Ở tuổi lục tuần, TS Dương Tôn Đảm - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin (CNTT) vẫn làm việc không ngừng nghỉ vì “mối đam mê” nghề giáo. Tháng 9/2015, ông là một trong 21 cá nhân xuất sắc được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước ĐHQG-HCM giai đoạn 2010-2015.
Viết được sách thì dạy được nhiều người hơn
Về công tác tại Trường ĐH CNTT vào những ngày đầu mới xây dựng, TS Dương Tôn Đảm tham gia công tác quản lý ở nhiều mảng khác nhau từ đào tạo, xây dựng cơ bản đến bộ môn… Tuy vậy ông vẫn dành thời gian để giảng dạy toán học ở bậc đại học và sau đại học cho các trường ĐH KHTN, ĐH Cần Thơ. Trong quá trình đó, ông đã hướng dẫn 66 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.
Về nghiên cứu khoa học, ông xuất bản được 6 đầu sách, 4 báo cáo công bố ở nước ngoài, 14 bài báo trên các tạp chí trong nước, chủ trì và tham gia 5 đề tài tại ĐHQG-HCM. Ông tâm niệm: “Viết được sách thì ta dạy được nhiều người hơn, và cũng được nhiều người phản biện cho hơn. Có bài báo khoa học thì ta trưởng thành hơn, khôn hơn và tự hào hơn vì như một triết gia có nói ‘Tôi tư duy tức tôi tồn tại’”.
TS Dương Tôn Đảm cho biết: “Phần lớn trong các bài giảng và sách của tôi là về thế giới ngẫu nhiên, cái gần với thực tế nhất. Nói cách khác, sau khi sinh viên đã quen với cái đẹp, cái chặt chẽ của toán lý thuyết thì nên tìm hiểu về tính toán ngẫu nhiên và toán mờ (Fuzzy mathematics) để sát hơn với các ứng dụng trong thực tế”. Theo ông, bí quyết để sinh viên hứng thú trong giờ học là dạy sao cho sát thực tế hoặc chỉ ra được cái liên quan đến thực tế. Ông luôn cố gắng giúp sinh viên nhớ rằng kiến thức bắt nguồn từ thực tiễn và phải trở lại phục vụ thực tiễn. “Bài giảng bám sát thực tiễn và phục vụ thực tiễn sẽ là bài giảng sinh động nhất cho sinh viên”, ông nói.
Gắn bó với sinh viên
Khi TS Dương Tôn Đảm về làm việc tại trường, hệ thống ký túc xá chưa thật tốt và công tác bảo hiểm y tế cho sinh viên vẫn còn khá mới mẻ. Ông được ban giám hiệu (BGH) phân công chỉ đạo Phòng Công tác Sinh viên. Từ vị trí này, ông có điều kiện giúp đỡ sinh viên nhiều hơn trong việc ăn ở, đi lại, học tập, sinh hoạt, trợ cấp học bổng, miễn giảm học phí... Thậm chí, “Không ít lần tôi phải làm việc với công an để giải quyết các vụ việc liên quan đến sinh viên”, ông cười khi nhớ lại những ngày tháng ấy. Tấm lòng và trách nhiệm ông dành cho sinh viên đã được ghi nhận xứng đáng bằng Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ mà ông được vinh tặng vào năm 2013.
Ông hào hứng kể lại chuyện trồng hoa để tạo môi trường xanh cho trường. Ông cùng các bạn trong BCH Đoàn trường tính toán xem trồng loại hoa gì, cây gì cho khuôn viên trường có điểm nhấn và bản sắc. Qua các cuộc thảo luận sôi nổi, thầy trò quyết định trồng mai hoa đăng ở lối vào trường, cạnh những hàng cây xà cừ, sakê, bằng lăng, ngọc lan... rợp bóng. Sau này việc chăm sóc cây cảnh được giao lại cho công ty dịch vụ quản lý, nhưng những loại thảo mộc mà ông và sinh viên của mình trồng, vẫn tỏa hương và xanh bóng mát như ghi dấu lại một khoảng trời kỷ niệm về tình cảm thầy trò.
Gần 40 năm công tác ở nhiều vị trí và nếm trải không ít thăng trầm trong nghề giáo, có lúc gặp phải khó khăn nhưng TS Dương Tôn Đảm chưa bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ nghề. Với ông, nghề giáo là một nghề cao quý, làm được và giữ được nghề này không phải dễ.
Ngọc Anh
Hãy là người bình luận đầu tiên