đề 50 năm thống nhất đất nước, trong khí thế hào hùng của đại lễ 30/4”.
Hội thảo đã lắng nghe các tham luận có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đa chiều làm rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của đại thắng mùa Xuân năm 1975 đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) cùng TS Lê Văn Phong (Viện sử học) đem đến góc nhìn đầy cảm xúc, phân tích sức mạnh, tinh thần và khát vọng hòa bình của dân tộc qua tham luận “Đại thắng mùa xuân 1975: Sức mạnh của ý chí độc lập, thống nhất và khát vọng hòa bình, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam”.
GS.TS Nguyễn Văn Kim (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia) lý giải vì sao Việt Nam mặc dù phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, thậm chí phải chịu hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc nhưng dân tộc Việt Nam vẫn phục hưng được nền độc lập dân tộc.
Từ góc nhìn chiến lược - quân sự, TS Lê Hữu Phước (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM) trình bày tham luận Sức mạnh “một ngày bằng 20 năm” mùa Xuân 1975. Theo ông Phước, chiến thắng ngày 30/04 đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa quân sự, chính trị và ngoại giao, là bước ngoặt chiến lược giúp Việt Nam tái định vị vị thế trên trường quốc tế.
Qua tham luận “Giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc - Quyết tâm chiến lược của cả dân tộc”, Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) nhấn mạnh tinh thần “giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc” như một quyết tâm chiến lược mang tính toàn dân tộc.
Trong khi đó, TS Đào Ngọc Anh (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho thấy vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong xây dựng đất nước suốt 50 năm qua. Còn PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn, trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam sau thống nhất cũng như những điểm sáng và thách thức của mô hình phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung làm rõ các nội dung: ý nghĩa lịch sử, thời đại của chiến thắng 30/4/1975 đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong 50 năm qua; những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội sau 50 năm thống nhất đất nước cũng như cơ hội, triển vọng, giải pháp và nguồn lực để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Kết thúc Hội thảo, GS.TS Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội khẳng định: “Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là sự kiện lịch sử trọng đại, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ; thể hiện sức mạnh, sự đoàn kết, sự lãnh đạo của Đảng và khát vọng hòa bình của toàn dân tộc; mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất và phát triển đất nước. Theo ông Thắng, trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, việc hoạch định chiến lược, ban hành chính sách hiệu quả và huy động đúng – đủ các nguồn lực phát triển sẽ là điều kiện tiên quyết để Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới – một kỷ nguyên phát triển toàn diện, bền vững và thấm đẫm tinh thần nhân văn”.

Từ Hội thảo, GS.TS Lại Quốc Khánh cũng gửi gắm tới thế hệ trẻ bài học về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm và trân trọng những giá trị hòa bình, đồng thời, kêu gọi thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống, học tập, sáng tạo và cống hiến vì sự phát triển bền vững của đất nước.
MẠNH QUANG
Hãy là người bình luận đầu tiên