Ngày 30/8, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp cùng ĐH Công nghệ Malaysia đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Bản địa hóa các yếu tố toàn cầu và hoạt động giảng dạy tiếng Anh”. Chương trình có sự tham gia của gần 300 nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên cao học và những người quan tâm về việc giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Lê Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho rằng chương trình là một diễn đàn quan trọng để mọi người cùng chia sẻ các nghiên cứu trong việc giảng dạy tiếng Anh. Qua đó, hội thảo mong muốn có thể đề xuất những phương pháp nhằm nâng cao động lực học ngoại ngữ và năng lực giao tiếp của người học.
“Hội thảo lần này đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong việc phối hợp tổ chức giữa hai đơn vị. Các báo cáo tại chương trình sẽ được đăng dưới dạng kỷ yếu quốc tế. Đồng thời, ban tổ chức cũng lựa chọn những bài có chất lượng để công bố trong số đặc biệt 2024 của Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ của nhà trường” - TS Lê Hoàng Dũng nói.
Tại hội thảo, TS Rob Waring - Giáo sư danh dự ĐH Notre Dame Seishin (Nhật Bản) đã chia sẻ về trải nghiệm của mình khi ghé thăm nhiều lớp học tại châu Á. Phần lớn lớp học đều tập trung vào một sách giáo khoa với cấu trúc nhiều chương khác nhau. Điều này dễ dẫn đến tình trạng “dạy một lần rồi thôi”.
“Ngữ pháp, từ vựng ở chương sau sẽ không lặp lại chương trước vì khác chủ đề. Điều này dẫn đến việc khi sang tiết học tiếp theo, thầy cô phải dạy bài mới và mặc định học sinh đã hiểu bài cũ. Việc dạy một lần rồi thôi cứ thế lặp đi lặp lại”, TS Rob Waring chia sẻ.
Để tạo động lực học tiếng Anh, TS Waring cho rằng, giáo viên cần xây dựng chương trình học từ vựng một cách hệ thống. Qua đó, người dạy tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc lại với các từ vựng, ngữ pháp cũ thay vì liên tục dạy mới.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Hadina Habil - Chủ tịch Viện Ngôn ngữ (ĐH Công nghệ Malaysia) đề xuất kiến tạo các lớp học ảo trong bối cảnh công nghệ ngày càng phổ biến. Theo đó, các thầy cô trên nhiều quốc gia có thể kết nối cùng nhau trong việc dạy học, giúp người học có thể tự tin hơn và nâng cao năng lực giao tiếp.
“Các học viên đều đánh giá tích cực về mô hình lớp học ảo, nhất là trong khía cạnh học hỏi văn hóa song song với ngoại ngữ. Không chỉ giúp học viên hiểu, giao tiếp với những người từ các nền văn hóa khác nhau, mô hình này còn tạo điều kiện để giảng viên từ khắp thế giới hợp tác với nhau, trong đó có Việt Nam", PGS.TS Hadina nhận định.
Qua 5 phiên thảo luận toàn thể và 3 tiểu ban, Hội thảo “Bản địa hóa các yếu tố toàn cầu và hoạt động giảng dạy tiếng Anh” đã nhận được nhiều đóng góp, đề xuất từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh đến từ Việt Nam, các nước Đông Nam Á, Australia và Mỹ. Đặc biệt, năm nay hội thảo có sự quan tâm của nhiều quốc gia như Ba Lan, Nhật Bản, Ma Rốc, Hàn Quốc, Canada, Đức.
KHẮC HIẾU
Hãy là người bình luận đầu tiên