Máy bay bón phân, phun thuốc, hệ thống cảm biến Nano quan trắc chất lượng nước, hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn… là những sản phẩm cơ khí nông nghiệp thông minh được ĐHQG-HCM giới thiệu tại Hội thảo “Cơ khí nông nghiệp thông minh cho Đồng bằng sông Cửu Long” do UBND TP.HCM phối hợp ĐHQG-HCM tổ chức ngày 27/9.
Máy bay bón phân, phun thuốc trừ sâu
Theo TS Vũ Ngọc Ánh - Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, nhiệm vụ chính của máy báy không người lái này là phun thuốc trừ sâu, ngoài ra nó có thể điều chỉnh để thực hiện việc gieo hạt trồng rừng, bón phân dạng lỏng hoặc rắn. Máy bay có thể chở tối đa 15 kg thuốc, tốc độ phun khoảng 0,5-1 ha trong 10 phút. Thử nghiệm tại sân Trường ĐH Bách Khoa, drone tải được 10 kg trên không trong gần 14 phút.
“Bằng đầu phun nhỏ, thuốc trừ sâu được tán ra thành những hạt nhỏ. Nhóm nghiên cứu ước tính 10 kg dung dịch thuốc đặc có thể phun cho 1 ha với hiệu suất thời gian gấp 50 lần bằng tay, và từ 2-5 lần sử dụng máy kéo. Độ cao phun so với cây trồng được lập trình hoặc điều khiển.” - TS Ánh cho biết.
Máy bay có khả năng phun thuốc ở vùng cao tới 1.000 mét so với mực nước biển. Với tầm giá 150-300 triệu đồng/máy bay, sản phẩm phù hợp với quy mô nông trại lớn hoặc dịch vụ cung ứng cho mỗi vùng nông nghiệp.
Hệ thống quan trắc Nano
PGS.TS Đặng Mậu Chiến - Viện trưởng Viện Công nghệ Nano ĐHQG-HCM (INT), cho biết cảnh báo xâm nhập mặn và quan trắc chất lượng nước ao trong nuôi trồng thủy sản giữ vai trò quan trọng đối với các ngành nông-ngư nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long.
Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động được tích hợp đầu dò cảm biến chuyên dụng để theo dõi và cảnh báo độ mặn của nước trên kênh rạch hoặc cửa biển nhằm chủ động trong việc tưới tiêu, nuôi trồng thủy hải sản và sinh hoạt. Hệ thống làm việc 24/24, cập nhật thông tin liên tục và đặc biệt có khả năng kết nối không dây đến các thiết bị ngoại vi như điện thoại di động, máy tính để cảnh báo độ mặn khi vượt ngưỡng.
Hệ thống có giá thành 20 triệu đồng, nặng 30kg, dễ tháo rời, vận chuyển lắp đặt tại các vị trí khó khăn. Khi mùa mặn đi qua, trạm quan trắc có thể biến đổi trở thành như một trạm phát sáng công cộng.
Đối với hệ thống cảm biến Nano quan trắc nước ao nuôi trồng thủy hải sản, thông qua việc tích hợp nhiều đầu dò cảm biến, hệ thống sử dụng công nghệ bơm hút để các ly mầm bệnh giữa các ao nuôi. Được chế tạo cách điệu hình con cua, lưu lượng bơm hút của hệ thống là 600ml/p với ông dẫn/hút nước dài 15m, hoạt động trong 3 giờ liên tục.
Các thông số sau khi đo sẽ được lưu trữ lên web Server, người dùng có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, nếu các thông số chất lượng nước vượt ngưỡng đã cài đặt, hệ thống sẽ tự gửi tin nhắn cảnh bảo đến người dùng.
Hai dòng sản phẩm cảm biến Nano dạng cầm tay (MODEL INT-HNS 1 và 2) đánh giá chất lượng nước ao nuôi trồng thủy hải sản cũng được INT giới thiệu tại hội thảo. Ưu điểm của dòng sản phẩm này là gọn nhẹ, nhiều đầu dò cảm biến, đo được nhiều chỉ tiêu chất lượng của nước ao.
MimosaTEK - ứng dụng IoT cho nông nghiệp
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Giám đốc Khu Công nghệ Phần mền ĐHQG-HCM (ITP), MimosaTEK là công ty Việt Nam tiên phong trong ứng dụng IoT cho nông nghiệp chính xác. MimosaTEK cung cấp 3 hệ thống giải pháp gồm tưới nước, phân bón và nhà kính. Giải pháp tưới nước chính xác thông qua thiết bị cảm ứng cho phép hệ thống tưới được vận hành từ xa dựa vào việc phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây, giai đoạn sinh trưởng của cây để đưa ra các khuyến nghị về lịch tưới tối ưu. Người dùng có thể theo dõi các thông số này theo thời gian thực.
Giải pháp phân bón giúp đo chính xác pH và EC của dung dịch phân bón hòa tan, giảm lượng phân bón bị rửa trôi, giám sát và điều khiển bộ châm phân kết hợp cùng với giải pháp tưới chính xác. Giải pháp nhà kính cung cấp giải pháp toàn diện để giám sát và điều khiển các thiết bị nhà kính gồm hệ thống tưới, bộ châm phân và các thiết bị nhà kính (mái, quạt, cửa bên, lưới cắt nắng...).
“Nếu đo lường được chính xác điều kiện môi trường xung quanh và nhu cầu của từng cây trồng ở bất kỳ thời điểm nào thì đây là cơ sở tốt nhất để những người làm nông biết phải làm gì một cách hợp lý và vừa đủ cho đối tượng mình chăm sóc” - PGS.TS Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh.
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên