Tin tổng hợp

Văn hóa Hán hay văn hóa chữ Hán?

  • 08/11/2019
  • Đó là vấn đề được PGS.TS Đoàn Lê Giang - Trưởng khoa Khoa Việt Nam học thảo luận tại Hội thảo quốc tế “Việt Nam - Giao lưu văn hóa tư tưởng Đông Á” do Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức ngày 8/11.

    PGS.TS Đoàn Lê Giang phát biểu tại phiên toàn thể của hội thảo.

    PGS.TS Đoàn Lê Giang cho rằng vấn đề này được bàn tới khá nhiều trong các công trình nghiên cứu, bài viết hơn 20 năm nay ở Việt Nam với các tên gọi “vòng văn hóa chữ Hán”, “vùng văn hóa Hán”, “khu vực văn hóa đồng văn”… nhưng đến nay vẫn chưa có sự thống nhất trong học giới.

    Phân tích khái niệm “khu vực văn hóa chữ Hán”, PGS.TS Đoàn Lê Giang cho biết khái niệm này được các nhà Hán học người Nhật sử dụng từ thế kỷ XX với hai cách tiếp cận. Một là thiên về lịch sử, nhấn mạnh vào quan hệ sách phong giữa Trung Quốc và các nước lân cận, từ đó hình thành khu vực văn hóa chữ Hán. Hai là để chỉ khu vực gồm các nước sử dụng chữ Hán trong quá khứ, vừa chịu ảnh hưởng văn hóa Hán, vừa đấu tranh với văn hóa ấy, và gìn giữ, phát triển văn hóa của mình.

    Trong khi đó cách dùng “vòng văn hóa chữ Hán”, “vùng văn hóa chữ Hán”, “vòng văn hóa Hán”, “vùng văn hóa Hán ngữ”, “khu vực đồng văn”, “khu vực văn hóa Nho giáo”, “khu vực văn hóa Đông Á”… không thực sự xác đáng.

    Thảo luận về các khái niệm này, Trưởng khoa Khoa Việt Nam học cho rằng khái niệm “vùng văn hóa” thường dùng cho phạm vi địa phương trong một nước, còn “vòng văn hóa” “nghe rất lạ tai, khó hình dung”. Cách gọi “khu vực văn hóa Hán” vừa không chính xác vì khu vực này không chỉ có văn hóa Hán, vừa xúc phạm đến các nền văn hóa lớn trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam.

    Ông cũng cho biết dùng “khu vực văn hóa Nho giáo” là không ổn. Tuy Nhật, Hàn, Việt đều chịu ảnh hường sâu sắc Nho giáo, nhưng các quốc gia này đều tiếp thu tư tưởng Lão Trang/ Đạo giáo và Phật giáo Đại thừa. Đồng thời cách gọi “khu vực văn hóa Hán ngữ” là không đúng. Vì các nước trong khu vực không nhiều người học Hán ngữ/ tiếng Hán mà chủ yếu chỉ học chữ Hán, tức học cổ văn, cổ Hán ngữ với cách đọc riêng của từng nước là Hán Hòa (Nhật), Hán Hàn, Hán Việt…

    “Khi nghiên cứu văn hóa khu vực, không nên chỉ thấy đó là quá trình ‘Hán hóa’ mà còn là quá trình ‘giải Hán hóa’. Cả hai quá trình này cùng tồn tại mới tạo ra khu vực văn hóa này với nhiều quốc gia khá tương đồng nhưng cũng rất bản sắc. Nhờ quá trình ‘giải Hán hóa’ mà còn các nền văn hóa dân tộc Việt, Nhật, Hàn” - PGS.TS Đoàn Lê Giang nhấn mạnh.

    Hội thảo quốc tế “Việt Nam - Giao lưu văn hóa tư tưởng Đông Á” thu hút sự tham gia của nhiều học giả quốc tế đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Một số tham luận đặc sắc tại hội thảo như: Hồi âm từ phương Nam - Nhân đọc Tuyển tập truyện ngắn Trần Trường Khánh (GS Huỳnh Như Phương - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM), Gợi ý liên văn hóa của Husserl về sự đổi mới luân lý và tính hợp lý về lý luận: Một nhận định mới từ quan điểm Đông Á (GS Yu Chung-Chi - Trường ĐH Quốc lập Trung Sơn, Đài Loan); Nghiên cứu các truyện cổ Việt Nam và Hàn Quốc có đề tài xung đột anh chị em và văn hóa giao tiếp (PGS.TS Kwon Hyeok-rae, Hàn Quốc)…

    Tin, ảnh: PHIÊN AN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên