Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và sự phát triển nhanh chóng của xã hội, việc hoạch định và thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội phù hợp là điều hết sức quan trọng đối với từng địa phương cũng như cả quốc gia. Với vai trò là một trong những trung tâm giáo dục và nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam, Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) không chỉ đóng góp vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tham gia tích cực vào việc tư vấn chính sách cho các nhà hoạch định chính sách của địa phương.
ĐHQG-HCM với bề dày truyền thống và uy tín trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học đã trở thành một trung tâm tư vấn đáng tin cậy cho các chính sách kinh tế - xã hội. Các chuyên gia, giảng viên tại trường không chỉ ở cương vị giáo dục mà còn tham gia nghiên cứu và đóng góp ý kiến cho nhiều dự án, chương trình quan trọng của địa phương. Sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn trong nghiên cứu tại ĐHQG-HCM đã giúp tạo ra những khuyến nghị hợp lý, khả thi và sát với thực tế.
ĐHQG-HCM thường xuyên tổ chức các nghiên cứu nhằm điều tra, phân tích và đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội của TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận. Thông qua việc thu thập dữ liệu và tiến hành khảo sát, đội ngũ nghiên cứu đã đưa ra những báo cáo nghiên cứu cung cấp cái nhìn sâu sắc về tình hình thực tế, từ đó đưa ra các đề xuất chính sách thích hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống xã hội.
Một trong những nghiên cứu thực tế tại địa phương, có thể kể đến Đề án “Khảo sát và đánh giá nhu cầu tuyển dụng của đơn vị sử dụng lao động tại tỉnh Đồng Nai” với mục tiêu xác định thực trạng nhu cầu tuyển dụng lao động tốt nghiệp trình độ đại học và sau đại học của các đơn vị sử dụng lao động (theo cơ sở đào tạo và lĩnh vực đào tạo được ưu tiên tuyển dụng); Đánh giá mức độ đáp ứng của người lao động đối với yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động về một số nhóm kiến thức, kỹ năng và thái độ; Cung cấp thông tin tham khảo cho công tác phát triển đào tạo và quy hoạch ngành đào tạo trình độ đại học và sau đại học.
Kết quả khảo sát cho thấy: Kỹ thuật là lĩnh vực có trung bình số lượng nhân sự được tuyển dụng nhiều nhất tại Đồng Nai trong giai đoạn 2020 – 2022. Lĩnh vực Sản xuất và chế biến, Công nghệ kỹ thuật và Kinh doanh và quản lý cũng có trung bình số lượng nhân sự được tuyển dụng giai đoạn 2020 – 2022 cao đáng kể so với các lĩnh vực khác. Ngược lại, các đơn vị sử dụng lao động tại Đồng Nai có xu hướng tuyển dụng thấp nhất đối với nhân sự tốt nghiệp từ lĩnh vực Khoa học sự sống và Báo chí và thông tin. Về yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động đối với ứng viên: Về đánh giá kiến thức, kỹ năng, thái độ của ứng viên, thái độ là yếu tố được đánh giá cao nhất và đạt mức tốt. Trong khi đó, kiến thức và kỹ năng của ứng viên chỉ được đánh giá ở mức khá. “Sự tự giác chuyên cần trong công việc” là yếu tố được đơn vị sử dụng lao động mong muốn nhiều nhất ở ứng viên. Kỹ năng có mức độ mong muốn thấp nhất là “kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp và tư duy phản biện”.
Kết quả này giúp định hướng việc đào tạo sau đại học và đào tạo nguồn nhân lực cấp cao cho xã hội tại Đồng Nai (đặc biệt trong lĩnh vực Máy tính - Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật) cần được tăng cường. Trong thời gian tới, chính quyền Nhà nước cần làm cầu nối giữa doanh nghiệp (nhu cầu) và cơ sở đào tạo đại học (nguồn cung) để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển và tránh việc lãng phí nguồn lực của xã hội khi đào tạo ra trường mà không sử dụng được.
ĐHQG-HCM cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, nhà khoa học, các đại diện của chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Những sự kiện này không chỉ tạo cơ hội cho việc chia sẻ thông tin, kiến thức mà còn là nơi để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các bên nhằm có những chính sách, giải pháp tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải.
Tọa đàm “Đối thoại giữa Đại học và Doanh nghiệp về Phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao” diễn ra ngày 27/8/2024 là Tọa đàm thường niên của ĐHQG-HCM nhằm mục đích để doanh nghiệp và trường đại học gặp gỡ, trao đổi, thảo luận về vấn đề nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Theo đó, đây là dịp để các trường đại học được lắng nghe những đánh giá, phản hồi của doanh nghiệp về chất lượng và mức độ đáp ứng của nguồn nhân lực được đào tạo so với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp; Lắng nghe xu hướng tuyển dụng và các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp trong tương lai gần; Làm cơ sở để các trường đại học cải tiến, mở mới các chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng của doanh nghiệp.
Trong tương lai, vai trò của ĐHQG-HCM trong tư vấn chính sách kinh tế - xã hội sẽ càng trở nên quan trọng hơn. Khi xã hội đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số, và sự phát triển của công nghệ, cần có những chính sách linh hoạt và sáng tạo hơn bao giờ hết. Với khả năng cung cấp những giải pháp sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào việc xây dựng chính sách; đồng thời, tạo ra môi trường học tập và nghiên cứu năng động, khuyến khích sinh viên, giảng viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và tư vấn.
ĐHQG-HCM đã và đang khẳng định được vị thế của mình như một trung tâm tư vấn uy tín cho các chính sách kinh tế - xã hội của địa phương. Sự kết hợp hài hòa giữa giáo dục và nghiên cứu, giữa lý thuyết và thực tiễn là chìa khóa giúp ĐHQG-HCM góp phần tích cực vào quá trình phát triển của TP.HCM và miền Nam Việt Nam. Từ đó, không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, tiến bộ và phát triển bền vững./.
Bài: Lê Bích, Ban Đối Ngoại và Phát triển dự án
Hãy là người bình luận đầu tiên