Sau đại học

Triết học ấn độ cổ đại-nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử - NCS. Trịnh Thanh Tùng

  • 11/05/2019
  • Tên luận án: “Triết học ấn độ cổ đại-nội dung, đặc điểm
    và ý nghĩa lịch sử”
    Chuyên ngành: TRIẾT HỌC
    Mã số: 62.22.03.01  
    Họ và tên nghiên cứu sinh: TRỊNH THANH TÙNG    
    Người hướng dẫn khoa học:  PGS,TS. LƯƠNG MINH CỪ
                                                           TS. PHẠM LÊ QUANG
     Cơ sở đào tạo: TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XH & NV-ĐHQG. HỒ CHÍ MINH

             1.Tóm tắt nội dung luận án     
             Là một trong những hình thái ý thức xã hội, triết học Ấn Độ hình thành, phát triển và nội dung, đặc điểm của nó tất yếu bị chi phối và phản ánh những điều kiện tự nhiên, điều kiện khí hậu đa dạng, khắc nghiệt cùng với sự quy định và ảnh hưởng sâu sắc bởi điều kiện lịch sử - xã hội Ấn Độ khá đặc biệt thời cổ đại. Đó là chế độ nô lệ mang tính chất gia trưởng hà khắc, lại bị kìm hãm bởi công xã nông thôn và chế độ phân biệt đẳng cấp xã hội  - chế độ varna, hết sức khắt khe. Quá trình hình thành, nội dung và đặc điểm của triết học Ấn Độ còn dựa trên sự phát triển của nền văn minh Ấn Độ cổ, từ thời kỳ văn minh sông Ấn (thiên niên kỷ III tr. CN đến thiên kỷ II tr. CN) qua nền văn minh Veda - Sử thi (khoảng thế kỷ XV tr. CN - thế kỷ VI tr. CN), đến thời kỳ Phật giáo - Bàlamôn giáo (thế kỷ VI tr. CN - thế kỷ III sau CN), với thành tựu khoa học và văn hóa nổi bật trên các lĩnh vực như: thiên văn học, lịch pháp, toán học, y học, văn học, nghệ thuật, kiến trúc...  Tất cả luôn tác động và ghi dấu ấn sâu đậm đến nội dung, đặc điểm của triết học Ấn Độ cổ đại.
             Trên cơ sở điều kiện và tiền đề đó, triết học Ấn Độ cổ đại đã hình thành, phát triển và trải qua hai thời kỳ: Thời kỳ Veda - Sử thi (từ thế kỷ XV trước CN đến thế kỷ VI trước CN) triết học Ấn Độ được thể hiện trong kinh Veda, Upanishad, trong Sử thi cổ Ấn Độ Ràmàyana và Mahàbhàrata, trong đó thế giới quan thần thoại tôn giáo mang tính chất đa thần tự nhiên chiếm địa vị thống trị. Và sau đó là sự biến chuyển từ thế giới quan đa thần sang nhất thần và cuối cùng hòa trộn với nó là thuyết nhất nguyên, với quan niệm về “Tinh thần vũ trụ tối cao” là bản thể của thế giới, đánh dấu bước chuyển từ tư duy thần thoại tôn giáo sang tư duy triết học. Thời kỳ Cổ điển hay thời kỳ Phật giáo - Bàlamôn giáo (từ thế kỷ VI trước CN đến thế kỷ III sau C.N) là thời kỳ hình thành các trường phái triết học lớn như: Sànkhya, Vais’esika, Nyàya, Yoga, Mimàmsà và Vedànta, gọi là các darsanas hay hệ thống triết học chính thống (as’tika), và các môn phái Jaina, Lokàyata và Phật giáo.., gọi là hệ thống triết học không chính thống (nas’tika), đi sâu lý giải về thế giới và nhân sinh hệ thống chặt chẽ hơn.
             Qua bức tranh khái quát về triết học Ấn Độ cổ đại, có thể thấy rõ một số đặc điểm chủ yếu: Nếu xem xét triết học Ấn Độ ở tổng thể và tính chất, ta thấy triết học Ấn Độ cổ đại vừa mang tính thống nhất vừa mang tính đa dạng. Trên cùng cơ sở xã hội và một mục đích chung là đi tìm lẽ sống cho nhân sinh, nhưng các trường phái triết học Ấn Độ lại phát triển theo các khuynh hướng và tính chất khác nhau. Có trường phái nhất nguyên như Vedànta nhưng cũng có những phái nhị nguyên hay đa nguyên như Jaina, Sànkhya, Vaise’sika; có những trường phái duy tâm triệt để như Vedànta, Yoga, nhưng cũng có trường phái duy vật triệt để như Lokàyata và những trường phái vừa giải thích thế giới bằng sự tiến hóa của vật chất do sự kết hợp hay phân rã của nguyên tử, vừa đề cao Thượng đế; có trường phái đề cao phương pháp rèn luyện đạo đức và trí tuệ, trực giác như phái Vedànta, có những trường phái đi sâu phương pháp tiếp cận chân lý bằng học thuyết nhận thức và lô gích học đặc sắc như Vais’esika, Nyàya. Trường phái Jaina cho rằng dục vọng và vật dục dẫn tới sự đau khổ, do vậy phải tu luyện theo luật ahimsa. Trong khi đó, Phật giáo vừa không thừa nhận thế giới quan thần quyền vừa chủ trương vạn pháp đều do nhân duyên tác động cho nên “vô thường”, “vô ngã”. Và, căn cứ của nhân duyên là ở tâm chúng ta. Do đó, muốn giải thoát, con người phải cắt đứt nhân duyên, xóa vô minh, diệt dục vọng bằng “Bát chính đạo”, để đạt tới cái tâm thanh tịnh, giác ngộ, giải thoát và Niết bàn. Nếu tiếp cận triết học Ấn Độ ở phương diện động lực, chúng ta thấy sự cạnh tranh, kế thừa giữa các trường phái triết học duy vật, vô thần như “Lục sư ngoại đạo”, Càrvàka với các trường phái triết học duy tâm, tôn giáo như triết lý Veda, Upanishad, giáo lý đạo Bàlamôn, triết lý Vedànta, là đặc điểm xuyên suốt của triết học Ấn Độ cổ. Nếu xem xét triết học Ấn Độ ở mặt giá trị, triết lý đạo đức nhân sinh và mục đích tối cao là giải thoát con người khỏi nỗi khổ, trên bình diện tinh thần, tâm linh, bằng con đường tu luyện đạo đức (karma-yoga), trí tuệ (prajna-yoga) và tín ái (bhakti-yoga), là đặc điểm trung tâm của triết học Ấn Độ cổ đại. 
             Với nội dung và đặc điểm trên, triết học Ấn Độ cổ đại thực sự có ý nghĩa to lớn trên nhiều mặt. Về mặt tư tưởng, triết học Ấn Độ cổ đại đã nghiên cứu, làm sáng tỏ hầu hết các lĩnh vực cơ bản của triết học, do đó, nó đã góp phần vào mài sắc tư duy, phát triển nhận thức, làm phong phú và sâu sắc những quan điểm về thế giới và nhân sinh trong triết học Ấn Độ. Về mặt tôn giáo, triết học Ấn Độ với tư cách là khoa học đi tìm chân lý, bao giờ cũng là cơ sở triết lý cho một tôn giáo nào đó. Còn tôn giáo chính là sự thể nghiệm chân lý đó, biến triết lý đó thành đạo lý, đức tin bằng sự tu luyện đạo đức, trí tuệ trực giác, thông qua giáo lý, giới luật và các lễ nghi tôn giáo. Về mặt đạo đức, triết học Ấn Độ cổ đại luôn quan tâm đến con người, đưa ra các phương pháp rèn luyện hoàn thiện con người, cố gắng xây dựng cho con người mục đích, lý tưởng sống và những quan hệ và chuẩn mực cao đẹp. 
              2. Những kết quả mới của luận án
             Một là, trên cơ sở sơ sở xã hội và tiền đề lý luận hình thành, phát triển của triết học Ấn Độ cổ đại luận án đã tập trung làm rõ những nội dung cơ bản và những đặc điểm chủ yếu của triết học cổ Ấn Độ cổ đại, qua hai thời kỳ thời kỳ Véda - Sử thi hay Veda - Anh hùng ca và thời kỳ Cổ điển hay thời kỳ Phật giáo, Bàlamôn giáo. Hai là, luận án đã phân tích, đánh giá chỉ ra những ý nghĩa lịch sử của triết học Ấn Độ cổ đại, về mặt lý luận và thực tiễn; trên các phương diện tư tưởng, tôn giáo và đạo đức nhân sinh.
             3. Khả năng ứng dụng của luận án
             Nghiên cứu triết học Ấn Độ cổ đại một cách hệ thống nội dung, đặc điểm và ý nghĩa của nó, giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn truyền thống văn hóa của dân tộc Ấn Độ, góp phần củng cố và phát triển sâu rộng tình hữu nghị giữa hai dân tộc: Việt Nam và Ấn Độ; qua đó giúp chúng ta nhận thức rõ hơn, với tinh thần yêu nước và lòng tự hào về những giá trị văn hóa dân tộc, dân tộc Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, trong đó có văn hóa của dân tộc Ấn Độ như thế nào, để làm phong phú và sâu sắc hơn nền văn hóa dân tộc mình.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên