Tin tức - Sự kiện

Thơ Nôm của các nhà nho thế kỷ XV – XIX viết về Phật giáo - NCS. Phạm Kim Ngân

  • 29/10/2024
  • Tên đề tài: Thơ Nôm của các nhà nho thế kỷ XV – XIX viết về Phật giáo
    Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
    Mã số: 9220121
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Kim Ngân
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Công Lý
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
    + Tóm tắt nội dung luận án:
    Luận án nghiên cứu giá trị thơ chữ Nôm của các nhà nho thế kỷ XV – XIX viết về Phật giáo, xem đây là một bộ phận quan trọng của văn học Phật giáo thế kỷ XV – XIX. Trước hết, luận án phác thảo diễn trình và diện mạo của văn học Nôm viết về Phật giáo thế kỷ XV – XIX, làm rõ sự chuyển biến về lực lượng sáng tác và sự mở rộng về hệ thống thể loại, đồng thời khẳng định văn học Phật giáo giai đoạn này chính là sự kế thừa và phát triển tiếp nối của văn học Phật giáo giai đoạn trước. Nghiên cứu giá trị nội dung trong thơ Nôm của các nhà nho thế kỷ XV – XIX, luận án tập trung lý giải các vấn đề Bản thể luận và Giải thoát luận Phật giáo. Luận án đặt thơ Nôm của các nhà nho trong trường dung hợp tam giáo Nho – Phật – Đạo và trong sự tương giao với thơ Nôm của các thiền sư cùng thời để làm rõ hơn vị trí, vai trò của Phật giáo cũng như sự phóng khoáng, rộng mở của dân tộc trong việc tiếp thu các hệ tư tưởng. Bên cạnh việc làm rõ các đặc trưng nghệ thuật như sự phong phú về thể loại, điêu luyện trong việc sử dụng ngôn ngữ, uyên bác trong nghệ thuật dụng điển, linh hoạt về bút pháp, giọng điệu, luận án còn cho thấy sự thể hiện một số phạm trù mỹ học Thiền tông trong thơ Nôm của các nhà nho như: Hư tĩnh, Vô ngôn, Tự nhiên, Bình đạm, Tiêu dao. Từ đó, luận án góp phần khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp của mảng thơ Nôm viết về Phật giáo của nhà nho cho bộ phận văn học Phật giáo nói riêng và văn học trung đại Việt Nam nói chung.
    + Những kết quả của luận án:
    1. Tổng kết lại các thành tựu nghiên cứu văn học Phật giáo từ trước đến nay, đặc biệt là văn học Phật giáo thế kỷ XV – XIX.
    2. Xác lập diễn trình, diện mạo của văn học Nôm viết về Phật giáo thế kỷ XV – XIX, xem đây là một bộ phận của văn học Phật giáo và văn học Việt Nam giai đoạn trung kỳ và hậu kỳ trung đại.
    3. Xác định giá trị nội dung tư tưởng trong thơ Nôm viết về Phật giáo của các nhà nho thế kỷ XV – XIX, đặc biệt ở việc thể hiện các học thuyết về Bản thể luận và Giải thoát luận.
    4. Bên cạnh đó, với việc đặt thơ Nôm viết về Phật giáo của các nhà nho trong trường dung hợp tam giáo và trong sự tương giao với thơ Nôm của các thiền sư cùng thời, luận án không chỉ khái quát vị trí, vai trò của Phật giáo trong hệ tư tưởng chung của dân tộc mà còn cho thấy những điểm tương đồng giữa hai lực lượng sáng tác chính (nho sĩ và thiền sư) trong vấn đề xây dựng con người lý tưởng và tinh thần hộ quốc, an dân.
    5. Phân tích sự tiếp thu và thể hiện các phạm trù mỹ học Thiền tông cũng như những đặc sắc về nghệ thuật trong thơ Nôm của các nhà nho thế kỷ XV – XIX viết về Phật giáo.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Với những kết quả trên, luận án Thơ Nôm của các nhà nho thế kỷ XV – XIX viết về Phật giáo là:
    (1) Công trình nghiên cứu có hệ thống về diện mạo, đặc điểm thơ Nôm của các nhà nho thế kỷ XV – XIX, cung cấp kiến thức tổng quan về một giai đoạn phát triển (thế kỷ XV – XIX) của văn học Phật giáo.
    (2) Tài liệu tham khảo, giới thiệu, giảng dạy trong các chuyên đề văn học, triết học, văn hóa học cho bậc Cao Đẳng, Đại học.
    Từ những kết quả trên, luận án gợi mở các nghiên cứu mới, thú vị về:
    (1) Nghiên cứu về văn học Phật giáo từ góc độ mỹ học Thiền: sự khai ngộ Phật tính từ tâm trong các tác phẩm văn học Phật giáo, nghiên cứu triết học “tính Không” trong các tác phẩm văn học Phật giáo, nghiên cứu giá trị Giải thoát luận trong các tác phẩm văn học mang cảm hứng Phật giáo, nghiên cứu sự tương đồng về mỹ học trong thơ Nho gia và Thiền gia,…
    (2) Nghiên cứu văn học Phật giáo trong mối quan hệ với các thành tố văn hóa khác: nghiên cứu văn học Phật giáo trong cái nhìn đối sánh với văn chương Nho gia và Đạo gia, nghiên cứu văn học Phật giáo trong mối quan hệ tam giáo và truyền thống văn hóa bản địa, nghiên cứu sự tiếp thu và chuyển hóa văn học Phật giáo thời Lê – Nguyễn trong mối tương quan với văn học Phật giáo thời Lý – Trần,…
    (3) Nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam trong sự đối sánh với các nước thuộc “khu vực văn hóa chữ Hán” và thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Ấn Độ…

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên