Đó là nội dung chính của phiên thảo luận giữa các đại diện các trường đại học và doanh nghiệp quốc tế được GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM điều hành trong khuôn khổ Tọa đàm “Đối thoại giữa Đại học và Doanh nghiệp về Phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao”.
Tọa đàm do ĐHQG-HCM phối hợp Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM đồng tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào ngày 27/8/2024.
Doanh nghiệp phải là đối tác chính trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu
Chia sẻ tại Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã đặt vấn đề về phương thức hợp tác cũng như những khó khăn trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học.
Trả lời cho câu hỏi này, PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết trong quá trình hợp tác, ĐHQG Hà Nội đã xây dựng các dự thảo quy chế hợp tác đầu tư nhưng vẫn chưa thể triển khai. ĐHQG Hà Nội cũng mong muốn thành lập doanh nghiệp trong trường đại học nhưng gặp nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến vấn đề chủ thể quản lý, điều hành doanh nghiệp, việc định giá tài sản trí tuệ…
Tiếp lời, PGS.TS Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết Ông rất đồng tình với những khó khăn về cơ chế, chính sách mà PGS Trường nêu ra. Trường đại học công lập bị chi phối bởi nhiều quy định vì người lao động là viên chức, toàn bộ tài sản và nguồn vốn của nhà trường là tài sản công. Nếu không rà soát kỹ lưỡng sẽ dễ dẫn tới việc sử dụng tài sản công cho mục đích kinh doanh.
Chia sẻ kinh nghiệm của Đại học Kwangwoon (Hàn Quốc) trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu của trường đại học và nhu cầu của doanh nghiệp, GS Inchan Hwang cho biết: “Nghiên cứu viên ở các trường chỉ thực hiện nghiên cứu với quy mô nhỏ nhưng các doanh nghiệp thì có thể ứng dụng với quy mô lớn hơn và họ sẽ phải cân nhắc về vốn, rủi ro, cạnh tranh và thị trường. Do đó, việc nghiên cứu tại trường đại học và doanh nghiệp luôn có khoảng cách lớn. Lúc này, Viện Nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc sẽ ‘làm cầu nối’ giúp các trường và doanh nghiệp có thể kết hợp cùng nhau thực hiện những dự án nghiên cứu sao cho phù hợp với nhu cầu của hai bên.”
Ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng Đại học bang Arizona cho biết Đại học bang Arizona xem các doanh nghiệp là một đối tác chính yếu và quan trọng trong mọi việc, từ chương trình giảng dạy, nghiên cứu cho đến cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trong chương trình kỹ sư. “Để đạt mục tiêu này, chúng tôi mở các phòng thí nghiệm và kết nối với các doanh nghiệp. Họ sẽ cung cấp phần mềm, phần cứng thậm chí là có những nghiên cứu viên sống trong ký túc xá của trường đại học để làm việc chặt chẽ với các phòng, ban trong hoạt động nghiên cứu”, ông Jeffrey Goss nhấn mạnh.
Để có thêm nhiều doanh nghiệp “Made in Việt Nam”
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai cho rằng tuy các đại học tại Việt Nam đã đào tạo rất tốt về kiến thức cơ bản nhưng tính liên ngành và việc đào tạo gắn với nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi còn yếu. Từ đó, GS Mai đặt vấn đề cho các diễn giả về các khuyến nghị cho Chính phủ cũng như các trường đại học ở Việt Nam trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm giúp Việt Nam có thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao “made in Việt Nam” trong tương lai.
Chia sẻ về vấn đề này, GS Inchan Hwang cho rằng để khởi tạo những công ty 100% của người Việt Nam thì trước hết người Việt phải có tham vọng và khát vọng đạt sự thịnh vượng; tiếp đến là phải có cơ sở hạ tầng tốt và phải quản trị để vận hành được các doanh nghiệp.
Tiếp lời, ông Kevin Koh, Chủ tịch Faraday Technology Vietnam cho biết: “Các trường đại học và các doanh nghiệp cần cung cấp các chương trình thực tập sinh toàn cầu để sinh viên được tiếp cận, học cách vận hành, hiểu được sự cạnh tranh của các công ty toàn cầu trong thế giới thực, từ đó mới phát triển được ngành công nghiệp của Việt Nam trong 5-10 năm tới”.
Theo TS Phạm Thùy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Phát triển, Becamex, Becamex hiện đang phát triển mô hình “3 nhà” đó là Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp và nhà trường đi riêng sẽ rất khó phát triển. Do đó, để có thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao “made in Việt Nam”, Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đưa ra nhu cầu cụ thể, còn nhà trường cung cấp nguồn nhân lực và nhà nước sẽ dựa trên nhu cầu và nguồn nhân lực để xây dựng những chính sách để hỗ trợ sự hợp tác và phát triển.
Kết thúc phiên thảo luận, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai khẳng định ĐHQG-HCM luôn xem việc hợp tác với doanh nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng để gia tăng nguồn lực và là đòn bẩy để cải tiến chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đây là yếu tố cốt lõi đối với việc phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam.
PHẠM PHƯƠNG
Hãy là người bình luận đầu tiên