Trước áp lực về dân số và yêu cầu phát triển bền vững, các đô thị hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức sống còn. Phát triển “thông minh hơn” là xu hướng được nhiều thành phố trên thế giới lựa chọn. Điều này không chỉ giúp giải quyết những vấn đề nội tại của đô thị mà còn thích ứng với sự bất định của phát triển.
Làm thế nào để xây dựng một đô thị thông minh? Phải chăng chỉ đơn thuần là áp dụng những tiến bộ công nghệ vào việc quản trị - kết nối thành phố? Đây là những chủ đề được các nhà nghiên cứu thảo luận sôi nổi tại Hội thảo khoa học quốc tế: “TP.HCM trong mạng lưới các thành phố thông minh ở ASEAN: Cơ hội và thách thức” do Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, Học viện Cán bộ TP.HCM và Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á đồng tổ chức ngày 24/5.
Ưu tiên di sản thay vì đất “vàng”
Bàn về khái niệm “thành phố thông minh”, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - Trưởng khoa Khoa Đô thị học, Trường ĐH KHXH&NV, cho biết ý tưởng này đã được thế giới nghiên cứu hơn 20 năm và mô hình thành phố hiện đại được ứng dụng các thiết bị công nghệ “không phải là câu chuyện mới”.
Theo Trưởng khoa Khoa Đô thị học, những việc riêng rẽ như sử dụng hệ thống theo dõi sức khỏe tự động ở bệnh viện, thay xe buýt bằng xe điện không người lái, gắn hệ thống camera an ninh ở những nơi cộng cộng, trang bị nhà vệ sinh tự động... chỉ là những “giải pháp thông minh”. Và để được gọi là thành phố thông minh, chính quyền phải đảm bảo sự kết nối chặt chẽ, tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh giữa những “giải pháp thông minh này”.
“Việc phát triển thành phố thông minh nên đặt con người làm trung tâm chứ không phải công nghệ. Mục tiêu của việc phát triển thành phố thông minh không phải chỉ đóng khung ‘ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất’ mà là sử dụng công nghệ một cách thông minh nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân” - PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm này, TS Vũ Thị Mai Oanh - Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng các thách thức về vấn đề dân sinh như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, tình trạng quá tải ở trường học, bệnh viện và nền hành chính lạc hậu đã khiến cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của thành phố trong tương lai “khó thành hiện thực”.
Nhà nghiên cứu này cũng lưu ý, việc phát triển đô thị thông minh không thể bỏ qua hay xem nhẹ yếu tố văn hóa của thị dân. Văn hóa chính là linh hồn của một đô thị, giữ cho thành phố không còn là cái xác của những công nghệ hiện đại.
TS Oanh khẳng định: “Dù đô thị có thông minh, hiện đại bao nhiêu thì lịch sử của nó vẫn là điểm riêng quý giá, niềm kiêu hãnh và tự phân biệt với các đô thị khác. Vì vậy, dù đất đô thị vô cùng đắt đỏ, cần phải ưu tiên cho các công trình lịch sử này. Nó là tài sản vô giá làm nên linh hồn của thành phố, trao truyền cho các thế hệ con cháu mai sau. Đây còn là nét đẹp làm nên đặc trưng ‘văn minh’, ‘nghĩa tình’ mà lãnh đạo TP.HCM luôn hướng tới, với hàm ý sự phát triển của thành phố này, không một ai bị lãng quên, không ai đứng ngoài sự phát triển”.
Thách thức từ quy hoạch
Thảo luận về tác động của an ninh phi truyền thống khi xây dựng đô thị thông minh, TS Trần Quốc Dương - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết các nước phát triển có ưu thế về vốn, khoa học, công nghệ và thị trường “đã lợi dụng” điều này để áp đặt các “giá trị văn hóa”, luật chơi đối với Việt Nam.
“Do tính chất xuyên quốc gia của mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nên khi xây dựng thành phố thông minh, các quốc gia, dân tộc cần phải chấp nhận ‘luật chơi’ chung, hoặc là phải có sự ‘điều chỉnh’ hệ thống pháp luật theo hướng ‘quốc tế hóa’. Điều này khiến các nước phải xem xét lại mô hình, con đường phát triển của mình, thậm chí phải du nhập những khuôn khổ, mô hình của bên ngoài… đang trở thành nguy cơ đe dọa thể chế chính trị và nền độc lập của dân tộc” - TS Trần Quốc Dương cảnh báo.
Trong khi đó, ThS Trần Hoàng Nam - Trường ĐH Việt Đức, cho rằng thách thức lớn của phát triển đô thị hiện nay là việc tích hợp kế hoạch nguồn lực vào các đồ án quy hoạch. Hệ thống quy hoạch đô thị Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng mang tính tầng bậc chặt chẽ và cứng nhắc, thường được lập trên các dự báo dài hạn và trong nhiều trường hợp không phản ánh đúng nhu cầu của thị trường.
“Do ngân sách ngày càng cạn kiệt và nợ công tăng ở mức rủi ro cao nên sự hỗ trợ từ trung ương ngày càng hạn chế. Nhiều địa phương, trong đó có TP.HCM, đã tận dụng lợi thế của các khu vực đất trống, bất chấp tác động giao thông và nhu cầu phát triển hệ thống hạ tầng lớn hơn sau này. Thực trạng dư thừa cảng biển, thành phố ma và khu công nghiệp hoang là minh chứng cho sự suy yếu hợp tác vùng do sự cạnh tranh giữa các địa phương” - ThS Trần Hoàng Nam nhấn mạnh.
Theo ThS Trần Hoàng Nam, quy hoạch đô thị hiện nay đang được xem như tập hợp của các quy hoạch phân khu hơn là chiến lược phát triển đô thị toàn diện. Ông phân tích: “Việc chính quyền TP.HCM đang nỗ lực phủ kín quy hoạch phân khu trên toàn địa bàn là minh chứng cho thực trạng này. Tuy không thể phủ định vai trò quan trọng của quy hoạch phân khu, đặc biệt khi quy định mới đã yêu cầu tích hợp quy hoạch chung vào quy hoạch cấp tỉnh. Nhưng việc có quá nhiều quy hoạch phân khu đã gây ra hiện tượng quy hoạch thành phố bị điều chỉnh liên tục nhằm thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư. Tính tùy biến trong quy hoạch là điều không thể tránh khỏi khi dự báo chưa chính xác và thiếu nguồn lực thực thi. Nhưng mặt trái của nó là làm thay đổi định hướng ban đầu và khiến cho việc phát triển đô thị không hài hòa được lợi ích của toàn xã hội”.
Để giải quyết các “xung đột” trên, ông Nam cho rằng cần có những quy định cụ thể về việc ràng buộc giữa lập và thực thi quy hoạch đô thị. “Việc ràng buộc trách nhiệm khi phân bổ vốn đầu tư sẽ làm giảm quyền ‘tùy biến’ của một số lãnh đạo. Điều này cũng sẽ ‘trói buộc’ các tư vấn trong dự báo để khớp nối giữa nhu cầu và nguồn lực. Các chủ dự án khó có thể vẽ ra để duyệt rồi ngầm điều chỉnh, giảm trách nhiệm xã hội và tăng lợi nhuận. Đây là những vấn đề cần không chỉ số liệu hay công cụ đánh giá ‘thông minh’ mà còn quyết tâm chính trị và cơ chế ra quyết định phù hợp” - ThS Trần Hoàng Nam nhận định.
Cần cuộc cách mạng về thể chế
Theo PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, đa số các đô thị trong khối ASEAN, với quy hoạch, thiết kế hệ thống hạ tầng được xây dựng từ thế kỷ XX, khiến các quốc gia này “rất khó” xây dựng thành phố thông minh theo mô hình phương Tây. Do đó, có thể tìm giải pháp từ mô hình TIP (Technology, Institution, People), gồm “Công nghệ - Thể chế - Con người” do ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam khuyến nghị.
Thứ nhất, về công nghệ, ông Dione đề xuất nâng cao khả năng tương kết (interoperability) của hạ tầng mạng, qua đó nâng cao kết nối giữa các ban ngành của chính quyền; giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân. Thứ hai, về thể chế, cần quan tâm đến công tác quản lý thiết bị điện tử và bảo vệ thông tin cá nhân cho người dân.
“Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN năm 2018. Ông cho rằng cuộc cách mạng 4.0 không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ, mà đó còn là cuộc cách mạng về thể chế. Do đó, vấn đề đặt ra là phải xây dựng và quản lý được khung pháp lý vừa linh hoạt để tiếp nhận những công nghệ, mô hình kinh doanh mới vừa chắc chắn để bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan” - PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân đánh giá.
Và cuối cùng là nhân tố con người. Việc trang bị cho nguồn nhân lực những kỹ năng cần thiết rất quan trọng, đó không chỉ là những kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, mà còn phải là kỹ năng nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo không ngừng.
Nhấn mạnh yếu tố thể chế trong quản lý phát triển, ThS Trần Hoàng Nam khẳng định: “Thể chế chính là nền tảng quan trọng giúp thành phố giải quyết các thách thức hiện tại và hướng tới xây dựng đô thị thông minh”.
Theo đó, thể chế là điều kiện để thực thi quản lý nhà nước và luật chơi mới cho các chủ thể trong xã hội. Nó đồng thời cũng là tiêu chuẩn để hợp tác và kết nối, đánh giá, ra quyết định, và tổ chức bộ máy phù hợp. Bối cảnh phát triển mới đòi hỏi phải xây dựng thể chế phù hợp để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển đó diễn ra tốt hơn.
“Xây dựng đô thị thông minh không chỉ đơn giản là tập trung đầu tư đầy đủ các máy móc, thiết bị và tiện ích kỹ thuật mà còn phải thiết lập được những phương thức và nền tảng để các bên xóa bỏ khác biệt, đẩy mạnh hợp tác và xây dựng đồng thuận trong giải quyết các vấn đề mang tính chiến lược, các xung đột về lợi ích, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững” - ThS Nam phân tích.
PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên