Hoạt động sinh viên và cộng đồng

Tự chủ đại học không phải là rào cản đối với sinh viên khó khăn

  • 03/01/2023
  • Nói đến tự chủ đại học là nói đến vấn đề tự quyết của trường đại học về nhiều mặt: nguồn nhân lực, tuyển sinh, quản lý, tài chính, nghiên cứu, học thuật, xuất bản... Tuy nhiên, hiện nay không ít người quan niệm tự chủ đại học đồng nghĩa với việc tăng học phí và chỉ chú ý đến khía cạnh tài chính mà quên mất những mảng còn lại. Vì sao như vậy và làm thế nào để tự chủ đại học không phải là rào cản đối với sinh viên nghèo, vùng sâu vùng xa?

    Từ kinh nghiệm 14 năm thực hiện tự chủ đại học của Trường ĐH Quốc Tế, các trường thành viên ĐHQG-HCM đã và đang thực hiện tự chủ đại học với nhiều phương thức đa dạng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo nhưng vẫn hài hòa với các chủ thể và đối tượng khác nhau.

    Không đơn giản chỉ là tự chủ tài chính

    PGS.TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc Tế, cho biết: “Trường ĐH Quốc Tế thực hiện tự chủ đại học từ năm 2008, ngay sau 5 năm thành lập trường. Đến nay, tôi có thể khẳng định mục tiêu của tự chủ đại học là nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng; là gia tăng hội nhập quốc tế về giáo dục đại học. Đáng lưu ý hơn, tự chủ đại học đang được thực hiện trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập, dân lập trong nước ngày càng gay gắt, cùng với sự tham gia của các cơ sở giáo dục nước ngoài qua hội nhập quốc tế. Với mục tiêu trên, sự gia tăng nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện tự chủ đại học là vô cùng cần thiết, mà một trong những nguồn lực đó là từ học phí, nên nhiều người mặc định là tự chủ đại học đồng nghĩa với tăng học phí”.

    Cùng quan điểm, PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, chia sẻ: “Tự chủ đại học vẫn bị ‘mang tiếng’ là đồng nghĩa với tăng học phí của sinh viên và tăng lương cho giảng viên. Vấn đề tự chủ đại học đã được thể hiện qua nhiều văn bản cũng như trao đổi tại nhiều diễn đàn, ở đây tôi chỉ nhấn mạnh tự chủ đại học là yêu cầu và xu thế của các trường đại học hiện nay nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế. Để quốc tế hóa giáo dục đại học, các trường đại học phải đảm bảo: chất lượng đội ngũ giảng viên và đội ngũ cán bộ tốt, cơ sở vật chất hiện đại, môi trường đào tạo tiên tiến và quản trị đại học tốt. Những điều này chỉ có thể thực hiện trên cơ sở đầu tư xây dựng có bài bản để đáp ứng các tiêu chí trên”.

    PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, giải thích: “Nếu như trước đây, quyền sở hữu tài sản là vốn và năng suất lao động là nguồn gốc của sự tăng trưởng và thịnh vượng thì ngày nay, tri thức đã thay thế để trở thành yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của các quốc gia. Vì vậy đổi mới giáo dục đại học được xem là ‘thần chú’ cho sự phát triển. Tự chủ đại học chính là việc xác định lại mối quan hệ giữa nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học và không đơn giản chỉ là tự chủ tài chính hoặc tăng học phí mà phải gồm cả 4 nội dung cơ bản: tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính, tự chủ về nhân sự, tự chủ học thuật; trong đó, tự chủ về học thuật là quan trọng nhất. Ở Việt Nam, theo quy định, các trường đại học công lập ngay khi chuyển đổi sang cơ chế hoạt động mới thì Nhà nước không còn cấp kinh phí thường xuyên, trường phải tự đảm bảo 100% chi phí hoạt động nên buộc phải điều chỉnh học phí theo lộ trình được cho phép”.

    Cần đa dạng nguồn thu và chính sách hỗ trợ sinh viên

    Theo PGS.TS Mai Thanh Phong, nguồn thu của trường đại học phần lớn từ học phí, nhưng Trường ĐH Bách Khoa đang đẩy mạnh nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, như mô hình Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách Khoa TP.HCM (BKtechs), tăng cường mở các lớp ngắn hạn phục vụ nhu cầu của các đơn vị, công ty.

    Ông Phong cho biết: “Tiến trình tự chủ của Trường ĐH Bách Khoa bắt đầu từ năm 2021, cũng là năm TP.HCM đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, việc tự chủ đại học vẫn được thực hiện theo lộ trình. Theo quy định đối với các trường đại học có kiểm định, Trường ĐH Bách Khoa được tăng học phí lên 2,5 lần, nhưng căn cứ sức chịu đựng của xã hội và chi phí đào tạo thực tế trên mỗi sinh viên, trường chỉ tăng học phí từng bước”.

    Theo PGS.TS Trần Tiến Khoa, để tự chủ tài chính không là rào cản đối với người học, ĐHQG-HCM và các trường thành viên đã có giải pháp giúp đỡ sinh viên nghèo, khó khăn để có thể theo học tại cơ sở đào tạo của mình, như chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng, hoặc hỗ trợ vay tín dụng.        

    Cụ thể, bên cạnh 8% học phí dành hỗ trợ cho người học theo quy định và chương trình vay ưu đãi của ĐHQG-HCM dành cho tân sinh viên, Trường ĐH Bách Khoa còn triển khai nhiều học bổng và các chương trình miễn giảm học phí khác như: chương trình miễn giảm học phí cho sinh viên khó khăn, hiếu học; hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số; học bổng khuyến khích với sinh viên có thành tích học tập tốt. Đặc biệt, nhà trường còn có các chương trình hỗ trợ từ cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ Bách Khoa BKA và các hội cựu sinh viên khác như: bảo lãnh 500 suất vay ưu đãi, đóng học phí cho sinh viên, giúp đỡ sinh viên nơi thực tập có lương...

    Tương tự, được phê duyệt cơ chế hoạt động mới từ năm 2021 và thực hiện điều chỉnh mức thu học phí theo định mức, lộ trình được phê duyệt, để không có sinh viên nào bị bỏ lại phía sau vì khó khăn tài chính, Trường ĐH Kinh tế - Luật có chính sách học bổng và các chính sách hỗ trợ sinh viên từ nguồn học phí, tài trợ của các doanh nghiệp, từ cộng đồng UEL-Alumni và quỹ đồng hành phát triển UEL. Ngoài ra, Quỹ phát triển ĐHQG-HCM cũng có những hỗ trợ thiết thực cho sinh viên thông qua chương trình hỗ trợ vay tiền từ ngân hàng để đóng học phí với lãi suất 0%.

    PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh khẳng định: “Đổi mới mô hình hoạt động đã và đang đóng vai trò quan trọng để Trường ĐH Kinh tế - Luật thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, gia tăng trải nghiệm của người học đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số”.

    Trường ĐH Quốc Tế là trường đại học công lập đầu tiên của Việt Nam sử dụng hoàn toàn tiếng Anh trong nghiên cứu và giảng dạy. Nhờ thực hiện cơ chế tự chủ sớm, nhà trường đã thu hút được nhiều giảng viên giỏi, trong đó có nhiều giáo sư nước ngoài.

    “Sinh viên có thể yên tâm học tập, miễn là các em có ý chí, quyết tâm theo đuổi con đường học vấn và kiến tạo nghề nghiệp tương lai cho mình” - PGS.TS Mai Thanh Phong nói.

    Tự chủ đại học giúp nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế. Ảnh: Minh Châu
    “Tự chủ về học thuật là quan trọng nhất”. Ảnh: Minh Châu
    Tự chủ đại học giúp sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn. Ảnh: Minh Châu

    ĐOÀN CHÂU

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên