Đó là sẻ của Nguyễn Phương Mẫn Tuệ, cựu sinh viên Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM khi nói về hành trình học tập của mình. Mẫn Tuệ tốt nghiệp ngành Công nghệ Dệt May - khoa Cơ khí và trở thành nhân vật đặc biệt với thành tích: 4 năm đại học, đã đi đến 3 nước Ý, Singapore và Canada qua hình thức học bổng, trao đổi sinh viên ngắn hạn.
May mắn là một phần trong hành trình
Đến với ngành học như một cơ duyên, lúc nộp hồ sơ tuyển sinh, Mẫn Tuệ cảm thấy ngành Kỹ thuật dệt may “hợp” với mình nên đã quyết định theo đuổi đến cùng.
Ngày bước vào giảng đường, như bao bạn bè, Mẫn Tuệ có nhiều bỡ ngỡ. Nhưng bằng những cố gắng và nỗ lực học hỏi từng ngày, Tuệ đã xác định được định hướng cho bản thân ở môi trường đại học. Mẫn Tuệ chia sẻ: “Mình may mắn được tiếp xúc với nhiều anh chị khóa trên, họ đều là những người học rất giỏi, được đi du học nhiều nơi, có nhiều kỹ năng mềm. Mình cảm thấy điều đó ‘rất gì và này nọ’ nên trong suy nghĩ của mình cũng muốn bản thân được một phần như vậy”. Qua quá trình giao tiếp với nhiều cựu sinh viên, thầy cô và tìm hiểu về các học bổng trên kênh thông tin Quan hệ đối ngoại của trường, Mẫn Tuệ dần tìm được học bổng phù hợp với bản thân và nỗ lực để đáp ứng cho các tiêu chí của chương trình học bổng đó.
Mẫn Tuệ cho biết, có nhiều chương trình học bổng với những tiêu chí yêu cầu khác nhau, điều quan trọng trước hết là chúng ta phải xác định đúng yêu cầu, mục đích của chương trình học bổng đó. Khi xác định được yêu cầu trên thì xem như chúng ta đã đi đúng 50% quãng đường săn học bổng, còn nửa đoạn đường còn lại phụ thuộc vào năng lực của mỗi người.
“Từ đó vạch ra cho mình những lộ trình học tập, rèn luyện kỹ năng, và điều đặc biệt là cố gắng thể hiện hết mình để họ thấy được sự nỗ lực, phù hợp, xứng đáng của mình đối với học bổng. Ngoài việc nắm chắc kiến thức chuyên môn, sinh viên cần phải rèn nhiều kỹ năng như ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp - hòa nhập, kỹ năng thực tiễn xã hội… để có thể giải quyết vấn đề một cách tốt nhất” - Mẫn Tuệ chia sẻ.
PGS.TS Bùi Mai Hương - Giảng viên chủ nhiệm của Mẫn Tuệ, nhận xét: “Tuệ là sinh viên cá tính, thông minh, biết lập kế hoạch và thực hiện muc tiêu đề ra. Ở em vừa có sự tự tin, vừa có sự khiêm tốn và cầu tiến, mỗi cuộc thi hay dự án em tham dự đều với tinh thần học hỏi và trải nghiệm. Đây là một tinh thần, tích cách mà tôi rất trân trọng”.
Đừng để bản thân trong vỏ bọc an toàn
Vừa theo học tại chương trình đại học tại Việt Nam vừa đi du học trao đổi ở nhiều quốc gia trong khoảng thời gian hạn định, đây là một việc khó đối với nhiều sinh viên.
“Nói về khó khăn thì chắc chắn mình gặp rất nhiều, sự khác biệt về văn hóa, lối sống, môi trường giáo dục… nhưng đây là khó khăn chung mà bạn du học sinh nào cũng mắc phải. Thực sự cá nhân mình không quan tâm đến khó khăn lắm, nó sẽ có ý nghĩa gì nếu bạn so sánh với những thử thách mà bạn đã vượt qua. Mình quan tâm đến những ‘trái ngọt’ mà mình sẽ nhận được hơn. Có ba thứ mình luôn nghĩ đó là: Học được gì, phát triển như thế nào, và bản thân thay đổi được gì” - Mẫn Tuệ bộc bạch.
Cô sinh viên luôn muốn bản thân được trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Không khó để có thể nhận thấy được tinh thần cầu tiến, chủ động và sự nghiêm túc qua cách cô chia sẻ về hành trình du học của mình.
“Mình nghĩ mình có thể làm được những gì, tham gia những gì thì hãy thực hiện nó ngay, vì khoảng thời gian hạn định. Trong khoảng thời gian mình du học thì ngoài lớp học của mình, thi thoảng mình vẫn tham gia vào các lớp học liên quan khác để trải nghiệm và tiếp thu thêm” - Tuệ thích thú biết thêm.
Theo quan niệm của cựu sinh viên khoa Cơ khí, du học là một việc có muôn hình vạn trạng, mỗi sinh viên sẽ có một góc nhìn khác nhau. Chúng ta sẽ không nói về tính tốt xấu của những nơi mà mình đã từng đến, mình chỉ khẳng định đó là một môi trường mới, về nhiều thứ. Chính vì mới nên bản thân bạn sẽ phải gặp khó khăn, và bạn phải tìm cách thích nghi với nó, càng sớm càng tốt.
Cô bạn chia sẻ: “Có nhiều điều bạn cần phải học, từ hững cái nhỏ nhặt nhất. Điều quan trọng hơn hết là bạn phải thoát ly khỏi vỏ bọc an toàn của chính mình. Bạn là người mới nên cái nhìn của người bản xứ về bạn cũng sẽ khác, họ sẽ không đánh giá bạn qua việc bạn cố gắng học hỏi, cải thiện. Vì vậy đừng ngại ngùng hay sợ hãi gì cả, sự mạnh mẽ, dạn dĩ là một tính cách cần thiết khi bạn xuất ngoại”.
Để có được những suất học bổng “xịn”, Mẫn Tuệ cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn. Có những đề tài khoa học của mình bị bác bỏ ngay từ đầu, có những ý tưởng có thể đi xa được đôi chút nhưng rồi cũng khép lại vì không có tính ứng dụng…
Mẫn Tuệ chia sẻ: “Mình nghĩ ai trong cuộc sống này cũng đều có áp lực cả. Có một câu danh ngôn rằng ‘No pressure, no diamonds’ - Không có áp lực thì sẽ không có kim cương. Khi bạn mệt mỏi, bất lực, bạn có thể dừng lại và không ai trách bạn cả, vì bạn đã cố gắng hết sức. Nhưng nếu bạn tự hài lòng về mình quá nhiều, bạn sẽ mãi nhỏ bé và không lớn lên được”.
Qua những lần đi du học, Mẫn Tuệ nhận thấy tính cách của mình trở nên hướng ngoại hơn, thay đổi so với bản thân của những năm trước. Đó cũng là một thành quả mà Tuệ xem như mình đạt được. Hiện tại Nguyễn Phương Mẫn Tuệ đang làm việc tại Công ty Uniqlo. Tuy nhiên Tuệ là một người có đam mê tham gia nghiên cứu khoa học, nên vẫn mong muốn có cơ hội để học cao hơn. Cô sinh viên tìm thấy được niềm vui trong hoạt động nghiên cứu và nhận thấy vẫn có thể tiếp tục học thêm từng ngày ở vị trí đó.
4 năm đại học 3 lần du học Mẫn Tuệ lần đầu tiên đến Ý khi đang học năm II. Đây là phần thưởng khi bài báo “Triển vọng ứng dụng xơ tre làm nguồn vật liệu tái tạo cho ngành dệt may" của cô thuộc 4 bài báo xuất sắc nhất tại chương trình Italian Technology Award Training Course & Factory Visit. Năm III, cô sinh viên quyết tâm chinh phục học bổng Temasek Foundation International Specialist's Community Action & Leadership Exchange (TFISCALE) 2018 - Singapore với mục đích bồi dưỡng và tăng cường khả năng lãnh đạo, khả năng hội nhập và phát triển các kỹ năng mềm trong tương lai cho sinh viên. Năm thứ IV đại học, Mẫn Tuệ tiếp tục trúng tuyển học bổng The Canada - ASEAN Scholarships and Educational Exchanges for Development (SEED) 2019. Mẫn Tuệ quyết định kéo dài thời gian học ở Việt Nam để qua Canada trải nghiệm một học kỳ. |
KIM NGÂN (Bản tin ĐHQG-HCM số 201)
Hãy là người bình luận đầu tiên