Sinh viên ĐHQG-HCM

Bí quyết săn học bổng thành công

  • 15/06/2024
  • Đối với mỗi sinh viên, học bổng khuyến khích học tập, tham gia trao đổi sinh viên hay du học chính là những “quả ngọt” cho quá trình nỗ lực học tập và rèn luyện từng ngày của bản thân. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng biết cách “thu hoạch” những thành quả mình xứng đáng được nhận.

    Website ĐHQG-HCM đã có cuộc gặp gỡ với các cựu sinh viên ĐHQG-HCM từng tham gia săn học bổng và hiện du học tại nhiều quốc gia trên thế giới.

    * Trần Văn Cường - năm nhất cao học ngành Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Szeged, Hungary

    Cần chuẩn bị tốt cho việc phỏng vấn

    Mình có ước mơ đi du học từ năm thứ ba đại học khi đang theo học tại Khoa Giáo dục học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM. Trước đó, mình chỉ tập trung học thôi chứ không có kế hoạch gì để theo đuổi con đường du học sau tốt nghiệp. Đối với mình, học bổng giống như một thành quả, sự công nhận cho năng lực và sự cố gắng của mình ở quá khứ. Mình cảm thấy thật may mắn khi giành được 6 học bổng du học sau đại học tại nhiều trường đại học trên thế giới. Khi nhắc đến chủ đề này, mình nghĩ có 3 yếu tố cần lưu tâm gồm thành tích học tập, ngoại ngữ và thành tích trong nghiên cứu khoa học.

    Để chinh phục một học bổng, phỏng vấn là một trong những bước rất quan trọng. Ở lần phỏng vấn học bổng đầu tiên, mình đã “tạch” do chủ quan và thể hiện chưa tốt. Mình chỉ có khoảng 5-10 phút để thể hiện và gây ấn tượng thôi, nên phải biết nắm bắt để họ thấy được mình xứng đáng nhận được học bổng. Theo đó, mình cần chuẩn bị trước những nội dung có thể được hỏi và tự trả lời trước gương chẳng hạn. Đó là bước chuẩn bị cực kỳ quan trọng để có được một buổi phỏng vấn học bổng thành công.

    Thêm nữa, khi phỏng vấn, mình nhận ra rằng, nếu đứng để trả lời thay vì ngồi, mình sẽ tự tin hơn. Bởi vì khi ấy, cơ thể của mình sẽ linh động hơn trong việc di chuyển. Điều đó giúp tầm mắt có thể bao quát vùng không gian rộng hơn, thoải mái và tự tin hơn.

    Học bổng du học có thể là ước mơ của nhiều người. Tuy nhiên, ước mơ này cũng cần đặt lên bàn cân với thực tế. Theo mình, khi theo đuổi ước mơ du học, chúng ta cần chậm lại để suy nghĩ xem ngành mình đang theo đuổi, con đường mình đang đi có thật sự phù hợp với mình hay không rồi hãy đưa ra quyết định.

    * Hoàng Thị Phần - sinh viên Trường ĐH Negeri Semarang, Indonesia

    Theo dõi chi tiết về học bổng

    Để đạt học bổng du học Indonesia, mình đã chủ động tham gia các hoạt động văn hóa chính trị liên quan Indonesia khi còn là sinh viên khoa Đông Phương học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM. Đồng thời, mình cũng tham gia nghiên cứu khoa học để tích lũy kinh nghiệm và củng cố hồ sơ về học thuật. Ngoài ra, mình còn tìm hiểu về con người và đất nước mình muốn đến du học cũng như trau dồi cả tiếng Indonesia lẫn tiếng Anh để không lộ bất kỳ sự thiếu tự tin nào khi phỏng vấn.

    Mình chờ học bổng Darmasiswa của chính phủ Indonesia (năm 2023-2024) mở lại trong suốt 3 năm liền do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là học bổng khiến mình nhớ nhất vì tốn rất nhiều thời gian chuẩn bị. Để vực dậy tinh thần, mình đã quay video tạo động lực về lý do khiến mình đăng ký học bổng này. Đến giờ, mình vẫn chưa quên 30 phút hồi hộp ngồi trong phòng phỏng vấn ở lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM.

    Theo mình, nếu muốn đỗ một học bổng điều đầu tiên cần làm là theo dõi chi tiết về học bổng ấy để xem xét bản thân đạt và chưa đạt những gì. Trường hợp chưa đạt tiêu chí nào, cần lên kế hoạch bổ sung càng sớm càng tốt. Việc siêng năng tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện là điểm cộng cho tất cả học bổng. Bên cạnh việc trau dồi các kỹ năng cũng nên tìm hiểu kỹ về môi trường mà bạn sẽ đến học và kế hoạch sau khi bạn đạt học bổng. Đây là yếu tố sẽ giúp bạn gây được ấn tượng tốt trong các buổi phỏng vấn học bổng. Cuối cùng, hãy tự tin đăng ký học bổng mà mình muốn.

    * Phan Ngọc Bảo Trân - sinh viên Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM

    Tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa

    Trong những năm tháng học đại học, mình thấy bản thân khá may mắn khi có cơ hội được nhận 3 học bổng. Ngoài học bổng khuyến khích học tập ở trường, mình còn vinh dự nhận học bổng của tổ chức TFCF Việt Nam của Quỹ Taiwan Fund for Children and Families - chi nhánh Việt Nam.

    Đề đạt học bổng khuyến khích học tập, mình chú trọng tích lũy điểm số các môn học lẫn điểm rèn luyện từ hoạt động ngoại khoá. Có lần, mình đã trượt học bổng vì thiếu 1 điểm rèn luyện. Do đó, mình luôn cố gắng đầu tư thêm thời gian và công sức tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hơn để nuối tiếc không lặp lại.

    Ở trường mình, thông tin về học bổng luôn được cập nhật trên trang Facebook hay website của phòng Công tác sinh viên. Vì thế, việc tìm kiếm các học bổng phù hợp để ứng tuyển là khá dễ dàng. Nếu mình biết nắm bắt cơ hội ấy từ sớm hơn có lẽ mình sẽ còn chinh phục thêm các học bổng từ doanh nghiệp nhiều hơn.

    THANH NHI

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên