Chân dung nhà khoa học

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang: “Tôi hạnh phúc được làm một đồng nghiệp nhỏ của các thầy cô”

  • 18/11/2015
  • Với nụ cười trên môi khi bước lên bục giảng, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang đã truyền tình yêu khoa học đến với nhiều thế hệ sinh viên, một cách nhẹ nhàng nhưng đầy nội lực. Cô Phương Trang hiện công tác tại Khoa BC&TT Trường ĐH KHXH&NV, là tiến sĩ ngôn ngữ học trẻ nhất vào thời điểm năm 1999 và là một trong 26 nhà giáo của ĐHQG-HCM được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2015.

    Mở đầu cuộc trò chuyện, với giọng thân tình và trẻ trung, cô Phương Trang cho biết Hội đồng chức danh Nhà nước thường chọn dịp 20/11 hằng năm để công bố quyết định công nhận các nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, có lẽ cũng với mục đích vinh danh các thầy cô có cống hiến trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Niềm vui vì thế càng được nhân lên trong ngày Nhà giáo!

    PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang. Ảnh: Việt Linh 


    * Có phải truyền thống gia đình đã đưa cô đến với nghề giáo cũng như ngành ngôn ngữ học? 
        - Nghề giáo là nghề tôi yêu thích từ bé. Dường như chuyện trở thành một cô giáo đã là câu chuyện không cần bàn cãi khi tôi nghĩ đến nghề nghiệp tương lai. Bố mẹ của tôi đều là nhà giáo, hai em gái của tôi cũng thế. Cả một nhà đứng trên bục giảng, có chung với nhau những niềm vui nghề nghiệp, thích lắm (cười).

        Năm thứ ba đại học, chúng tôi cần chọn để học tiếp hai năm chuyên ngành. Tôi chọn ngôn ngữ học (hai ngành còn lại là văn học và Hán Nôm) vì với tôi lúc bấy giờ, nó thật mới mẻ, hấp dẫn và … nhiều thách thức. Lựa chọn này được bố tôi, một người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ và Hán Nôm, cũng như mẹ tôi, một người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu văn học, tán đồng. Ba chị em chúng tôi vẫn thường được nghe và “tham gia” vào những câu chuyện đời sống, văn chương, chữ nghĩa của bố mẹ, nên chắc chắn chúng tôi đã nhận được những ảnh hưởng tốt đẹp từ gia đình.

    * Được biết cô hay nói đùa với sinh viên là học ngôn ngữ học là đi liền với 3 KH - vừa “khô”, vừa “khó”, vừa “khổ”. Cô có thể nói rõ hơn điều này?
        - Đúng ra thì có đến 4 chữ KH bạn ạ:  Khó - khô - khờ - khổ. Từ hồi sinh viên tôi đã nghe các anh chị khóa trước “truyền” lại là học ngành ngôn ngữ học kinh khủng lắm, vì gắn với 4 chữ KH ấy. Tôi tò mò và thấy đó là thách thức hơn là nỗi ngần ngại. Thực ra, ngành học nào cũng vậy thôi, chẳng có sự thực học nào là dễ cả. Nhưng sẽ rất tuyệt khi một câu chuyện khó được mổ xẻ để nó trở nên sáng rõ, trở nên có thể lý giải. Ngôn ngữ học, nếu yêu nó và được dẫn dắt để biết cách tìm tòi, nếu biết gắn nó với những câu chuyện của đời sống vốn rất sống động thì sẽ không thấy nó khô khan chút nào.
     
    * Nhiều sinh viên ngành ngôn ngữ học cho biết họ chọn ngành học này “vì cô Phương Trang”. Cô có “bí kíp” gì để có nhiều “tín đồ ngôn ngữ học” như thế?
        - Tôi rất hạnh phúc và xúc động khi nghe nhiều sinh viên “thổ lộ” như thế. Tôi nghĩ đó là một phần thưởng quý giá đối với một người làm nghề dạy học, đồng thời đó cũng là đòi hỏi khiến mình phải cố gắng hơn, không làm các em thất vọng. Tôi không có “bí kíp” nào cả, nhưng có lẽ, muốn truyền được tình yêu thì mình phải thực sự yêu và phải tìm được phương cách tốt nhất để bày tỏ nó, khiến nó lan tỏa và cuốn hút.

        Muốn nhóm lên một đốm lửa ở người học, thì chính mình không thể nguội lạnh với những gì mình đang giảng, đang khơi gợi, càng không thể nguội lạnh với mối quan tâm của sinh viên. Những giờ giảng dù là lý thuyết, vẫn có thể khiến nó trở nên“xanh tươi” khi biết gắn nó với thực tiễn, với chính những đòi hỏi của người học.

    * Công việc giảng dạy, nghiên cứu của cô hiện nay như thế nào?
        - Hiện nay tôi giảng dạy 4 môn học ở Khoa BC&TT- là nơi tôi đang công tác - và 3 môn khác cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ học (Khoa Văn học và Ngôn ngữ). Ngoài ra tôi cũng giảng dạy cho một số khoa trong và ngoài trường, dạy chuyên đề sau đại học cho học viên và nghiên cứu sinh chuyên ngành ngôn ngữ học, hướng dẫn luận văn cao học, luận án tiến sĩ, tham gia các hội đồng đánh giá luận án, luận văn trong và ngoài trường. Để phục vụ cho công tác giảng dạy thì việc nghiên cứu là điều không thể thiếu. Tôi vừa xuất bản một chuyên khảo và đang chuẩn bị bản thảo cho cuốn sách tiếp theo, hy vọng sẽ sớm ra mắt bạn đọc.

    Chuyên khảo Dấu ấn tiếng Việt trong Sách sổ sang chép các việc (1822) của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang, xuất bản năm 2015. Ảnh: Việt Linh 


    * Bên cạnh việc giảng dạy các môn lý thuyết chuyên sâu, cô còn giảng dạy các môn ứng dụng như Ngôn ngữ báo chí, Kỹ năng giao tiếp truyền thông… Cô nghĩ cần cải tiến gì về nội dung cũng như phương pháp giảng dạy? 
        - Bạn thấy đấy, các trường đại học luôn đặt ra yêu cầu cải tiến về nội dung và phương pháp dạy học, làm sao cho nội dung được mới mẻ, hữu dụng, gắn với thực tiễn, phương pháp thì hiện đại, hiệu quả. Muốn như vậy thì bản thân người thầy cũng phải là một người học cần mẫn, liên tục để có thể cập nhật những kiến thức mới nhất bên cạnh những câu chuyện kinh điển, để gắn những khái niệm lý thuyết với hiện thực sống động xung quanh. Dẫn dắt người học cùng làm việc với mình, chỉ dẫn để họ từng bước trở thành một phần của bài giảng, tôi nghĩ điều đó sẽ khiến họ hứng thú hơn, chủ động hơn và thật sự là “trung tâm” của buổi học. Nhưng dĩ nhiên, làm được điều đó cũng là “thách thức” đối với người dạy, phải không?

    * Được biết, năm 2012, cô là thành viên duy nhất được chọn để đại diện cho Việt Nam tham dự chương trình nghiên cứu Báo chí ở Hoa Kỳ, cô có nhận xét hay chia sẻ gì về những điều mình gặt hái được sau chuyến đi? 
        - À, đó là chương trình dành cho các học giả nghiên cứu Hoa Kỳ (SUSI Program 2012) do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyển chọn, tổ chức và tài trợ hằng năm. Tôi tham gia ở lĩnh vực báo chí truyền thông, cùng với 17 thành viên của 17 quốc gia khác. Trong chương trình này, chúng tôi đã được học, trao đổi và làm việc với các giáo sư, các chuyên gia hàng đầu về báo chí, truyền thông ở các trường đại học và các cơ quan báo chí ở Hoa Kỳ. Ngoài việc được học hỏi kiến thức chuyên môn, tôi có dịp tiếp xúc nhiều hơn với các biểu hiện của văn hóa Mỹ với sự đa dạng của nó. Điều tôi rất thích thú là phương pháp giảng dạy, cách thức tổ chức lớp học ở đây. Những điều này đã bổ sung hoặc khẳng định thêm những kinh nghiệm cho việc giảng dạy và nghiên cứu của tôi.

    PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang cùng các đồng nghiệp trong chuyến tập huấn tại Hoa Kỳ. Ảnh: NVCC 


    * Gắn bó với nghề đã hơn 20 năm, cô có trăn trở hay suy tư gì về nghề?
        - Tôi thường tự hỏi sinh viên cần gì ở bài giảng, ở mỗi giờ đến lớp, ở giảng viên? Mình đã chọn được cách tốt nhất để chuyển tải kiến thức hoặc khơi gợi nhu cầu hiểu biết ở người học hay chưa? Qua bài giảng, mình có giúp cho định hướng nghề nghiệp của các em được rõ ràng xác định hơn không, có hữu ích cho đời sống của các em sau này không? Tôi mong muốn ngoài những kiến thức chuyên môn, các em còn nhận được những chỉ dẫn về cách sống, cách ứng xử với nghề và làm nghề một cách lương thiện, tử tế.

    * Là phụ nữ, cô làm sao để có thể thu xếp việc nhà, việc trường và tạo hình ảnh đẹp với học trò? 
        - Có lẽ chẳng có ai lại không có những lo toan, vất vả riêng. Rất nhiều trách nhiệm, vai trò mà mỗi người phải cố gắng làm tròn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là, nếu mình không tự tạo cho mình sức sống, sự hứng khởi nghề nghiệp, sự chuyên tâm vào bài giảng thì mỗi một giờ lên lớp sẽ trở thành cực hình đối với sinh viên, và đối với chính mình. Mọi buồn bã âu lo hãy cố gắng để ngoài cửa lớp. Nó không dễ mất đi, nhưng hãy cố gắng không cho nó xen vào giờ dạy. Hãy tươi tắn, vui vẻ, nhẹ nhõm, toàn tâm toàn ý với học trò của mình. Đó cũng chính là phương cách làm cho mình vui sống hơn sau giờ dạy, và biết đâu mình sẽ có thêm sức lực để đối mặt với những khó khăn?

    *Những khi có thời gian, cô thường thích làm những gì?
        - Ôi…, tôi thích nhiều lắm: nghe nhạc, đọc truyện trinh thám, đi xem phim với con gái, đi mua sắm cái này cái khác... Tôi cũng thích viết, thích hát, thích nói chuyện với bạn, với học trò. Tôi thích được cùng gia đình nhỏ của mình đi đâu đó với nhau, rời thành phố ít ngày, chỉ chơi đùa với các con, nhìn thấy con cười. Tôi thích được bay về Hà Nội để làm cô con gái nhỏ ăn bữa cơm ngon lành của mẹ, được chuyện trò trong bữa cơm quây quần với bố mẹ các em như ngày bé…

    * Xin cô câu hỏi cuối: Nhân ngày 20/11, cô nghĩ gì về những người thầy của mình?
        -Tôi luôn giữ trong lòng những ký ức đẹp đẽ về các thầy cô, từ buổi đầu đến lớp cho tới những năm tháng về sau, luôn biết ơn các thầy cô giáo đã dạy cho tôi biết bao điều, đã truyền cho tôi tình yêu nghề nghiệp. Và tôi hạnh phúc được làm một đồng nghiệp nhỏ của các thầy cô.

     

    Minh Châu thực hiện

     


    Trong mắt học trò…

     

    Võ Anh Vũ (Sinh viên năm IV, Khoa BC&TT):
        Cô Phương Trang là một người thầy rất đặc biệt vì cô mang đến phong cách giảng dạy như các giảng viên phương Tây. Mỗi lần cô đến lớp là một câu chuyện. Cô luôn tôn trọng học trò của mình và tạo cảm giác thoải mái trong mỗi tiết học nên thường lớp tôi đi học rất đông đủ. Tôi thích cách cô dạy, không tạo áp lực cho sinh viên về điểm số mà luôn tạo cơ hội cho sinh viên chủ động học.

    Nguyễn Đức Mạnh (Đài truyền hình TP.HCM): 
        Sinh viên lớp Báo chí khóa 2005-2009 thường nhắc đến tên cô Phương Trang vì nhiều lý do: giỏi chuyên môn, gần gũi với sinh viên, duyên dáng với áo dài và đặc biệt là hát rất hay... Cô cũng là cầu nối âm thầm giữa các thế hệ sinh viên báo chí, đem đến việc làm cho các bạn sinh viên khi còn đang trên ghế giảng đường. Giờ ra trường và đã đi làm nhưng thỉnh thoảng gặp những “ca khó” về chuyên môn, tôi vẫn "cầu cứu" cô mọi lúc mọi nơi. 

    Nguyễn Thị Hoa (Công ty truyền thông Hòa Bình): 
        Tôi rất ấn tượng và mến cô hơn khi cô tặng tôi một cái ôm trong ngày sinh nhật. Lúc cô nói cho cô ôm một cái, cứ nghĩ ừ thì ôm xã giao thôi. Nhưng không, cô đã ôm tôi rất chặt, lần đầu tiên có người ôm tôi như thế, khiến tôi vô cùng ngạc nhiên, bất ngờ và sung sướng! 


    Bảo Khánh ghi

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên