Tin tức - Sự kiện

Tri nhận không gian và hướng vận động trong tiếng Việt (đối chiếu với tiếng Anh) - NCS. Trần Văn Dương

  • 06/11/2019
  • Tên luận án: "Tri nhận không gian và hướng vận động trong tiếng Việt (đối chiếu với tiếng Anh)"

    Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh – đối chiếu
    Mã số: 62.22.01.10
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Văn Dương
    Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Tô Minh Thanh, PGS. TS. Lê Khắc Cường
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Trên cơ sở kế thừa những thành tựu nghiên cứu của các công trình đi trước, đặc biệt là các công trình của Talmy (2000), Tyler và Evans (2003), Levinson (2004) và Langacker (2008, 2009), luận án đã xây dựng một khung lý thuyết về ý niệm hóa và mã hóa không gian làm cơ sở để phân tích đối chiếu cách thức tri nhận không gian của người Việt và người bản ngữ Anh. Luận án đã khảo sát một cách hệ thống cách thức ý niệm hóa và mã hóa không gian qua nhóm từ định vị TRÊN – DƯỚI, TRONG – NGOÀI và nhóm từ chỉ hướng vận động LÊN – XUỐNG, RA – VÀO trong tiếng Việt đối chiếu với những hình thức biểu đạt tương đương trong tiếng Anh. 
    Kết quả nghiên cứu cho thấy (1) mạng lưới ý niệm không gian được hình thành theo cấu trúc phạm trù tỏa tia: xung quanh mỗi điển mẫu luôn hình thành những ý niệm với mức độ điển hình khác nhau; do vậy, các ý niệm không gian nhiều khi rất khác nhau nhưng lại thuộc về cùng một phạm trù theo những thang độ khác nhau và được mã hóa bằng cùng một biểu thức ngôn ngữ; (2) cách thức tri nhận không gian của mỗi cộng đồng ngôn ngữ vừa mang những nét phổ quát vừa mang những nét đặc thù văn hóa dân tộc. Cấu trúc ý niệm về định vị và định hướng không gian hình thành từ cách thức con người trải nghiệm và tương tác với thế giới vật lý khách quan; thế giới vật lý khách quan cung cấp nền tảng tri giác hay chất liệu thô cho hệ ý niệm.
    2. Những kết quả của luận án
    2.1. Nhóm từ định vị và nhóm từ chỉ hướng vận động trong tiếng Việt cùng với các hình thức biểu đạt tương đương trong tiếng Anh hình thành một ma trận (matrix). Các ý niệm định vị và hướng vận động thường gắn liền với những cách diễn giải theo những phối cảnh khác nhau, trên cơ sở điểm nhìn, điểm quy chiếu, yếu tố nổi trội, sự chú ý hoặc một yếu tố nào đó được đưa ra cận cảnh và những yếu tố khác bị đẩy lùi vào hậu cảnh. Điều đó dẫn đến những hiện tượng như khi G là địa danh HÀ NỘI, quan hệ giữa F và G có thể được mã hóa bằng TRÊN Hà Nội (theo phối cảnh TRÊN Hà Nội – DƯỚI Thái Bình), DƯỚI Hà Nội (TRÊN Lạng Sơn – DƯỚI Hà Nội), hoặc NGOÀI Hà Nội (TRONG Sài Gòn – NGOÀI Hà Nội).
    2.2. Quá trình ý niệm hóa và mã hóa quan hệ định vị và hướng vận động thường mang tính đa chiều kích. Cùng một sự tình trong thế giới khách quan đôi khi lại được ý niệm hóa và mã hóa theo những cách thức khác nhau, trên cơ sở các khung tri nhận khác nhau, hay nói cách khác, cùng một thực tại có thể thuộc về các khung ý niệm khác nhau và được mã hóa bằng những biểu thức ngôn ngữ khác nhau, như: TRÊN đất – DƯỚI đất hoặc TRONG sân – NGOÀI sân – DƯỚI sân.
    2.3. Nhóm từ chỉ không gian trong tiếng Việt và tiếng Anh đều có hiện tượng chuyển nghĩa theo cơ chế của ẩn dụ định hướng (orientational metaphor). Khi những khung mới xuất hiện, những đơn vị từ vựng này được chuyển vào những miền mới, tạo nên sự biến đổi về ngữ nghĩa. Những nghĩa mới (phi không gian) và khung của nghĩa mới được hình thành không phải mang tính võ đoán mà trên cơ sở các trải nghiệm của mỗi cộng đồng ngôn ngữ. 
    2.4. Ngôn ngữ học truyền thống cho rằng thế giới khách quan được đồ chiếu vào ngôn ngữ. Theo đó, mỗi tình huống khách quan có thể phân tách thành một số cấu phần và các cấu phần này được mã hóa vào cấu trúc ngôn ngữ theo nguyên tắc một-đối-một (one-to-one encoding). Tuy nhiên, kết quả khảo sát của luận án cho thấy không có sự đồ chiếu trực tiếp như thế vì một tình huống cụ thể có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau và có thể được mã hóa bằng những biểu thức ngôn ngữ tương phản nhau, như ‘đặt lên bàn’ và ‘đặt xuống bàn’ trong tiếng Việt, ‘put it on the table’ và ‘put it down on the table’ trong tiếng Anh.
    3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Từ những kết quả về phương diện lý luận và kết quả thống kê tần suất các phương án dịch ở 1.858 tình huống khác nhau, luận án đã đề xuất một số thủ pháp trong phân tích văn bản nhằm tháo gỡ những khó khăn khi dịch nhóm từ định vị và nhóm từ chỉ hướng vận động từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của người dịch là phân tích ngữ cảnh để nhận diện các ý niệm không gian được mã hóa trong văn bản gốc tiếng Việt, và tiếp theo là xác định xem trong cùng ngữ cảnh đó, người bản ngữ Anh tri nhận và biểu đạt như thế nào. 
    Các hướng vận động được mã hóa bằng hình thái đa hình vị (polymorphemic form) như up to, down to, up into, down into, up from, down from, out to, out into, out over, v.v. – phản ánh tính phức hợp của các ý niệm không gian được mã hóa trong các hình thái ngữ pháp – là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên