Khoa học công nghệ

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ Thông tin được Viện Kỹ Nghệ Điện và Điện Tử Mỹ đăng bài báo khoa học

  • 01/08/2021
  • Đó là bài báo: “Secure lightweight pattern matching between the Internet-of-Things devices and Cloud Service” (tạm dịch: Bảo mật dữ liệu cho phương pháp đối sánh mẫu nhanh trên thiết bị IoT và dịch vụ đám mây) của Lê Ngọc Huy - sinh viên năm 4, Khoa Mạng máy tính và Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM.

    Sinh viên Lê Ngọc Huy được Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM vinh danh nhân sự kiện 15 năm kỷ niệm thành lập trường. Nguồn: UIT

    Bài báo này đã được nhận đăng tại tạp chí danh giá IEEE ACCESS được xếp hạng cao nhất SCIE-Q1 của Viện Kỹ Nghệ Điện và Điện Tử (IEEE), Mỹ. Bài báo do TS Trần Việt Xuân Phương và TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin, đồng hướng dẫn.

    Chia sẻ về nội dung bài báo, Lê Ngọc Huy cho biết, các thiết bị IoT đang phát triển rất nhanh chóng. Những thiết bị này thường được sử dụng để lưu trữ nhiều dữ liệu của người dùng, đặc biệt là các loại dữ liệu nhạy cảm như dấu vân tay, hình ảnh riêng tư, hay tài liệu bí mật.

    Do những giới hạn về mặt lưu trữ vật lý của các thiết bị IoT, người dùng mong muốn sao lưu dữ liệu của họ thông qua việc thuê một dịch vụ đám mây, nơi mà họ có thể chia sẻ không gian lưu trữ với các thiết bị cục bộ.

    “Tuy nhiên, nếu chúng ta không áp dụng bất kỳ cơ chế bảo mật nào trên các dữ liệu này, chúng có thể bị lợi dụng cho các mục đích xấu bởi các nhà cung cấp dịch vụ không tin cậy” - Ngọc Huy nhấn mạnh.

    Huy cũng lưu ý, mặc dù tính bí mật của các dữ liệu nhạy cảm có thể được bảo đảm thông qua việc mã hóa dữ liệu, nhuwg chúng vẫn cần phải được giải mã khi thực hiện các thao tác xử lý như đối sánh mẫu. Khi không còn được bảo vệ bởi các thuật toán mã hóa, dữ liệu của người dùng có thể dễ dàng bị truy cập trái phép từ nhà cung cấp dịch vụ đám mây hoặc những kẻ tấn công.

    Huy chia sẻ: “Trong nghiên cứu này, chúng tôi đề xuất một mô hình đối sánh mẫu an toàn trên dịch vụ đám mây mà nó dựa trên toán tử XOR và counter mode của AES-256. Thuật toán này có độ phức tạp tính toán thấp và không yêu cầu giải mã dữ liệu”.

    Lấy động lực từ nghiên cứu vào năm 2008 của Ateniese và cộng sự, Huy cho hay, bài báo cũng trình bày một giải pháp kiểm tra tính toàn vẹn của dữ liệu với SHA-256 trước khi thực hiện phép đối sánh mẫu.

    “Các thí nghiệm của chúng tôi được chạy trên một máy tính cá nhân đại diện cho máy chủ đám mây và một thiết bị Raspberry Pi 3 đại diện cho các máy khách. Như mục đích của nghiên cứu, chúng tôi sẽ chỉ ra các thuật toán mà chúng tôi đề xuất có chi phí tính toán phù hợp với các thiết bị IoT” - chàng sinh viên năm cuối -  Trường ĐH Công nghệ Thông tin - cho biết.

    SCImago xếp hạng chất lượng tạp chí bằng chỉ số SJR (SCImago Journal Ranking), trong đó tính đến số lượng trích dẫn mà mỗi tạp chí nhận được và uy tín của các tạp chí trích dẫn lại tạp chí đó. Chỉ số này được SCImago phát triển từ thuật toán xếp hạng trang web của Google (Google PageRank).

    Dựa trên chỉ số SJR, các tạp chí được phân thành 4 nhóm: Q1, Q2, Q3, và Q4 theo các chủ đề nghiên cứu, trong đó, Q1 bao gồm 25% các tạp chí hàng đầu. Chỉ số SJR có thể biến đổi, phụ thuộc vào kết quả đánh giá hằng năm.

    PHAN ANH

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên