30 tuổi, Vũ Bích Ngọc (sinh năm 1986) lấy bằng tiến sĩ Sinh lý người và động vật. Từ năm 2011 đến nay Bích Ngọc tham gia 4 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, đứng tên đồng tác giả hàng chục bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCI, SCI-Expanded.
Bích Ngọc là một trong 9 gương mặt trẻ được Trung ương Đoàn trao giải thưởng khoa học kỹ thuật thanh niên Quả cầu vàng, và là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017. Hiện chị là nghiên cứu viên tại Viện Tế bào gốc Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM.
Thích đương đầu với khó khăn
TS Vũ Bích Ngọc cho biết, chị đến với công việc nghiên cứu sinh học một cách tình cờ. Năm cuối đại học như bao sinh viên khác, Bích Ngọc cần tìm một thầy để hướng dẫn làm khóa luận tốt nghiệp, và trong suy nghĩ của chị lúc đó chỉ “đơn giản học đại học cho xong, theo xu hướng của xã hội bấy giờ, rồi ra trường mình sẽ làm một ngành khác”.
Nhưng bước ngoặt làm thay đổi suy nghĩ của Bích Ngọc khi gặp thầy Phan Kim Ngọc - nguyên Trưởng phòng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc (nay là Viện Tế bào gốc) và được thực tập tại Bộ môn Sinh lý động vật. Chính môi trường năng động, hiện đại ở phòng thí nghiệm cùng với những đồng nghiệp trẻ, tâm huyết đã hoàn toàn thuyết phục Bích Ngọc theo con đường nghiên cứu.
“Các thầy cô ở đây đều trẻ nhưng rất giỏi, những kiến thức mình được học là hoàn toàn mới, mới đến mức những người khác nghĩ rằng chỉ có ‘thượng đế’ mới làm được. Mình được chính tay làm, chính mắt thấy đến ‘từng tế bào’, được tự do tìm tòi, nghiên cứu và thực hiện những gì mình thích. Từ đó, niềm đam mê được nhân lên và theo mình cho đến tận bây giờ” - Bích Ngọc tâm sự.
Là người trực tiếp hướng dẫn Bích Ngọc, ThS Phan Kim Ngọc chia sẻ: “Kỷ niệm về Ngọc có rất nhiều, nhưng nhớ nhất là ở nụ cười. Tiếp xúc với ai em cũng nở nụ cười. Cô gái này rất thông minh, không ngại khó, phân công việc nào cũng hoàn thành xuất sắc mà chẳng bao giờ ta thán gì cả”.
Bích Ngọc nói rằng mình rất sợ thất bại nhưng… thích đương đầu với khó khăn: “Trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc ở nước ta, không phải chỉ riêng mình mà hầu như ai cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu, nguyên vật liệu, động vật và dòng tế bào phục vụ. Bên cạnh đó còn là trở ngại về nền tảng kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật”.
Tuy nhiên, nữ tiến sĩ trẻ này luôn xem mình may mắn vì được làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, với những đồng nghiệp đầy tâm huyết: “Mình có niềm tin và niềm tin này theo mình suốt thời gian bắt đầu xin vào thực tập đến nay. Thế nên chưa khi nào mình có ý định bỏ cuộc để theo đuổi một công việc khác. Thay vào đó, mình đang ấp ủ một kế hoạch để phát triển các lĩnh vực khác dựa trên lĩnh vực mình đang nghiên cứu”.
Gần 10 năm gắn bó với Viện Tế bào gốc, từ một sinh viên với suy nghĩ “học cho xong đại học” đến nay Bích Ngọc đã trở thành tác giả hoặc đồng tác giả của hàng chục bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục SCI, SCI-Expanded và của nhiều ấn phẩm quốc tế khác.
TS Vũ Bích Ngọc được đánh giá là nhà nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị các bệnh liên quan đến mạch máu, đái tháo đường, tái tạo da, tổn thương sụn khớp và thẩm mỹ.
Gắn bó với Bích Ngọc từ ngày chập chững vào phòng thí nghiệm, ThS Phan Kim Ngọc phải thốt lên: “Tôi ngạc nhiên vì sao em lại có thể sắp xếp thời gian để hoàn thành một khối lượng công việc cả chung lẫn riêng khổng lồ như thế”.
TS Trương Hải Nhung, đồng nghiệp của Bích Ngọc tại Viện Tế bào gốc chia sẻ: “Ngọc là một người làm việc có trách nhiệm cao, nhiệt tình, rất thân thiện và luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp. Trong cuộc sống, Ngọc luôn kiên định với mục tiêu của mình, sống có hoài bão và luôn cố gắng đạt được mục tiêu”.
Đam mê, sáng tạo và chăm chỉ
Tự nhận mình là một phụ nữ hơi khác biệt so với các bạn đồng trang lứa, Bích Ngọc tâm sự ngoài giờ nghiên cứu, chị rất ít khi đi xem phim, shopping hay ăn uống bên ngoài. Chị thích được ở nhà đọc tin tức, dọn dẹp nhà cửa và gọi điện chuyện trò với bố mẹ hơn.
Với chị không có khái niệm “làm khoa học đàn ông hay phụ nữ mệt hơn”, mà “người làm nghiên cứu khoa học thực sự thì việc sắp xếp thời gian cho công việc và gia đình một cách hợp lý không phải là điều khó. Nếu chỉ tập trung làm nghiên cứu khoa học và phát triển lĩnh vực đang nghiên cứu thì mình nghĩ rằng không hề khổ như mọi người vẫn nghĩ”.
Bích Ngọc quan niệm người phụ nữ hiện đại phải cân bằng được ba yếu tố: Giữ được sự ấm áp trong gia đình, thành công trong công việc và tự do về tài chính. “Xét cho cùng, gia đình vẫn là nơi bình yên nhất sau một ngày làm việc. Với mình, người phụ nữ giữ được ngọn lửa ấm áp trong gia đình, làm cho tiếng cười đầy ắp trong nhà là người phụ nữ hiện đại đáng được nể trọng nhất. Bên cạnh đó, người phụ nữ phải khẳng định được bản thân mình trong công việc. Thành công ở đây không nằm ở tiêu chí ‘ông này bà nọ, quyền cao chức trọng’ hay không, mà là ở chỗ họ đóng góp được gì cho nơi họ làm việc và xã hội họ đang sống. Và tất nhiên, trong xã hội ngày nay, sự tự do về tài chính cũng là điều không thể thiếu của người phụ nữ hiện đại” - chị tâm sự.
Theo TS Bích Ngọc, đam mê, tư duy sáng tạo và chăm chỉ là điều kiện cần có để thành công trong nghiên cứu khoa học. Chị phân tích: “Nếu không có lòng đam mê, sự yêu thích, làm việc gì cũng dễ chán chứ không phải chỉ nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, nghiên cứu là quá trình tư duy, hoạt động liên tục. Bạn cần tìm ra một cái gì đó mới, có ích hoặc phải có tính ứng dụng cao. Nếu tư duy sáng tạo không đủ, bạn chỉ làm những cái mà người ta đã làm, vì vậy giá trị khoa học không có hoặc không cao, khi đó không thể gọi là nghiên cứu khoa học được. Cuối cùng, bạn chỉ tư duy, sáng tạo trên giấy tờ mà không thực hành thì đó mãi mãi chỉ là lý thuyết. Từ lý thuyết cho đến hiện thực là cả một chặng đường dài. Kinh nghiệm cho mình thấy, nghiên cứu là cả một quá trình đầy khó khăn. Bạn cần có thời gian, sự trải nghiệm thì những giả thuyết ban đầu mới được gọt giũa để trở thành những kỹ năng cơ bản”.
Viện có 3 Quả cầu vàng liên tục Giải thưởng khoa học kỹ thuật thanh niên mang tên Quả cầu vàng được trao lần đầu tiên vào năm 2003, do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nhằm vinh danh các tài năng trẻ xuất sắc về khoa học kỹ thuật có độ tuổi không quá 35. Những năm trước đây giải thưởng chỉ dành cho lĩnh vực công nghệ thông tin. Năm 2011, giải thưởng được mở rộng xét trao cho bốn lĩnh vực: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ y - dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường. Năm 2016, giải thưởng đổi tên thành giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng và mở rộng thêm lĩnh vực công nghệ vật liệu mới. Riêng Viện Tế bào gốc 3 năm liền có cá nhân được trao giải thường này: PGS.TS Phạm Văn Phúc (2015), TS Trương Hải Nhung (2016) và TS Vũ Bích Ngọc (2017) |
ĐỨC LỘC
Hãy là người bình luận đầu tiên