Sinh viên ĐHQG-HCM

Trải nghiệm và trưởng thành cùng AUN-VNUHCM Summer Program 2024

  • 26/09/2024
  • Từ ngày 7-19/7, 70 sinh viên đến từ 23 trường đại học của 10 quốc gia ASEAN đã tham gia trại hè sinh viên VNUHCM Summer Program 2024 do ĐHQG-HCM lần đầu tổ chức tại Việt Nam. Chương trình được thiết kế với mục tiêu tăng cường trải nghiệm quốc tế và nâng cao nhận thức của sinh viên các trường thành viên AUN về biến đổi khí hậu.

    Sau gần 20 ngày hoạt động, chương trình không chỉ mang lại cơ hội học hỏi kiến thức mà còn kết nối và xây dựng mối quan hệ lâu dài giữa các sinh viên đến từ các quốc gia ASEAN. Website ĐHQG-HCM đã có cuộc gặp gỡ để lắng nghe trải nghiệm của các sinh viên ĐHQG-HCM khi tham gia chương trình này.

    * Nguyễn Đông Thạnh - sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH An Giang

    Những gì không thích nghi được hãy nên tôn trọng

    Hơn 2 tuần trôi qua đều là những ngày đáng nhớ đối với bản thân mình. Mình được tiếp thu khá nhiều kiến thức về biến đổi khí hậu từ các chuyến đi thực tế ở huyện Cần Giờ, TP.HCM và xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh Anh Giang. Những chuyến đi thực tế này đã giúp việc tìm hiểu về biến đổi khí hậu trở nên sinh động và thiết thực hơn.

    Chương trình này còn là một cơ hội tốt cho mình để trau dồi khả năng tiếng Anh và kết bạn bốn phương. Trong đêm trình diễn “Cultural Night” tại Trường ĐH Công nghệ thông tin, các bạn đã giới thiệu các tiết mục âm nhạc và trang phục đặc trưng của quốc gia mình. Mình còn được nghe các bạn chia sẻ khá nhiều về văn hóa địa phương, ẩm thực… giúp mình làm giàu thêm kiến thức cho bản thân.
    “Give respect, Get respect”. Chương trình quy tụ sinh viên đến từ 10 quốc gia của Đông Nam Á, vì vậy sẽ mang đến 10 nền văn hóa khác nhau. Do đó, việc tôn trọng là điều cần thiết. Tôn trọng con người, tôn trọng tôn giáo, tôn trọng nơi mà mình đến và những gì mà mình không thích nghi được thì hãy nên tôn trọng. Đó là những điều mà mình học được nhiều nhất khi tham gia chương trình này.

    Các bạn có tin là chỉ hơn 2 tuần mà sẽ góp một phần lớn vào tuổi trẻ không? Nếu không, hãy tham gia AUN-VNUHCM Summer Program nhé!

    * Lư Thanh Liêm - sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV

    Nhiều cơ hội để phát triển kỹ năng mềm

    Cơ hội tham gia chương trình khá giới hạn khi ở trường mình, mỗi khoa sẽ gửi giới thiệu 2 sinh viên để Phòng Đối ngoại và Quản lý khoa học (đơn vị cử sinh viên tham gia chương trình) chọn ra 5 sinh viên. Khi mình nhận được thông tin đề cử thì đã cận kề thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia nên đêm đó mình đã thức đến 2 giờ sáng để hoàn thành hồ sơ. Và thật may mắn, mình được chọn trở thành một trong năm đại biểu của Trường ĐH KHXH&NV.

    Trong suốt chương trình, trải nghiệm đáng nhớ nhất đối với mình chính là chuyến tham quan khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Đây không chỉ là cơ hội để quan sát trực tiếp những tác động của biến đổi khí hậu lên hệ sinh thái địa phương, mà còn là dịp để mình thực sự hiểu rõ hơn về những thách thức và giải pháp trong việc bảo vệ môi trường. Mỗi hoạt động đều mang đến những trải nghiệm độc đáo và bài học quý giá. Đi bộ trong rừng cây đước giúp mình hiểu rõ vai trò quan trọng của rừng ngập mặn trong việc chống lại biến đổi khí hậu và bảo vệ bờ biển. Tham quan đảo khỉ không chỉ mang lại niềm vui mà còn cho mình cơ hội quan sát và học hỏi về tập quán sinh hoạt của loài khỉ. Những hoạt động này đã giúp mình gắn kết hơn với thiên nhiên, tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ và củng cố ý thức bảo vệ môi trường.

    Chương trình đã mang lại kiến thức sâu rộng về biến đổi khí hậu và cung cấp nhiều cơ hội phát triển kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình và giao tiếp. Ngoài ra, khi tham gia tích cực vào các buổi thảo luận và giao lưu với bạn bè quốc tế giúp chúng ta mở rộng mạng lưới quan hệ, trao đổi ý tưởng và học hỏi từ những nền văn hóa khác nhau.

    * Nguyễn Thị Thảo Nhi - sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Quốc tế

    Học được cách phải chậm lại, lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn

    2 tuần tại AUN-VNUHCM Summer Program 2024 vô cùng đáng giá, đánh dấu cho một bước tiến trong hành trình học tập của mình. Mình đã đắm mình vào kiến thức, đêm hội giao lưu văn hoá, chậm hơn để lắng nghe “thiên nhiên”, kết nối với rất nhiều bạn quốc tế.

    Thật khó để liệt kê hết tất cả kiến thức mình học được, vì ngoài kiến thức về môi trường đến từ các giảng viên ưu tú, mình còn học về cách làm việc nhóm, dẫn dắt, lắng nghe, thấu hiểu, và nhiều thứ khác nữa. Nhưng điều đọng lại nhất, đó là mối quan hệ giữa con người và môi trường, chúng ta tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Biến đổi khí hậu phần lớn chính là do tác nhân con người gây nên. Do đó, tất cả chúng ta đều phải cùng nhau đối mặt vấn đề này. Sau cùng, mỗi hành động chúng ta làm để bảo vệ môi trường sẽ giúp chúng ta trở thành một phần của giải pháp mà không phải là một vấn đề nữa.

    Kỷ niệm đáng nhớ nhất với mình khi tham gia chương trình là lúc làm việc nhóm. Hôm đấy đã là bài giảng thứ 4 nhưng nhóm của mình vẫn chưa thống nhất chủ đề. Chúng mình thiếu kết nối và một thành viên gặp phải sự cố cá nhân, khiến cho mindmap (sơ đồ tư duy) của cả team bị lỗi, không hoàn thành như mong đợi. Là một trưởng nhóm lần đầu dẫn dắt nhóm từ các quốc gia khác nhau (Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar) mình gặp trở ngại khi giải thích và kết nối mọi người, khiến không khí sau khi thuyết trình rất căng thẳng và ủ rũ. Ngay đêm đó, chúng mình ngồi lại cùng nhau, trao đổi nhiều hơn, lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Mình cũng học được cách phải chậm lại, nhận ra vấn đề của nhóm, và sau đó các thành viên cùng cổ vũ lẫn nhau, hứa cùng nhau chia sẻ và cống hiến, dù cho kết quả có như thế nào đi nữa. Sau cùng, nhóm được khen là nhóm làm việc tốt nhất, đạt giải Best Poster và có những kỷ niệm quý giá cùng nhau.

    TRUYỀN THÔNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên