Hội thảo

Tổ chức Hội thảo thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp tại ĐHQG-HCM

  • 13/09/2018
  • Ngày nay, kinh tế tri thức đòi hỏi một lực lượng lao động có kỹ năng cao trong việc nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao tri thức. Không chỉ lĩnh vực nghiên cứu trong nhà trường mà lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bên ngoài nhà trường cũng ngày càng cần những người được đào tạo bậc cao ở trình độ tiến sĩ. Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới. Theo Cục thống kê lao động Mỹ, những việc làm yêu cầu trình độ thạc sĩ được dự báo sẽ tăng lên 22% vào năm 2020, và những vị trí yêu cầu trình độ tiến sĩ sẽ tăng lên 20%.

    Với tầm nhìn trở thành một hệ thống đại học trong tốp đầu Châu Á, trong các năm qua, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong đổi mới giáo dục, không ngừng nghiên cứu triển khai các mô hình, chương trình đào tạo mới, góp phần quan trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Phát huy truyền thống và thế mạnh đó, ĐHQG-HCM đang nghiên cứu để triển khai thí điểm chương trình đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp (Professional Doctorate - PD), đáp ứng nhu cầu đa dạng của nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp, trường học, đơn vị quản lý. Đây là loại chương trình đào tạo đã khá phổ biến trên thế giới nhưng chưa được triển khai tại Việt Nam. Bước đầu, ĐHQG-HCM sẽ nghiên cứu áp dụng cho ngành Quản trị kinh doanh (Doctor of Business Administration – DBA) và ngành Quản lý giáo dục (Doctor of Education – EdD).

     

    Theo Hội đồng Giáo dục Đại học Anh: chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng là chương trình học tập và nghiên cứu bậc cao, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn của trường đại học để nhận bằng tiến sĩ, vừa đáp ứng các nhu cầu cụ thể về nghề nghiệp, phát triển năng lực cá nhân để làm việc trong một môi trường nghề nghiệp cụ thể. Chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng đầu tiên được xây dựng tại Đại học Toronto, Canada, vào năm 1894 về lĩnh vực giáo dục: Doctor of Education, EdD. Hiện nay, theo ước tính sơ bộ có hơn 1000 chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp tại các trường đại học trên thế giới và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Sự phát triển của các chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nhằm mở rộng khả năng làm việc của người học tiến sĩ ra ngoài môi trường học thuật.

     

    Các chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực người học để tạo ra những đóng góp quan trọng vào thực tế nghề nghiệp thông qua nghiên cứu. Các chương trình này hướng vào đối tượng người học là những người làm việc thực tế, có kinh nghiệm chuyên môn, có nhu cầu phát triển nghề nghiệp. Đề tài nghiên cứu trong các chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng liên quan trực tiếp đến thực tế nghề nghiệp của người học, bắt nguồn từ lĩnh vực nghề nghiệp. Kết quả nghiên cứu không chỉ đóng góp mới cho tri thức mà còn tác động trực tiếp đến thực tế nghề nghiệp, chính sách. So với chương trình tiến sĩ “truyền thống”, chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng có thể bao gồm nhiều môn học hơn, chủ yếu học tập qua kinh nghiệm và trải nghiệm.   

     

    Một số khác biệt giữa tiến sĩ định hướng ứng dụng (PD) với tiến sĩ nghiên cứu/tiến sĩ hàn lâm (PhD) được tóm tắt trong bảng sau:

     

    STT

    Nội dung

    Tiến sĩ

    Nghiên cứu/ Hàn lâm (PhD)

    Tiến sĩ

    định hướng ứng dụng (PD)

    1

    Đối tượng học

    Thường là những người trẻ, có kinh nghiệm học tập

    Thường là những người lớn tuổi, có kinh nghiệm nghề nghiệp, chuyên môn

    2

    Mục đích

    Nghiên cứu, tư vấn hoặc giảng dạy ở các cơ sở giáo dục

    Sự phát triển chuyên môn, nghề nghiệp

    3

    Kỹ năng đầu ra

    Khả năng tiến hành nghiên cứu, áp dụng kết quả để mở rộng kiến thức chuyên ngành

    Khả năng sắp xếp, vận dụng các kết quả nghiên cứu để giải quyết vấn đề thực tế

    4

    Chương trình đào tạo

    Thường là toàn thời gian, mang tính học thuật nhiều

    Thường là bán thời gian, kết hợp học thuật với thực tế

    5

    Nghiên cứu

    Tạo ra, mở rộng và đóng góp vào kiến ​​thức, lý thuyết trong lĩnh vực nghiên cứu.

    Chú trọng đến nguyên nhân, ”why”.

    Mở rộng và áp dụng kiến ​​thức, nghiên cứu cho các vấn đề đang tồn tại trong lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn.

    Chú trọng đến cách thức, “how”.

             

    Nhằm thu thập ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, của các cơ sở đào tạo về tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp, ĐHQG-HCM sẽ tổ chức “Hội thảo thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp tại ĐHQG-HCM” vào ngày 22 tháng 9 năm 2018 tại Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG-HCM.

     

    ĐHQG-HCM trân trọng kính mời các cơ sở đào tạo, các đơn vị quản lý, quý Thầy/Cô, các nhà chuyên môn, nhà quản lý tham gia Hội thảo. Sự tham gia của quý đơn vị, quý Thầy/Cô, chuyên gia sẽ góp phần rất lớn cho thành công của Hội thảo.

     

    Mời quý thầy cô xem toàn văn thông báo trong tập đính kèm.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên