Hoạt động xã hội

Toàn cảnh phòng chống dịch COVID-19 tại ĐHQG-HCM (21/3)

  • 21/03/2020
  • Từ ngày 18/3 đến nay, ĐHQG-HCM đã hỗ trợ hơn 4.200 chỗ ở cách ly phòng dịch cho TP.HCM. Đây chính là  sứ mệnh phục vụ cộng đồng - một trong những giá trị cốt lõi mà ĐHQG-HCM cam kết thực hiện cũng như quyết tâm chống dịch COVID-19 - điều mà PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM đã khẳng định trước đó.

    Hỗ trợ TP.HCM các khu cách ly tập trung

    Sáng 19/3, trong phiên họp với lãnh đạo ĐHQG-HCM, lãnh đạo TP.HCM chính thức đề nghị ĐHQG-HCM làm tốt công tác chuẩn bị để sử dụng Ký túc xá Khu A của ĐHQG-HCM làm khu cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19. Trước đó, ý tưởng về việc sử dụng Ký túc xá ĐHQG-HCM làm khu cách ly tập trung đã được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị với lãnh đạo ĐHQG-HCM tại cuộc họp khẩn với các sở, ngành vào ngày 29/2.

    Ngay sau phiên họp, lãnh đạo ĐHQG-HCM đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG-HCM chuẩn bị mọi công việc cần thiết để thực hiện phương án của TP.HCM.

    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh: “Để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà cần có sự chung tay góp sức của toàn dân và toàn hệ thống chính trị. ĐHQG-HCM với vị thế và vai trò làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục Việt Nam, cùng sứ mệnh phục vụ cộng đồng, không đứng ngoài ‘cuộc chiến’ này. Trên tinh thần đó, chúng tôi ủng hộ phương án TP.HCM trưng dụng Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh và ký túc xá để làm nơi cách ly phòng chống dịch COVID-19”.

    Giám đốc ĐHQG-HCM cũng lưu ý, để thực hiện tốt phương án này, ĐHQG-HCM đã tính toán kỹ lưỡng để một mặt phục vụ thật tốt cho công tác cách ly, chữa bệnh, đồng thời đảm bảo tuyệt đối an toàn cộng đồng xung quanh. Theo đó, công tác chuẩn bị trang thiết bị kỹ thuật, hậu cần, dịch tễ, nhất là đội ngũ cán bộ y tế luôn được ĐHQG-HCM hết sức chú trọng.

    Chiều cùng ngày, Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG-HCM phối hợp các lực lượng tổ chức dọn đồ đạc sinh viên về quê chưa có mặt ở các tòa nhà khu A mở rộng để chuyển nơi này thành khu cách ly phòng dịch COVID-19 cho người dân về từ các vùng dịch.

    Theo ông Tăng Hữu Thủy - Giám đốc Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG-HCM, nhiều đồ đạc của sinh viên đang vắng mặt đã được ban quản lý đóng vào thùng giấy, đánh số phòng sau đó chuyển về tập trung tại một số phòng của mỗi tầng. Riêng các tủ quần áo sẽ được dán băng keo và dán niêm phong để bảo quản đồ đạc bên trong cho sinh viên. Các giấy niêm phong sẽ được ký tên người giám sát để chịu trách nhiệm.

    Việc thu dọn đồ đạc được lực lượng dân quân tự vệ thực hiện dưới sự giám sát của Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG-HCM. Đến chiều 20/3 đã không còn sinh viên nào ở khu vực Ký túc xá Khu A ĐHQG-HCM.

    Hoạt động thể thao tại khu cách ly Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh ĐHQG-HCM. Ảnh: Hảo Nguyễn

    Trong một diễn biến khác, sau một ngày đêm đón du học sinh, lao động, kiều bào… từ các vùng dịch trở về, đến khuya 18/3, Khu cách ly tập trung 1.000 giường (trưng dụng từ Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh của ĐHQG) đã gần như được “lấp đầy” với hơn 900 người.

    PGS.TS Nguyễn Đình Tứ - Chánh Văn phòng ĐHQG-HCM cho biết: “Tuy Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh của ĐHQG có thể đủ sức chứa vài nghìn chỗ ngủ nhưng do đây là nơi cách ly nên phải tuân thủ các điều kiện y tế, vệ sinh, an toàn nên chỉ sắp xếp khoảng 1.000 giường”.

    Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và tiếp tục thực hiện chủ trương của UBND TP.HCM, từ ngày 22/3, Ký túc xá sử dụng các tòa nhà khu B làm nơi cách ly tập trung. Theo Sở Y tế TP.HCM, sắp tới sẽ triển khai khu cách ly tại Ký túc xá ĐHQG-HCM với 20.000 giường. Cụm Ký túc xá này gồm 2 khu (A-B) với 47 tòa nhà ở khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM và Dĩ An, Bình Dương).

    Sáng 21/3, hơn 120 tình nguyện viên đã có mặt tại KTX Khu A ĐHQG-HCM dọn dẹp vật dụng, đồ đạc của sinh viên còn lại, chuyển đến các kho, kịp thời giúp ban quản lý KTX chuẩn bị cho khu cách ly phòng chống COVID-19 trong những ngày tới.

    Sản xuất sản phẩm phòng chống dịch COVID-19

    Từ đầu tháng 2/2020, ĐHQG-HCM đã tổ chức phiên họp về công tác phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp từ chủng mới của virus Corona.

    Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các trường thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHQG-HCM đã báo cáo về tình hình phòng chống dịch. Theo đó, các đơn vị đều chủ động thành lập ban phòng chống dịch, tuyên truyền, cung cấp thông tin về các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh, vệ sinh trường lớp, khử trùng phòng học, trang bị xà phòng cho sinh viên… Riêng Trường  ĐH Kinh tế Luật sẽ trang bị 3.000 khẩu trang cho sinh viên trong ngày đầu nhập học trở lại và sử dụng máy đo thân nhiệt ở cổng bảo vệ để kiểm soát thân nhiệt của sinh viên. KTX ĐHQG-HCM đã khử trùng 47 tòa nhà, lập các điểm rửa tay và đo thân nhiệt cho sinh viên từ bên ngoài.

    Từ những ngày đầu khi thông tin về dịch bệnh COVID-19 được các phương tiện truyền thông đại chúng đề cập, các đơn vị thành viên trong hệ thống ĐHQG-HCM đã nghiên cứu và sản xuất nhiều sản phẩm ứng phó với dịch bệnh này.

    Bộ môn Kỹ thuật Hoá hữu cơ - Khoa Kỹ thuật Hoá học, Trường ĐH Bách Khoa đã pha chế các loại gel rửa tay và xịt sát khuẩn phòng chống virus Corona dành cho cán bộ và sinh viên của trường. Gel pha chế gồm: Gel sát khuẩn nhanh và Xịt sát khuẩn nhanh giúp làm sạch và kháng khuẩn nhanh không dùng nước và sản phẩm Antibacterial Hand Wash (Rửa tay sát khuẩn) dùng để rửa sạch và kháng khuẩn tay với nước.

    Hiện nhóm nghiên cứu này đã pha chế trên 200 lít nước rửa tay để trang bị tại các vị trí trọng yếu của trường như: khu vực cầu thang các toà nhà, phòng họp, phòng tiếp khách…

    Nhiều trường thành viên của ĐHQG-HCM tham gia sản xuất dung dịch rửa tay.

    Nhóm nghiên cứu do Vũ Tấn Phát - Chủ nhiệm CLB Sáng tạo khởi nghiệp, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM sản xuất và tặng miễn phí hơn 10.000 chai dung dịch sát khuẩn cho cộng đồng. Đồng thời, nhóm của Phát còn chuyển giao công thức pha chế và tài trợ nguồn nano bạc cho các đơn vị có mong muốn sản xuất dung dịch sát khuẩn để phục vụ xã hội.

    Tại Trường ĐH Quốc Tế, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phạm Văn Hùng - Khoa Công nghệ Sinh đã nghiên cứu và sản xuất chai Pump thể tích 100ml, không có nano bạc. Trường ĐH An Giang sản xuất 10.000 chai nước rửa tay 100ml này có khả năng sát khuẩn lên đến 90%, đồng thời tạo lớp màng ẩm bảo vệ da nhờ thành phần Vitamin E và tinh dầu.

    Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, ĐHQG-HCM đã quyết định cho toàn bộ sinh viên nghỉ học đến hết tháng 3/2020, đồng thời chỉ đạo toàn hệ thống tiến hành tiêu độc khử trùng cơ sở vật chất; tổ chức tuyên truyền rộng rãi để mọi người hiểu, có thể tự bảo vệ mình cũng như cộng đồng. Trong thời gian này, các trường thành viên đều tổ chức lớp học trực tuyến cho sinh viên, đảm bảo tiến độ học tập của các em.

    ĐHQG-HCM cũng xúc tiến xây dựng một hệ thống cảnh báo trong toàn bộ khu Khu đô thị đại học thông qua nền tảng ứng dụng trên điện thoại di động. Hệ thống này bảo đảm rằng các sinh viên, giảng viên trong Khu đô thị sẽ được thông tin, cảnh báo sớm nhất về tình hình dịch bệnh, và các trường hợp đang bị nghi ngờ. Đồng thời, hệ thống này cũng tạo ra một công cụ để sinh viên, giảng viên, người lao động trong Khu đô thị có thể phát hiện, báo tin, phản ánh các thông tin cần thiết cho các cơ quan chức năng, có thẩm quyền của ĐHQG-HCM xử lý.

    Đặc biệt, ngày 18/3, Phòng thí nghiệm trọng điểm, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM cùng Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ  - Thành đoàn TP.HCM vừa chế tạo thành công và cho ra mắt buồng khử khuẩn toàn thân nhằm phòng chống dịch COVID-19.

    Buồng khử khuẩn toàn thân

    Buồng khử khuẩn được thiết kế cho phép khử khuẩn nhanh trong vòng 30 giây thông qua cảm biến phát hiện người và tự động phun cùng hệ thống phun siêu âm 360 không gây ướt, giúp khử khuẩn toàn bộ cơ thể. Dung dịch khử khuẩn Anloyte được nhóm sử dụng đã được pha chế và kiểm định yếu tố an toàn với người dùng. Theo nghiên cứu mới nhất của Viện khoa học Karolinska (Thụy Điển), dung dịch sát khuẩn Anolyte tiêu diệt được những biến thể của Coronavirus và các xét nghiệm trên COVID-19.

    Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tìm các đối tác để sản xuất đại trà, phục vụ người dân. Ước tính, buồng khử khuẩn sẽ được sản xuất quy mô công nghiệp có thể đáp ứng 100 buồng/tuần để phục vụ nhu cầu phòng dịch cấp bách của thành phố và các tỉnh phía Nam.

    Ngày 21/3 KTX ĐHQG-HCM đã huy động quyên góp thùng giấy để đóng gói đồ đạc của sinh viên, chuẩn bị phòng cách ly cho thành phố. Ảnh: Trần Nam

    Phòng Thông tin - Truyền thông ĐHQG-HCM thực hiện

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên